Xuất hiện ở Việt Nam tầm 5 năm, hơn 40 thương hiệu đã may quần áo từ vải làm bằng bã cà phê và bán được hàng triệu sản phẩm.

Giá chưa đến 300.000 đồng cho một chiếc áo polo nam dùng vải dệt từ bã cà phê, thương hiệu thời trang nam nội địa Coolmate bán được hơn 15.000 sản phẩm chỉ trên website chính thức. Con số đầy đủ cho tất cả kênh mua bán của doanh nghiệp không được tiết lộ. Ngoài polo, họ còn bán cả áo sơ mi và quần lót dùng chất liệu này.

“Vải cà phê có ưu điểm làm mát, nhanh khô, chống UV và đặc biệt là kiểm soát mùi, phù hợp để làm trang phục cho nam giới”, Phạm Chí Nhu, Nhà sáng lập kiêm CEO Coolmate nêu lý do sản phẩm được đón nhận.

Tương tự Coolmate, một số thương hiệu thời trang nội địa cũng thăm dò phản ứng thị trường như Owen, Yody hay Routine. Có hơn 30 cửa hàng online và phủ các nền tảng thương mại điện tử, Routine năm ngoái cũng bán ra những chiếc áo polo, sơ mi dùng vải bã cà phê, giá có thể đến gần nửa triệu đồng một sản phẩm.

Họ thậm chí liên kết với một chuỗi cà phê có tiếng để tiếp thị. Trên các nền tảng online, lượt hiển thị cho thấy thương hiệu bán được hàng trăm sản phẩm mỗi mẫu.

Quần áo may bằng vải bã cà phê manh nha tại Việt Nam năm 2017, khi nhà cung cấp nguyên liệu ngành may mặc nội địa là Faslink hợp tác với Singtex (Đài Loan) – nhà sáng chế công nghệ sản xuất vải từ bã cà phê, để tung ra áo sơmi cà phê đầu tiên trên thế giới và bán ở Việt Nam. Về cơ bản, công nghệ này dùng nguyên liệu đầu vào là bã cà phê và vỏ chai nhựa tái chế để kéo thành sợi vải.

Nhân viên chuẩn bị cho một gian trưng bày trang phục may từ vải bã cà phê ở TP HCM hôm 13/3. Ảnh: Faslink.

Bà Trần Hoàng Phú Xuân, Tổng giám đốc Faslink cho biết công ty mở rộng trong giai đoạn 2021-2023, khi bắt tay liên kết với các đối tác dệt may nội địa để ứng dụng rộng rãi nguồn vải sợi từ bã cà phê cho vớ, đồ jean và quần tây.

“Khi làm loại vải này, chúng tôi mất 9 tháng để tạo ra “hand feel” (cảm giác tiếp xúc vải) hợp gout (gu thời trang) tiêu dùng người Việt vì mỗi lần khách hàng mua đồ đều thích sờ tay vào chất liệu vải để cân nhắc lựa chọn”, bà Xuân kể lại.

Trong năm đầu tung ra loại vải này, họ bán được khoảng 700.000 m cho khách hàng. Đến nay, tổng cộng hơn 40 nhãn hàng thời trang đã mua loại nguyên liệu này, sản xuất ra gần 3 triệu sản phẩm. Vải được bán ra hiện đã là phiên bản “hand feel” thứ 3.

Sau những bước đầu thành công, Faslink và Singtex mới đây tuyên bố thắt chặt quan hệ. Theo đó, cả hai dự tính sẽ triển khai dự án thu gom bã cà phê tại Việt Nam làm nguyên liệu đầu vào, tận dụng lợi thế quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới và tiêu thụ nội địa cũng phát triển nhờ văn hóa uống cà phê phổ biến.

Niên vụ 2022-2023, sản lượng cà phê của Việt Nam đạt 1,78 triệu tấn. Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), tiêu thụ cà phê nội địa hiện đã trên 10% sản lượng, tức tối thiểu có khoảng 178.000 cà phê được dùng trong nước mỗi năm.

