Một lần được dạo bước giữa mênh mang đại ngàn, ngắm nghía những hoang sơ, hùng vĩ, đắm mình trong làn nước của biển xanh, hít hà bầu không khí trong lành của vùng đất được thiên nhiên ưu ái là một lần sống trọn vẹn cảm xúc giữa không gian du lịch xanh đầy yên bình. Quảng Bình-điểm đến thiên nhiên, hấp dẫn, khác biệt, đến một lần, yêu một đời.
Du lịch xanh-Du lịch tương lai
Đầu tháng 2/2024, Phong Nha-Kẻ Bàng của Quảng Bình được nền tảng du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới Booking.com xếp hạng thứ 2 trong số 10 điểm đến thân thiện nhất Việt Nam. Giải thưởng ấy vừa là sự đánh giá cho những đón tiếp nồng hậu, nhiệt tình của một điểm đến du lịch nhưng cũng là ấn tượng của du khách về một vùng đất bình yên, trong lành về cảnh sắc thiên nhiên. Lâu nay, Quảng Bình luôn là điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn với phong phú các sản phẩm, nơi mà du khách được đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên, được tận hưởng một môi trường du lịch xanh trong lành.
Với mục tiêu cụ thể “tiếp tục khẳng định Quảng Bình là điểm đến hàng đầu Việt Nam và trung tâm du lịch mạo hiểm của Đông Nam Á”, Quảng Bình đã và đang phát triển du lịch với phương châm “liên kết chặt chẽ-phối hợp nhịp nhàng-hợp tác sâu rộng-bao trùm toàn diện-hiệu quả bền vững”. Nhiều sản phẩm du lịch mới được xây dựng và đưa vào hoạt động với “mục tiêu kép” là mang đến trải nghiệm tốt nhất cho du khách, đồng thời bảo đảm tôn trọng các tiêu chí về bền vững, thích nghi và phù hợp với xu thế của đổi mới điểm đến du lịch hiện nay. Trong đó, nổi bật là các tour thám hiểm hang động, dịch vụ trải nghiệm cuộc sống nông thôn, tour sinh thái…
Quảng Bình luôn là điểm đến thân thiện, an toàn, hấp dẫn. |
Định hướng phát triển du lịch Quảng Bình luôn kiên trì với mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái dưới tán rừng, sinh vật cảnh trên mặt đất, hệ thống hang động trong lòng núi. Cộng đồng du lịch Quảng Bình, nhất là những người dân địa phương trực tiếp tham gia vào các hoạt động du lịch, chính họ cũng đã dần thay đổi nhận thức về tài nguyên thiên nhiên, về bảo vệ môi trường. Cộng đồng dân cư chính là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng dịch vụ, bảo đảm họ luôn được hưởng lợi từ chính các hoạt động du lịch tại địa phương, trong đó, nổi bật là hoạt động du lịch tại khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng hay xã Tân Hóa (Minh Hóa)…
Du lịch xanh gắn với OCOP
Một diễn đàn vừa được Tạp chí điện tử Nhà Quản Lý tổ chức vào trung tuần tháng 6 đã bóc tách nhiều vấn đề xoay quanh phát triển du lịch xanh gắn với sản phẩm OCOP Quảng Bình.
Tại đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Tân đã khẳng định tỉnh Quảng Bình luôn xác định phát triển du lịch nông nghiệp là một nội dung quan trọng trong phát triển sản phẩm du lịch. Điều đó sẽ góp phần khơi dậy sự sáng tạo của người dân để có nhiều sản phẩm thế mạnh của địa phương tham gia OCOP, đồng thời có chính sách cụ thể hỗ trợ sản phẩm chưa đạt chuẩn OCOP, qua đó phát huy lợi thế về cảnh quan, văn hóa và tính cộng đồng của từng địa phương. Thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP, phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng cũng là nền tảng cho sự phát triển đa dạng, chất lượng, ổn định của điểm đến du lịch.
Quảng Bình hiện có 168 sản phẩm OCOP được công nhận còn thời hạn, đứng thứ 4/6 tỉnh Bắc Trung bộ. Nhiều sản phẩm nổi bật, như: Khoai deo, nước mắm, hải sản khô, các sản phẩm từ dược liệu, sản phẩm nông sản… đã từng bước trở thành mặt hàng lưu niệm cho du khách khi đặt chân đến Quảng Bình. Các sản phẩm OCOP-niềm tự hào của người sản xuất trong toàn tỉnh đang trên hành trình chinh phục du khách trong và ngoài nước.
