Phân loại rác tại nguồn đã và đang được TPHCM triển khai. Lợi ích của động thái này đã được biết đến và khẳng định từ lâu. Thế nhưng mục tiêu đề ra đến nay vẫn chưa đạt được.

Hơn 90% lượng rác được chôn lấp vẫn… bốc mùi

Rác thải rắn sinh hoạt là rác thải ra từ sinh hoạt của hộ gia đình, khu dân cư, khu thương mại, chợ, cơ quan trường học, cơ sở sản xuất (nhà ăn, văn phòng,…) cơ sở y tế không lây nhiễm (nhà ăn, văn phòng,…); khối lượng loại rác này chiếm tỷ lệ lớn với khoảng 8.500 – 9.000 tấn/ngày, trong đó thu gom được từ 7.000 – 7.500 tấn/ngày (trừ khu vực nông thôn ngoại thành, vùng sâu vùng xa). Trong đó đáng chú ý có khoảng gần 1.000 tấn/ngày được thu gom phân loại mua bán để tái chế, tái sử dụng. Thành phần rác thải sinh hoạt chủ yếu có các chất hữu cơ dễ phân hủy sinh học (chiếm tỷ lệ 65% – 85%).


Rác thải công nghiệp là rác thải ra trong các quá trình sản xuất gồm 2 loại: rác thải công nghiệp không nguy hại và rác thải công nghiệp nguy hại. Khối lượng rác thải công nghiệp không nguy hại ước khoảng 900 – 1.000 tấn/ngày và có đến 90% là các loại phế liệu có giá trị khác nhau trên thị trường. Khối lượng rác thải công nghiệp nguy hại khoảng 100 – 120 tấn/ngày (trong tổng lượng chất thải công nghiệp), nhiều trong số các loại này có giá trị kinh tế cao nên được phân loại để tái chế, tái sử dụng.

Trong đó, rác thải đô thị (rác sinh hoạt, rác xây dựng) đang là mối quan tâm lớn với nhiều nguy cơ hiểm họa về môi trường. Tại báo cáo Môi trường quốc gia 2011 – Chất thải rắn của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố vào tháng 7-2012 đã nêu rõ tính cấp bách của vấn đề này. Ngay tại các khu vực đang vận hành các bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh đang xử lý đến hơn 90% khối lượng rác sinh hoạt hàng ngày thì nguy cơ mùi hôi và khó khăn trong xử lý nước rỉ rác vẫn hiện hữu và tốn kém trong việc xử lý ruồi muỗi và côn trùng.

Với công nghệ đang áp dụng để sản xuất compost, phân hữu cơ chiếm tỷ trọng gần 10% tổng lượng rác đô thị của thành phố, nếu rác thải đô thị không được phân loại, khối lượng của rác thải rắn nguy hại, không có nguồn gốc hữu cơ nên không có khả năng phân hủy sinh học sẽ dẫn đến tiêu tốn nhiều năng lượng, chất lượng compost, phân hữu cơ ngày càng giảm và giảm khả năng tiêu thụ trên thị trường. Như vậy, lượng rác thải đô thị chôn lấp ngày càng nhiều trong khi một lượng lớn rác thải sinh hoạt có nguồn gốc hữu cơ để phân hủy sinh học, đáp ứng cho yêu cầu sản xuất compost, phân hữu cơ có chất lượng cao không được trực tiếp đưa vào sử dụng, một lượng lớn khí thải trong đó có tỷ trọng lớn là CH4 có khả năng đốt phát điện không được tận dụng. Vì vậy phân loại rác thải sinh hoạt, công nghiệp tại nguồn thải là một cách tiếp cận, một giải pháp căn cơ có hiệu quả kinh tế cao đáp ứng được yêu cầu quản lý rác thải không chi phí.

Theo Quyết định 2149/QĐ-TTg ngày 17-12-2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, tất cả các đô thị đều phải thực hiện Chương trình phân loại rác thải tại nguồn vào năm 2020. Chương trình phân loại rác tại nguồn đã được thực hiện thành công với nhiều kết quả Môi trường, Kinh tế – Văn hóa Xã hội,… ở nhiều thành phố và quốc gia trên thế giới như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Pháp, Australia, Tây Ban Nha, Đức…

Để sử dụng rác hiệu quả hơn

Phân loại rác tại nguồn thành 2 loại vô cơ, hữu cơ hoặc nhiều hơn nhằm lấy ra các loại chất thải có giá trị tái chế (mua bán, trao đổi) cao, đặc biệt là các loại chất thải nguy hại ra khỏi thành phần rác thải hữu cơ (thực phẩm rau củ quả thức ăn dư thừa,…) và rác vườn ngay tại nguồn thải để tạo nguồn hữu cơ sạch có khả năng phân hủy sinh học để sản xuất compost, phân hữu cơ vi sinh có chất lượng cao sử dụng trong công nghiệp, đồng thời có thể thu khí để đốt, phát điện.

