Những năm gần đây, các thảm họa về môi trường càng ngày càng trở nên nghiêm trọng và có ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của con người. Hàng năm, có hàng nghìn, vài chục nghìn sản phẩm jeans tái chế được ra đời và có ý nghĩa với nhiều người. Cũng có hàng nghìn bạn trẻ, người quan tâm tới môi trường được thay đổi nhận thức về sản phẩm thời trang xanh thân thiện với môi trường.
Một trong những nguyên nhân “góp phần” không nhỏ vào các vấn đề nghiêm trọng ấy là do sự bùng nổ làn sóng thời trang nhanh. Từ đó, thời trang đã trở thành ngành ô nhiễm thứ 2 trên thế giới.
Ví dụ, để tạo ra được một chiếc quần jean, người ta có thể phải sử dụng đến hàng nghìn lít nước, để “lên màu” cho nó và khiến nó trở nên hấp dẫn đối với người dùng thì còn tiêu tốn tới hàng ngàn tỷ lít nước và những chất phẩm màu độc hại để nhuộm màu cho vải.
Nhưng phía sau chiếc quần jean này khi không được sử dụng được nữa là gì? Một vài con số đáng e ngại được các tổ chức môi trường thống kê như: 500 triệu tấn quần áo bị thải ra mỗi năm, 1,5 triệu tấn vi sợi đổ xuống biển hàng năm, 84% quần áo bị thiêu hủy tạo ra khí CO2 độc hại, gây ra 10% khí thải nhà kính… Vậy nên vấn đề rác thải thời trang đang được rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân quan tâm.
Sự ra đời của sản phẩm từ tái chế đồ jeans
Jean là một trong những chất liệu được giới trẻ khá yêu thích vì chất jean thể hiện được cá tính riêng. Vậy nên, hầu như mỗi cá nhân đều có những chiếc quần, áo jean…. trong tủ đồ của mình. Do đó, rác thải thời trang jean cũng khá nhiều.
Tất nhiên, một vài bộ phận giới trẻ đã, đang hành động theo xu hướng quan tâm tới môi trường, hành động mua sắm thời trang secondhand, hạn chế rác thải nhựa, rác thải thời trang và các sản phẩm tái chế.
Chất liệu vải jean có độ bền cao, do đó thông thường, quần áo jean được loại bỏ khi chúng có thể mắc lỗi nhỏ như cúc hỏng, khóa hỏng, hay rách một phần nào đó hoặc ngay cả khi hết mốt… tuy nhiên chúng vẫn giữ được nét cá tính riêng của vải jean. Vì vậy, khi tái chế jean sẽ là cách tạo thêm vòng đời thứ 2 cho những chiếc quần áo jean cũ.
Từ đó, Mèo Tôm Handmade lựa chọn và thực hiện ý tưởng “tái chế đồ jean cũ”..
Nguyễn Thị Hải Yến – Founder của Mèo Tôm Handmade có một niềm đam mê rất lớn với handmade, đặc biệt là mảng túi xách handmade. Vì vậy, dù trái ngành nghề đang học, nhưng Yến cũng tự tìm tòi học hỏi may túi xách từ thời sinh viên và lập ra thương hiệu Mèo Tôm Handmade.
Ban đầu tiệm Mèo mới chỉ là những chiếc túi xách, balo ví được may từ vải mới. Nhưng bản thân Yến thích sự độc đáo, khác biệt, đồng thời do mình học Công tác xã hội nên mình luôn trăn trở con đường đi của Mèo Tôm vừa có những sản phẩm độc đáo, khác biệt, vừa mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Vì vậy, sau khi tốt nghiệp, Yến đã trở về quê để phát triển thương hiệu và mình mất 2 năm để tìm ra con đường đi cho bản thân. Trong quá trình may, Yến luôn tìm những nguyên liệu độc đáo và thân thiện với môi trường.
Tình cờ trong một buổi dọn tủ quần áo, Yến lọc ra một vài chiếc quần jean cũ mà Yến yêu thích một thời và bây giờ không mặc đến nữa, mặc dù nó vẫn còn tốt. Yến mang ra may túi, sau đó khoe lên mạng xã hội thì được mọi người khá là quan tâm, yêu thích chúng và cũng chia sẻ lại rằng họ cũng có những chiếc quần jean cũ như vậy, họ cũng đang không biết nên làm gì với chúng và muốn gửi tặng để Yến may túi.
Vì vậy Yến thấy không chỉ tái sinh những chiếc quần jean cũ của bản thân mà còn có thể giải cứu jean cũ của mọi người. Từ đó Yến đã nhận ra con đường đi của Mèo Tôm Handmade là thương hiệu túi xách tái chế.
Tạo công ăn việc làm cho chị em phụ nữ
Năm 2019, Mèo Tôm Handmade bắt đầu được triển khai ở giai đoạn thử nghiệm cá nhân và phát triển trong nước.
Năm 2020, dự án được thành lập hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hải Yến và chủ yếu phát triển thị trường trong nước.
Năm 2022, dự án nhận được nhiều sự quan tâm đến từ các đối tác quốc tế ở Mỹ, Úc, Pháp, Hong Kong, Hàn Quốc… Đặc biệt, dự án sử dụng tên thương hiệu Meje Atelier tại Pháp và bán trực tiếp tại Galeries Lafayette cũng như tham dự Mini Fashion Show tại đây về chủ đề Tái chế thời trang
Năm 2023 đến nay, dự án được chuyển sang pháp nhân Công ty TNHH Mejean.
Hàng năm, Mèo Tôm Handmade có thể tái chế 3-4 tấn quần áo jeans và tạo ra cuộc sống mới cho sản phẩm jeans tái chế.
Tạo nên thế giới jeans tái chế với nhiều sản phẩm khác nhau để tận dụng tối đa phần rác thải jeans.
Hàng năm, có hàng nghìn, vài chục nghìn sản phẩm jeans tái chế được ra đời và có ý nghĩa với nhiều người. Cũng có hàng nghìn bạn trẻ, người quan tâm tới môi trường được thay đổi nhận thức về sản phẩm thân thiện với môi trường.
Hiện nay, Mèo Tôm Handmade cũng từng gây quỹ trồng rừng với Gaia để tạo ra vài trăm cây xanh.
Ngoài ra, nhóm còn góp phần tạo ra môi trường làm việc cho các chị em phụ nữ ở gần xưởng Bắc Giang.
Công ty TNHH Mejean mong muốn phát triển thành doanh nghiệp hàng đầu với thế giới jeans tái chế thật chất lượng và sáng tạo trên thế giới. Hơn nữa, Mèo Tôm Handmade muốn mang lại giá trị hơn cho cộng đồng bằng cách sử dụng nguồn nhân lực yếu thế hoặc khó khăn trong cuộc sống để cùng nhau phát triển.
Theo Cafebiz.vn