Du khách trải nghiệm khu du lịch sinh thái Ozo Park. |
Các sản phẩm OCOP đã bước dần lên các sàn thương mại điện tử, tiến vào các siêu thị, gian hàng lưu niệm cho khách du lịch. Một khi các hoạt động du lịch được đẩy mạnh, nhu cầu mua sắm, thưởng thức đặc sản địa phương càng được nâng lên, các sản phẩm OCOP vì thế càng được quan tâm, phát triển. Việc kết nối thương mại với các hoạt động du lịch càng cần được coi trọng.
Bà Đinh Thanh Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Bình khẳng định: “Phát triển du lịch cộng đồng, hướng đến phát triển du lịch xanh gắn với sản phẩm OCOP là cách làm hay. Du lịch cộng đồng đến với vùng quê, sản phẩm OCOP buộc phải hòa mình để cùng phát triển. Tất nhiên, muốn mang đến giá trị kinh tế cao, các doanh nghiệp phải tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, kết nối mạnh mẽ sản phẩm OCOP với các hoạt động du lịch”.
Phát triển bền vững
Phát triển du lịch gắn với việc gìn giữ, bảo vệ, tôn tạo để khai thác ngày càng hiệu quả, đó chính là định hướng du lịch xanh, phát triển bền vững mà tỉnh Quảng Bình đã và đang hướng đến. Các doanh nghiệp du lịch cũng đang nỗ lực mỗi ngày để vừa phát triển dịch vụ nhưng cũng đồng thời bảo tồn, phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, văn hóa bản địa, trong đó, các cơ sở lưu trú với việc sử dụng năng lượng mặt trời, điểm du lịch sử dụng các vật liệu thân thiện với thiên nhiên, tôn trọng tự nhiên, các tour khám phá hang động được vận hành với tiêu chí ít tác động nhất có thể đến hệ sinh thái…
Tất cả những nỗ lực ấy nhằm hướng đến môi trường phát triển du lịch bền vững nhất. Đặc biệt, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Blue Diamond (Bố Trạch) đang là một trong những đơn vị đi đầu trong xây dựng mô hình kinh doanh du lịch hướng tới net zero để giảm tối đa khí thải nhà kính-mục tiêu quan trọng để ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam cho biết, Quảng Bình hội đủ mọi yếu tố tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch xanh khi vừa có biển, vừa có sông, suối, đặc biệt là hệ thống hang động kỳ vĩ, hệ sinh thái rừng đa dạng, với nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Tuy nhiên, mặc dù những năm qua, Quảng Bình đã đầu tư vào hạ tầng giao thông và dịch vụ cơ bản nhưng nhiều dự án chưa thực sự hướng đến mục tiêu xanh và bền vững. Người dân và doanh nghiệp đã có nhận thức về tầm quan trọng của du lịch xanh nhưng việc thực hiện còn nhiều hạn chế do thiếu nguồn lực và kinh nghiệm. Số lượng khách quốc tế và nội địa tuy tăng nhưng chưa bền vững và ổn định.
“Những điều đó đặt ra cho các ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp du lịch những việc cần làm ngay để phát triển du lịch xanh, hướng đến phát triển bền vững. Trong đó, Quảng Bình cần xây dựng một chiến lược du lịch với tầm nhìn dài hạn, tập trung vào bảo tồn môi trường và cộng đồng địa phương, ban hành các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển du lịch xanh, như: Giảm thuế, hỗ trợ vay vốn, cung cấp đào tạo về du lịch bền vững; đầu tư vào các dự án hạ tầng xanh như hệ thống xử lý rác thải, nước thải, năng lượng tái tạo. Riêng với doanh nghiệp, cần xây dựng và cải tạo các cơ sở lưu trú, nhà hàng theo hướng thân thiện với môi trường, chẳng hạn như sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu rác thải nhựa. Đào tạo nhân viên về nhận thức và kỹ năng phục vụ du lịch xanh, khuyến khích phong cách phục vụ thân thiện với môi trường và du khách”, ông Quỳnh khẳng định.
Nguồn: Baoquangbinh.vn