Thành phần rác hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học chiếm tỷ lệ lớn trong rác sinh hoạt (55% – 65% trọng lượng ướt tại nguồn và 90% – 95% trọng lượng ướt tại các bãi chôn lấp), nhưng loại rác hữu cơ này cũng có ẩm độ rất cao. Thành phần chất hữu cơ dễ phân hủy sinh học trong rác thải là nguyên nhân chính gây nên mùi hôi thối, nước rỉ rác có khả năng làm ô nhiễm môi trường trên diện rộng, đồng thời cũng là môi trường thuận lợi phát triển và lan truyền các loại côn trùng (ruồi, muỗi,…) động vật (chuột, gián,…). Đây là nguồn nguyên liệu to lớn để sản xuất compost, khí methane (CH4) tái sinh năng lượng (đốt, phát điện,…).

Thành phần rác khó phân hủy hoặc không có khả năng phân hủy sinh học (da, vải, cao su, plastic,….) vô cơ (thủy tinh, sành sứ, kim loại,…), đặc biệt là các chất thải nguy hại (độc hại) với chủng loại ngày càng nhiều, khối lượng ngày càng tăng trong rác thải đô thị làm giảm chất lượng compost, phân hữu cơ.

Phân loại chất thải rắn thành nhiều loại (2 loại hoặc nhiều hơn 2 loại) sẽ nâng cao hiệu quả của hệ thống tái chế (kỹ thuật – công nghệ, kinh tế xã hội) các loại chất thải, tạo nguồn nguyên liệu sản xuất, giảm việc sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên (tái tạo và không tái tạo) và giảm việc sử dụng năng lượng (sử dụng một cách có hiệu quả các nguồn tài nguyên, năng lượng).

Trên địa bàn TPHCM đã hình thành và ngày càng phát triển hệ thống phân loại, thu gom, thu mua và tái chế các loại phế liệu từ chất thải sinh hoạt, công nghiệp, y tế và xây dựng. Tính đến năm 2000, TPHCM có khoảng 15.000 – 16.000 lao động hoạt động trong lĩnh vực thu gom “ve chai” trong đó có khoảng 5.000 – 5.500 lao động vừa thực hiện công tác thu gom rác thải, vừa phân loại, thu nhặt các loại rác phế liệu để cung cấp cho các vựa thu mua. Mạng lưới cửa hàng (vựa) thu gom rác phế liệu, phân loại lần hai và tái chế với số lượng khoảng 1.000 cơ sở. Số lao động trong các cơ sở này lên đến khoảng 10.000 người.

TPHCM sản xuất nhiều loại sản phẩm khác nhau với chất lượng khác nhau đặc biệt là các sản phẩm gia dụng, có nguồn gốc từ nguyên liệu tái chế. Phân loại rác tại nguồn sẽ tạo nguồn cung cấp các loại rác phế liệu có thể tái sử dụng làm nguồn nguyên liệu để sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng khác nhau.

Như vậy, giải pháp phân loại rác tại nguồn (rác sinh hoạt, rác công nghiệp, rác y tế,…) một mặt làm giảm trực tiếp khối lượng rác phải chôn lấp, tạo nguồn nguyên liệu rác hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học để sản xuất compost, phân hữu cơ vi sinh, thu khí phát điện, đồng thời tạo nguồn nguyên liệu rác thải vô cơ có khả năng tái chế tái sử dụng phát triển và nâng cao công nghệ tái chế, duy trì đội ngũ người lao động có chuyên môn hẹp trong ngành tái chế. Từ đó sẽ đưa đến việc tiết kiệm nguồn tài nguyên, hạn chế sử dụng năng lượng trong sản xuất. Vì vậy phân loại rác tại nguồn chính là giải pháp có hiệu quả kinh tế hữu hiệu trong quản lý rác thải không chi phí.

Tổng hợp

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version