Quan trọng hơn, họ tự tin vào triển vọng thị trường tiêu thụ cho quần áo làm từ bã cà phê. Bà Phú Xuân cho biết đã có tập khách hàng là doanh nghiệp nội địa lẫn công ty đa quốc gia có mặt ở Việt Nam đặt may đồng phục bằng vải bã cà phê vì quan tâm đến các tiêu chí bền vững liên quan đến ESG (môi trường, xã hội và quản trị).

Trong khi đó, bà Jennifer Cho, Giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu Singtex, cho biết chất liệu này khá linh hoạt để điều chỉnh thích ứng với nhiều thị trường khác nhau từ châu Á đến Mỹ, châu Âu. “Chúng tôi đã có hợp tác cung cấp đồng phục may bằng vải bã cà phê cho Starbucks và 7-Eleven”, bà tiết lộ.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), nói vải làm bằng bã cà phê thuộc nhóm nguyên liệu may mặc thân thiện môi trường đang bắt đầu phát triển gần đây như vải làm từ gai, tre, sen, bạc hà, dứa, chuối, bắp. “Bất kỳ cây trồng nào thuộc những loại này có thể tách cellulose (một hợp chất hữu cơ) ra đều có thể dùng làm nguyên liệu trong ngành dệt may”, bà nói.

Hướng đi này là một trong các nỗ lực giúp “cứu vãn” cái nhìn gây ô nhiễm của ngành trong mắt mọi người, góp phần vào nỗ lực chung hướng tới Net Zero. Ngoài ra, đây cũng là cách ngành dệt may và thời trang Việt Nam đáp ứng nhu cầu về sản phẩm bền vững ngày càng tăng của khách hàng trong và ngoài nước, theo bà Mai.

Công ty nghiên cứu Coherent Market Insights (Ấn Độ) cho biết quy mô thị trường thời trang bền vững toàn cầu đạt 7,8 tỷ USD năm 2023 và dự kiến đạt 33,05 tỷ USD vào 2030, tăng trưởng với tốc độ 22,9% mỗi năm.

“Thị trường được thúc đẩy bởi nhận thức ngày càng tăng của người tiêu dùng về tính bền vững, các quy định của chính phủ và các ưu đãi thúc đẩy sản phẩm thân thiện với môi trường”, báo cáo phát hành đầu năm nay của công ty nhận định.

Ngay tại Việt Nam, CEO Coolmate Phạm Chí Nhu nói thời trang bền vững là xu thế tất yếu. “Thế hệ tiêu dùng mới không chỉ lựa chọn kiểu dáng, chất liệu mà còn quan tâm nhiều đến câu chuyện của sản phẩm, nhất là tính bền vững, đặc biệt ở các bạn Gen Z”, anh nói.

Tuy nhiên, quần áo may bằng vải bã cà phê vẫn còn những thách thức để cất cánh. Tại Coolmate, loại vải thân thiện chính mà họ dùng không phải làm từ bã cà phê mà là polyester tái chế từ chai nhựa, chiếm 60%.

Lý do một phần bởi vải bã cà phê có giá mềm hơn các loại vải bền vững khác nhưng vẫn nhỉnh hơn vải thông thường. “Chúng tôi kỳ vọng giá thành sẽ tốt hơn. Sản phẩm hiện còn tương đối cao, chưa tiếp cận đến số đông”, anh thừa nhận.

Ngoài ra, sợi vải bã cà phê hiện chủ yếu dùng dệt ra các loại vải trang phục văn phòng là chính mà thiếu phân khúc vải dành cho trang phục thể thao, vốn là thế mạnh của công ty anh.

Dù vậy, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai nói hiện phải “thay đổi hay là chết”. “Giờ là thời điểm phải chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Sản phẩm thời trang hiện không chỉ đáp ứng nhu cầu mặc đẹp mà còn phải gần gũi tự nhiên, bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe người sử dụng”, bà nói.

Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua rào cản giá thành, bà cho rằng các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc đến việc khuyến khích thời trang bền vững, thông qua ưu đãi thuế cho doanh nghiệp tham gia thu gom và sản xuất nguyên phụ liệu tái chế, thân thiện môi trường.

Theo VNE

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version