Bằng việc tạo một vòng đời mới cho rác thải, nhiều cá nhân, đơn vị đã và đang lan tỏa lối sống xanh, chung tay góp phần bảo vệ môi trường.

Từ các mảnh kính và chai, lọ thuỷ tinh bị bỏ đi sau khi sử dụng, chàng trai Hứa Duy Thanh (phường Hà Khẩu, TP Hạ Long) đã tự nghiên cứu cách tái chế thành những bức tranh độc đáo, được nhiều người yêu thích. Việc làm này của anh Thanh bắt đầu vào năm 2020 khi tình cờ đọc được bài báo về bãi biển thủy tinh lấp lánh sắc màu ở Mỹ.

Đến nay, anh Thanh đã có cho mình một gia tài là hàng trăm bức tranh đầy màu sắc từ các chai, lọ thủy tinh. Anh Thanh chia sẻ: Việc biến những chai lọ cũ, mảnh thuỷ tinh vỡ thành vật dụng có ích là nhằm góp phần nhỏ giảm bớt rác thải từ chai lọ thủy tinh khó phân hủy ra môi trường. Qua đây tôi cũng mong muốn truyền cảm hứng cho mọi người có thêm một sở thích, thêm một chút sáng tạo và cảm thấy yêu môi trường sống hơn, từ đó có thêm ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường sống xung quanh.

Lan toả ý nghĩa của việc tái chế rác thuỷ tinh, anh Thanh đã tặng tranh của mình cho bạn bè, các CLB, tổ chức những buổi workshop để gây quỹ cho những em nhỏ gặp khó khăn, hay chương trình “Đổi rác lấy quà” ở trường phổ thông và đại học. 

Một tác phẩm do anh Nguyễn Đức Toàn (phường Cao Thắng, TP Hạ Long) chế tạo từ những lốp xe cũ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Còn với anh Nguyễn Đức Toàn (phường Cao Thắng, TP Hạ Long), dù chưa một ngày học về mỹ thuật, thế nhưng bằng sự sáng tạo của mình đã biến các lốp xe cũ thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo là những con vật như: Voi, khủng long, tê giác, đại bàng… Để có nguyên liệu thực hiện, anh Toàn đã thu gom lốp xe cũ từ nhiều nơi, đặc biệt là ở các cửa hàng sửa xe. Dần dần, anh trở thành khách quen của những tiệm sửa xe quanh nhà, cứ có lốp xe không sử dụng họ đều nhớ tới anh. Anh Toàn cho biết, khi hoàn thiện con voi đầu tiên tôi chỉ để trong nhà, nhưng sau một thời gian suy nghĩ, tôi quyết định mượn mảnh đất nhà hàng xóm làm nơi trưng bày để người dân trong khu phố có thể đến tham quan, vui chơi…

Tại HTX Green Life Hạ Long, những thành viên ở đây cũng đang làm một công việc hết sức ý nghĩa, đó là thu gom, tái chế những rác thải bỏ đi, chủ yếu là rác thải nhựa, khó phân hủy để tái chế thành các sản phẩm hữu ích, gắn với tạo việc làm, thu nhập cho người dân, đặc biệt là phụ nữ.

Nhờ sự khéo léo, sáng tạo của những người phụ nữ mà những tấm bạt nhựa bỏ đi, quần áo cũ, vải vụn… có thêm vòng đời ý nghĩa khi trở thành túi xách thời trang, làn đi chợ, vòng tay, nơ buộc tóc.  Đến nay, HTX đã làm ra những chiếc túi có chất lượng cao hơn từ vải bò cũ, ở giữa có một lớp banner để chống thấm và gia tăng độ chắc chắn cho sản phẩm. Trung bình mỗi tháng HTX Green Life Hạ Long thu gom và tái chế hơn 1 tấn banner quảng cáo và trên 500kg vải thừa. Từ những nguyên liệu tưởng chừng như bỏ đi ấy, các thành viên HTX đã làm ra trên 10.000 sản phẩm. 

Du khách nước ngoài thích thú với các sản phẩm tái chế của HTX Green Life Hạ Long. Ảnh: Đơn vị cung cấp.

Các sản phẩm của HTX chủ yếu được bán cho khách du lịch trong và ngoài nước thông qua các hoạt động tham quan, trải nghiệm thực tế, một số ít được bán thông qua mạng xã hội. Hiện nay, HTX đã bố trí nhân sự thực hiện tìm hiểu, tiếp cận với các sàn thương mại điện tử để từng bước quảng bá, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. 

Chị Trần Thị Hương, Giám đốc HTX, cho biết: Điều chúng tôi muốn lan tỏa là rất mong mọi người tiết kiệm tài nguyên bằng cách sử dụng những vật phẩm tái chế, để chúng tôi có cơ hội thu gom và tái chế nhiều hơn, từ đó giảm được lượng rác thải chôn lấp ngoài môi trường, để môi trường sống tốt hơn. Song hành cùng với việc tạo việc làm và phát triển kinh tế, HTX cũng thường xuyên tổ chức những buổi hội thảo, nói chuyện với các em nhỏ để chia sẻ, hướng dẫn cách tái chế và lối sống xanh.

Theo quangninh.gov.vn

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version