Ngày 14/1, Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi; Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp cho Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Thành phố Hồ Chí Minh; Quỹ vì trẻ em khuyết tật Việt Nam và Công ty cổ phần Doanh nghiệp xã hội Green Fashion phối hợp ra mắt chương trình Ngân hàng thời trang và Giới thiệu dự án “Thời trang hy vọng” với mục tiêu chống lãng phí thời trang và thúc đẩy tiêu dùng thời trang bền vững và thân thiện với môi trường.

Thông tin tại chương trình, đại diện Ban tổ chức cho biết, công nghiệp thời trang được xem là ngành gây ô nhiễm lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau ngành dầu mỏ với khoảng 10% lượng khí thải carbon thải ra toàn cầu hằng năm.

Trung bình mỗi năm khoảng 85% hàng dệt may sẽ được đổ ra các bãi rác, tương đương với mỗi giây sẽ có một xe tải quần áo bị đem đốt hoặc bỏ đi.

Riêng công nghiệp dệt may chịu trách nhiệm cho 20% tổng lượng nước thải trên toàn cầu, với trung bình khoảng 70 triệu m3 nước thải/năm.

Việt Nam là một trong 3 nước xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới với kim ngạch xuất khẩu hơn 40,3 tỷ USD/năm và tạo việc làm cho khoảng hơn 4 triệu lao động (số liệu năm 2023).

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), ngành dệt may của Việt Nam phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2 mỗi năm.

Các quy trình xử lý ướt hàng dệt may (sợi, vải và hàng may) sử dụng rất nhiều tài nguyên nước cho các khâu giặt, giũ, tiền xử lý, nhuộm và hoàn tất sau xử lý.

Các đơn vị khởi động dự án mang tên “Thời trang hy vọng”.

Trong mục tiêu chống lãng phí thời trang và thúc đẩy tiêu dùng thời trang bền vững và thân thiện với môi trường, các đơn vị đã thúc đẩy thành lập Ngân hàng Thời trang Việt Nam (Fashion Bank) để không chỉ tạo giải pháp bảo vệ môi trường mà còn là một sáng kiến quan trọng làm cầu nối yêu thương, mang lại cơ hội cho những hoàn cảnh khó khăn, yếu thế.

Theo đó, các sản phẩm thời trang bị lãng phí hoặc không còn được sử dụng như quần áo, giày dép, balo, mũ nón, phụ kiện, thú bông… thay vì bị vứt bỏ và trở thành gánh nặng cho môi trường thì Fashion bank sẽ kéo dài vòng đời của chúng thông qua các hoạt động thu gom, phân loại và tái phân phối lại qua các kênh để trao gửi đến những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.

Dịp này, các đơn vị cũng khởi động dự án mang tên “Thời trang hy vọng” (Hope Fashion) với sứ mệnh tạo sự gắn kết giữa ba yếu tố: người khuyết tật-thời trang-nghề thủ công.

Hoạt động này sẽ giúp người khuyết tật tự tin hơn từ việc giải quyết nhu cầu mặc đẹp; tạo động lực giúp họ có thể hòa nhập và vươn lên trong cộng đồng thông qua hoạt động đào tạo nghề và tạo việc làm để người khuyết tật, người yếu thế có thể tạo ra các sản phẩm thời trang tái chế. Đồng thời, góp phần giảm thiểu rác thải thời trang ra môi trường.

Bà Dương Thị Bích Diệp, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Vì trẻ em khuyết tật Việt Nam cho biết: “Việc hợp tác với Fashion bank không chỉ mang lại những sản phẩm thời trang thiết yếu cho trẻ em và người khuyết tật mà còn giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề lãng phí trong ngành thời trang.

Các đơn vị cũng tổ chức lớp đào tạo nghề may mặc cho người khuyết tật tại Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp cho Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Thành phố Hồ Chí Minh”.

Theo Nhân Dân

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version