Ngày 30/9, tại Hải Phòng, Viện Địa lý Nhân văn – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp cùng UBND xã Phù Long (Cát Hải, Hải Phòng) tổ chức Chương trình trao tặng thùng rác, chế phẩm vi sinh và ra mắt mô hình phân loại rác tại nguồn.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ nhiệm vụ “Điều tra, khảo sát hiện trạng và đề xuất mô hình phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa vào cộng đồng tại một số đảo lớn nước ta” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện.

Mô hình phân loại rác tại nguồn ở xã Phú Long là tổ phụ nữ 5 không 3 sạch, tự nguyện phân loại rác tại nguồn. Các thành viên trong mô hình làm nòng cốt cho công tác tuyên truyền, bảo vệ môi trường tại địa phương.

TS. Nguyễn Đình Đáp – Đại diện Viện Địa lý Nhân văn – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu tại Chương trình

Phát biểu tại Chương trình, TS. Nguyễn Đình Đáp – Đại diện Viện Địa lý Nhân văn – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, theo thống kê của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, hiện nay, rác thải phát sinh tại các hộ gia đình, chủ yếu về lượng rác thải thực phẩm đã chiếm đến 60 – 70% tổng lượng rác thải, còn lại là các chất thải rắn , vô cơ,… Tuy nhiên, những rác thải thực phẩm, rác thải hữu cơ này khi thải ra môi trường đều có thể tái chế, trở thành các nguyên, vật liệu sử dụng hữu ích, phục vụ cho đời sống sinh hoạt của người dân.

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 đưa ra 6 điều quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, Điều 75 của luật quy định về phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt. Nghị định số 45 của Chính phủ cũng quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.

Ông Đáp cho biết, thời điểm chính thức áp dụng phân loại chất thải rắn tại nguồn (CTRTN) bắt đầu từ ngày 01/01/2025. Bởi thế, cần làm tốt công tác chuẩn bị, có lộ trình rõ ràng để đưa chính sách thực sự đi vào cuộc sống.

Ông Nguyễn Đức Tiềm – Chủ tịch UBND xã Phù Long cho biết, với sự hỗ trợ của Viện Địa lý và Nhân văn, xã Phù Long đã xây dựng mô hình phân loại rác tại nguồn. Xã có thành lập một Ban chỉ đạo chủ động giám sát, theo dõi các hoạt động có liên quan đến nội dung được các thành viên tham gia đăng ký bản cam kết và đưa ra việc xây dựng thực hiện nội dung các mô hình về “Phân loại rác tại nguồn” .

Ông Nguyễn Đức Tiềm – Chủ tịch UBND xã Phù Long phát biểu tại Chương trình

Cụ thể, các nội dung trong mô hình liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, phòng, chống rác thải nhựa; hạn chế và tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong mua sắm, tiêu dùng hàng ngày tại gia đình và cộng đồng.

Ngoài ra, còn có việc bố trí thùng rác để phân loại rác thải tại nguồn ngay tại hộ gia đình; hạn chế chôn lấp rác thải, không vức rác thải bừa bãi ở nơi công cộng.

Trong điều kiện triển khai Luật Bảo vệ môi trường tại xã Phù Long, thời gian qua, xã đã vận động người dân thực hành phân loại rác tại nguồn, cũng như xây dựng nhiều mô hình bảo vệ môi trường đang được nhân rộng trên địa bàn toàn xã.

Bên cạnh đó, Tổ phụ nữ đóng vai trò nòng cốt trong việc xây dựng kế hoạch, khảo sát hội viên, phụ nữ ở địa bàn dân cư, vận động tham gia mô hình, thành lập và tổ chức ra mắt mô hình; đồng thời, Hội Phụ nữ các cấp cũng vận động, hướng dẫn các hộ gia đình tham gia hưởng ứng các hoạt động bảo vệ môi trường, thực hiện tốt việc phân loại rác thải tại nguồn, vận động các hộ có vườn ủ phân hữu cơ, làm phân bón cho cây trồng góp phần xây dựng xã nông thôn mới nâng cao…

Đồng thời, ông Nguyễn Đức Tiềm hy vọng, thông qua triển khai các mô hình này, nhân dân trên địa bàn sẽ vừa có thể tìm tòi ra cách làm hay, làm hiệu quả hơn, vừa phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt (bí thư, tổ dân phố, phụ nữ…) để hoạt động phân loại rác tại nguồn đi vào thực chất. Đây cũng là mô hình điểm, với nhiều kinh nghiệm phong phú đối với các tỉnh, thành có đặc điểm tương tự khi triển khai thu gom, xử lý, phân loại rác tại nguồn…

Buổi Tập huấn, hướng dẫn người dẫn các Kỹ thuật xử lý rác thải tại nguồn do các Chuyên gia, nhà nghiên cứu cùng trình bày và đưa giải pháp

Trong Chương trình đã diễn ra buổi Tập huấn, hướng dẫn người dân: Thực hành phân loại, tái chế chất thải rắn, chất thải nhựa, túi nilon (do TS. Lê Xuân Sinh – Viện TN&MT Biển hướng dẫn); Thực hành xử lý chất thải thực phẩm tại hộ gia đình bằng phương pháp ủ phân hữu cơ và chế phẩm vi sinh (do bà Hồ Thị Hồng Loan – Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang hướng dẫn); Hướng dẫn ủ rác thực phẩm bằng thùng ủ với công nghệ lấy khí lỗi trong và bề mặt tiếp xúc lỗi trong (do bà Nguyễn Phương Thảo – Phó Chủ nhiệm CLB Thực hành Sống xanh hướng dẫn),….

Đại diện CLB Thực hành Sống xanh, Trung tâm Truyền thông TN&MT và Viện Địa lý Nhân văn trao tặng quà cho UBND xã Phù Long và đại diện các hộ gia đình

Bên cạnh đó, đại diện CLB Thực hành Sống xanh, Trung tâm Truyền thông TN&MT và Viện Địa lý Nhân văn – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội đã trao tặng 3 thùng ủ rác thực phẩm thành phân hữu cơ với công nghệ lấy khí trong và túi, thùng rác, chế phẩm vi sinh cùng các vật dụng cần thiết khác cho các hộ gia đình tiêu biểu, nhằm thực hiện mô hình phân loại rác tại nguồn theo đúng quy định.

Sau lễ ra mắt mô hình, tập huấn, Thường trực Hội Phụ nữ xã hướng dẫn phân loại rác cho tổ phụ nữ, các hộ gia đình hội viên nòng cốt tại thôn Bắc, thôn Nam, xã Phù Long.

Chương trình đã phân phát và trao tặng những thùng rác phân loại thiết thực đến cho các hộ dân tại xã Phù Long

Theo baotainguyenmoitruong.vn

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version