Bắt đầu với việc tạo sinh kế bền vững cho người dân miền núi tỉnh Quảng Nam từ các loại cây bản địa, đến nay anh Phạm Thanh Hoàng, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vườn rừng Tây Giang đã mạnh dạn tham gia thị trường tín chỉ các bon, hướng tới doanh nghiệp xanh và bền vững.

Sinh kế bền vững từ cây bản địa

Anh Phạm Thanh Hoàng chia sẻ, trong những chuyến từ thiện ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam anh thường được đồng bào Cơ tu “chiêu đãi” một loại thức uống thơm dịu, mang hương vị của núi rừng có tên là Tr’đin. Thức uống này được xem như tinh hoa của núi rừng, chiết xuất từ những giọt nhựa quý của cây Tr’đin chỉ có ở vùng Tây Giang (Quảng Nam). Đây cũng là một loại dược liệu quý.

Tr’đin – loài cây bản địa của đồng bào Cơ tu Tây Giang trở thành cây sinh kế bền vững

Nhận thấy, Tr’đin vừa bổ dưỡng lại mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống cộng đồng, anh đã liên kết với người dân để ươm trồng cây Tr’đin và mở rộng vùng nguyên liệu với mục đích ban đầu là sản xuất nước đóng lon. Cơ duyên của anh Hoàng với bà con đồng bào Cơ tu bắt đầu từ đây.

Qua nhiều năm mày mò, anh Hoàng cùng với cộng sự đã nghiên cứu ra đường tự nhiên từ cây Tr’đin (hay còn gọi là siro Tr’đin), loại đường tốt cho sức khỏe có chứa hoạt chất polyphenol trị bệnh tiểu đường. Khi sử dụng, siro Tr’đin không làm tăng lượng đường huyết (có chỉ số GI thấp), có các chất chống ô-xy hóa, vitamin và khoáng chất tăng cường sức đề kháng tương tự giống mật ong tự nhiên.

“Việc ươm, trồng cây Tr’đin tại Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) không chỉ phát triển vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất, tạo sinh kế bền vững cho người dân, mà còn góp phần tăng độ che phủ rừng, tái tạo và giữ nguồn nước, từ đó, giảm tác động của biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính, tái tạo hệ sinh thái, môi trường sống cho động, thực vật và trung hòa các bon, hướng đến thực hiện mục tiêu Net Zero tại COP26.” – anh Hoàng chia sẻ.

Người dân khai thác nước từ cây Tr’đin

Bên cạnh việc phát triển sản phẩm từ cây Tr’đin, anh Hoàng còn thành lập 4 HTX nông sản, dược liệu sạch nhằm kết nối thu hoach và tiêu thụ nông sản hữu cơ cho bà con Cơ tu. Những sản phẩm nông nghiệp như gừng, nghệ ớt, măng, chuối hột, cam tuyết, nấm Ngọc cẩu hoàn toàn được gieo trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ được người tiêu đùng đón nhận. Từ đó, tạo sinh kế bền vững cho hàng trăm hộ gia đình ở miền núi Quảng Nam.

Anh A Lăng Nia, người dân xã AXan, huyện Tây Giang cho biết, trước đây, bà con trong thôn không tính đến việc phát triển kinh tế từ rừng. Từ ngày tham gia HTX Rừng Tây Giang nông sản, bà con đã biết cách tận dụng đặc sản núi rừng của mình để làm giàu cho mình.

Hướng đến bán tín chỉ các bon

Không chỉ dừng lại ở việc tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Giang, Nam Giang, Hòa Vang từ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, anh Phạm Thanh Hoàng còn tham vọng đưa thêm một sản phẩm đặc biệt nữa ra bán, đó là tín chỉ khí thải các bon từ chính những vùng nguyên liệu được hình thành. Vừa qua, Công ty CP Thực phẩm Vườn rừng Tây Giang và Công ty CP GEEZ NET-ZERO đã ký kết hợp tác chiến lược về thúc đẩy, phát triển các hoạt động liên quan đến giao dịch tín chỉ các bon, chuyển nhượng quyền phát thải, bao gồm tín chỉ các bon.

Sản phẩm siro Tr’đin bảo vệ môi trường và không gây nguy hại cho con người.

Anh Hoàng cho biết, mỗi quốc gia, tổ chức, cá nhân sẽ có một lượng hạn ngạch phát thải khí các bon nhất định. Nếu không sử dụng hết hạn ngạch được cấp phép có thể bán lại cho quốc gia, tổ chức có lượng phát thải vượt quá hạn ngạch được phép. Đối với ngành nông nghiệp nước ta, nếu người dân sản xuất giảm phát khí thải nhà kính thấp, không sử dụng hết hạn ngạch thì có thể bán cho các quốc gia, tổ chức khác thu về tài chính. Chính vì vậy, dự án đã đăng ký lập báo cáo kiểm kê khí nhà kính theo ISO 14064-1:2018 và Nghị định số 06/2022/NĐ-CP và ISO 14067 về truy vết các bon.

“Trong dài hạn, tôi sẽ mở rộng vùng nguyên liệu Tr’đin ra các địa phương dọc dãy Trường Sơn”- anh Hoàng chia sẻ

Trong toàn bộ quy trình đều hướng đến việc sản xuất xanh, sạch, không xả thải vào nguồn nước, phi các bon hóa trong chuỗi cung ứng nhằm bảo vệ môi trường và không gây nguy hại cho con người, rất phù hợp để tham gia thị trường tín chỉ các bon để người dân có thêm lợi nhuận.

“Mong muốn của chúng tôi khi tham gia vào thị trường bán tín chỉ các bon sẽ góp phần thúc đẩy các giải pháp xanh và giảm phát thải khí nhà kính, giảm biến đổi khí hậu toàn cầu và bảo vệ hệ sinh thái, môi trường.” – anh Hoàng chia sẻ.

Theo Báo Tài nguyên và Môi trường

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version