Việc một số nước trên thế giới đang có quan điểm “phản đối phát triển du lịch quá mức” là cơ hội tốt mà Việt Nam cần nghiên cứu để tận dụng.

Ngành du lịch được xác định là một cực tăng trưởng, là ngành kinh tế chủ đạo. Trong ảnh: Khách du lịch tại Bình Thuận. Ảnh: Ngọc Khuyến

Du lịch quá mức là một xu hướng

Vấn đề “du lịch quá mức” tại một số điểm đến nổi tiếng đang xảy ra và sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai do sự gia tăng về nhu cầu du lịch, chiến lược phát triển kinh tế của các quốc gia trên thế giới cũng đều đặt du lịch trở thành ngành mũi nhọn với mục tiêu tăng tỷ trọng GDP ngành du lịch trong GDP toàn nền kinh tế, và các số liệu thực trạng và dự báo đều cho thấy, trong tổng số khách du lịch, có tới 80% du khách sẽ chỉ đến 10% các điểm du lịch trên thế giới. Nhu cầu du lịch tăng cao, nhưng được dồn nén vào một số rất ít các điểm du lịch của mỗi quốc gia, đó là những điểm du lịch nổi tiếng có tầm cỡ thế giới.

Các lập luận trên đây lý giải cho hiện tượng quá tải du lịch đối với 10% số điểm du lịch trên thế giới. Tổ chức Du lịch Thế giới Liên hiệp quốc (UNWTO) đã thông báo lượng khí thải carbon liên quan đến vận tải từ du lịch vào năm 2030 dự kiến sẽ tăng 25% so với mức của năm 2016. Môi trường sống của những người dân địa phương cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Ngày càng nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào du lịch như xây khu nghỉ dưỡng, khách sạn… khiến cho giá nhà ngày càng leo thang, người dân không có đủ tài chính để mua nhà. Ở các địa điểm công cộng, luôn có hàng dài khách du lịch xếp hàng, bãi biển đông đúc, tiếng ồn quá mức… Tình trạng này dẫn đến việc mật độ du khách và bất động sản cho thuê còn đông hơn cư dân địa phương, làm mất dần những yếu tố truyền thống. Hơn nữa, du lịch quá mức gây nhiều áp lực cho công tác bảo tồn, thậm chí có nguy cơ làm biến dạng di tích.

Trước tình hình quá tải du lịch ở 10% tổng số điểm du lịch, tất yếu xuất hiện một xu hướng “phản đối du lịch quá mức” của chính quyền địa phương hoặc người dân. Đây là một việc phải làm để giành lại sự phát triển bền vững cho du lịch của các địa phương, các quốc gia này.

Việt Nam có thể tận dụng cơ hội

Trong chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030, ngành du lịch được xác định là một cực tăng trưởng, là ngành kinh tế chủ đạo. Năm 2023, ngành du lịch đang chiếm 6,6% GDP. Năm 2024 ngành du lịch đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840.000 tỉ đồng. Theo mục tiêu đến năm 2030, GDP ngành du lịch sẽ chiếm đến 13-14% tổng GDP toàn nền kinh tế. Vì thế, đầu tư phát triển du lịch trở thành mối quan tâm hàng đầu trong các chính sách phát triển.

Một điểm thuận lợi khác là hình ảnh Việt Nam ngày càng được nâng lên nhiều trong mắt bạn bè quốc tế. Trong bốn năm liên tiếp từ 2019-2022, Việt Nam đã được vinh danh là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới” của Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards).

Nhìn ở góc độ tích cực này, việc người dân một số nước trên thế giới “phản đối phát triển du lịch quá mức” là cơ hội tốt mà chúng ta cần nghiên cứu để tận dụng sao cho Việt Nam tiếp tục “lọt vào mắt xanh” của các khách du lịch quốc tế đang “quay xe” đối với các điểm đến bị hạn chế, kéo dòng khách du lịch quốc tế về với các điểm đến hấp dẫn tại Việt Nam.

Tuy nhiên, để có thể thực sự tận dụng được thời cơ, điều mà chúng ta cần nghĩ tới là các nỗ lực xúc tiến quảng bá du lịch phải mạnh mẽ hơn nữa, làm sao du lịch Việt Nam “chạm” được tới các thị trường lớn.

Bên cạnh đó, phải xây dựng hình ảnh của Việt Nam ngày càng “sáng” hơn nữa. Đặc biệt, chúng ta sẽ cần xây dựng hình ảnh Việt Nam là một điểm đến mang lại nhiều niềm vui, hạnh phúc và sự thoải mái cho khách du lịch.

Du khách quốc tế tại Huế. Ảnh minh họa: Ngọc Khuyến

Con đường phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam

Theo định nghĩa trong Luật Du lịch năm 2017, phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế – xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai.

Việt Nam trước hết cần xây dựng được các điểm du lịch nổi tiếng, độc đáo tầm cỡ quốc tế mà nhiều nước định hướng phát triển du lịch là ngành, cực tăng trưởng đã làm được. Muốn vậy, chúng ta cần:

(i) Thực hiện thống kê nguồn tài nguyên du lịch một cách đầy đủ, từ đó, đánh giá, phân loại, xếp hạng, và hình thành các vùng, điểm du lịch dựa trên lợi thế du lịch độc đáo để lên kế hoạch đầu tư, xây dựng và quản lý khai thác một cách bền vững, hiệu quả;

(ii) Trên các vùng, điểm du lịch đó, cần xây dựng được các sản phẩm du lịch mang tính thương hiệu. Theo đó, sản phẩm du lịch thương hiệu của Việt Nam phải được thể hiện tính mới, phù hợp với thị hiếu của khách du lịch trong bối cảnh nhu cầu của khách du lịch biến đổi mạnh mẽ, phải có giá trị gia tăng hàm chứa trong sản phẩm du lịch, có tính sáng tạo về loại hình, mang đặc sắc địa phương, vùng miền và có khả năng gia nhập các chuỗi liên kết quốc gia, thậm chí hướng tới chuỗi liên kết khu vực hoặc toàn cầu về du lịch;

(iii) Bên cạnh các sản phẩm, các điểm du lịch chủ yếu dựa trên khai thác các giá trị tài nguyên sẵn có tạo nên thương hiệu, cần có nhiều sản phẩm bổ trợ nhằm thu hút du khách, kích thích nhu cầu chi tiêu của họ, tăng nguồn thu cho địa phương, tạo ra các khả năng quay trở lại của khách du lịch.

Tiếp theo là thực hiện chiến lược xúc tiến quảng bá các vùng, điểm, sản phẩm du lịch một cách chuyên nghiệp.

Đồng thời, bảo đảm tốt được các điều kiện môi trường phát triển vùng, điểm và sản phẩm du lịch độc đáo. Cụ thể, cần tạo dựng được các cơ sở hạ tầng tiếp cận điểm đến hiện đại, đồng bộ, bảo đảm các yếu tố về an ninh, an toàn, trong lành về môi trường, loại bỏ các biểu hiện làm mất hình ảnh điểm du lịch như chèo kéo khách, bán hàng rong, lừa đảo, ép khách du lịch, nhất là vào mùa cao điểm.

Điểm sau cùng, liên quan đến công tác quản lý phát triển, cần thực hiện tốt những vấn đề sau:

(i) Phân cấp quản lý, tránh sự xung đột về lợi ích kinh tế giữa các chủ thể kinh tế và các ngành, có tầm nhìn dài hạn và để không dẫn đến tàn phá tài nguyên du lịch hay sử dụng sai mục đích, gây tác động tiêu cực tới phát triển du lịch bền vững;

(ii) Trên cơ sở của quy hoạch tổng thể, lập quy hoạch chi tiết từng khu, điểm, cụm và vùng du lịch trọng điểm, quan tâm giải quyết tốt lợi ích Nhà nước, người lao động và doanh nghiệp để tạo niềm tin thu hút các nguồn lực xã hội vào hoàn thiện các khu, điểm, cụm du lịch hiện có mang tầm cỡ khu vực, quốc tế để tạo sức hút và sự lan tỏa;

(iii) Xây dựng cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý sao cho thật sự thông thoáng và phù hợp, đảm bảo sự cân bằng, hài hòa giữa phát triển du lịch với bảo vệ môi trường và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

Để tránh xảy ra hiện tượng “phản đối sự phát triển du lịch quá mức” có thể xảy ra, ngay từ đầu, cần phải chuẩn bị và ban hành một số quy chế đặc thù ở các vùng, điểm du lịch có hiện tượng quá tải hay gặp phải sự phản ứng của dân bản địa, như: (i) thúc đẩy nhiều chuyến du lịch vào mùa thấp điểm, hạn chế số lượng nếu có thể và đưa ra thêm những quy định chặt chẽ hơn trong ngành; (ii) tích cực quảng bá các địa điểm thay thế, ít được ghé thăm để chuyển hướng khách du lịch, điều quan trọng là hình thành một chiến lược rõ ràng, và có tham khảo ý kiến của người dân địa phương về những điều họ mong muốn hoặc cần gì từ ngành du lịch; (iii) ban hành quy định đánh thuế hoặc thu phí ở những điểm quá tải hay tăng phí đỗ xe vào mùa cao điểm, tăng giá vé, phân luồng ra vào theo giờ; (iv) thúc đẩy hình thức du lịch chậm hay du lịch bền vững nhằm khuyến khích du khách hòa mình vào văn hóa, ẩm thực và truyền thống, đồng thời giảm tác động tiêu cực của du lịch đối với môi trường và cộng đồng địa phương.

Du lịch chậm cũng khuyến khích các hoạt động trải nghiệm có trách nhiệm hơn, như tích cực sử dụng phương tiện giao thông công cộng, có ý thức bảo tồn thiên nhiên, không lạm dụng động vật…

(*) Giảng viên cao cấp trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội

Theo: KTSG Online

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version