Nhu cầu vốn phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cả 5 lĩnh vực đến năm 2030 khoảng 208,06 tỷ USD, tầm nhìn 2050 lên tới 377,83 tỷ USD. Trong hành trình thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông, Bộ Giao thông vận tải đang nỗ lực xanh hoá toàn ngành, trong đó, ưu tiên đầu tư các dự án đường sắt mới, điện khí hóa…
Ngày 21/8, Bộ Giao thông vận tải tổ chức tọa đàm “Phát triển giao thông xanh: Thách thức và giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư” để nhìn lại những khó khăn, thách thức sau hai năm thực hiện Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 2/7/2022 về chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải (Quyết định số 876).
Tại toạ đàm, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp cũng chia sẻ về các chính sách ưu đãi đầu tư phát triển giao thông xanh, cách thức hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn từ các tổ chức tài chính, tín dụng quốc tế nhằm phát triển giao thông xanh, thân thiện môi trường.
BƯỚC ĐẦU HÁI “TRÁI NGỌT” NHƯNG CÒN XA MỤC TIÊU
Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh phát triển giao thông xanh là nền tảng quan trọng để xây dựng một nền kinh tế xanh. Sau hai năm triển khai Quyết định số 876, ông Thắng cho biết Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành địa phương tích cực triển khai các giải pháp được giao và đạt được một số kết quả ban đầu.
Tuy nhiên cũng còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tìm kiếm các giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư chuyển đổi cơ sở hạ tầng xanh, chuyển đổi phương tiện xanh.
Bộ trưởng cũng đánh giá cao Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tích cực chủ động phối hợp cùng Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải tổ chức toạ đàm, nhằm trao đổi và thảo luận về những kết quả đã đạt được, đề ra các giải pháp thiết thực để thu hút nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông xanh và chuyển đổi năng lượng xanh trong giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Để phát triển hạ tầng giao thông xanh, chuyển đổi phương tiện xanh, Tư lệnh ngành giao thông vận tải gợi mở một số nội dung cần phân tích, làm rõ.
“Trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông xanh, Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng được tuyến đường sắt đô thị, triển khai được hàng trăm xe buýt điện, hàng chục nghìn ô tô điện đang vận hành. Tuy nhiên, so với mục tiêu đặt ra thì đây mới là kết quả bước đầu, còn khiêm tốn, cần tiếp tục cố gắng, giành nguồn lực, các chính sách để khuyến khích người dân, doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất và sử dụng phương tiện. Đây là vấn đề rất quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 đầy một thách thức”.
Thứ nhất, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông như đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao, phát triển cảng xanh đã được Đảng và Nhà nước xác định là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược nhằm thực hiện mục tiêu phát triển đến năm 2030 là nước đang phát triển thu nhập trung bình cao và năm 2050 là nước phát triển thu nhập cao.
Vậy giải pháp nào để vừa thực hiện được mục tiêu tăng trưởng, phát triển vừa đạt được mục tiêu giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng? Làm sao để cắt giảm khí nhà kính, khí metan trong quá trình khai thác, sản xuất vật tư, vật liệu thi công, khai thác, bảo trì, sửa chữa công trình? Làm sao để phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông với hạ tầng năng lượng xanh.
Thứ hai, thực hiện chuyển đổi phương tiện năng lượng xanh theo đúng mục tiêu đề ra trong Quyết định 876, câu hỏi trọng tâm là làm sao để người dân, doanh nghiệp có thể chuyển đổi sang phương tiện xanh, chính sách kinh nghiệm để khuyến khích người dân, doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện.
Để thực hiện cam kết đưa phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050 cũng như mục tiêu cụ thể hơn cho ngành giao thông vận tải theo Quyết định 876, Bộ trưởng nhấn mạnh cần sự hỗ trợ rất lớn của quốc tế, không chỉ về vấn đề tài chính mà còn là kinh nghiệm trong xây dựng và thực thi chính sách. Từ đó, áp dụng vào Việt Nam sao cho phù hợp với đặc thù trong nước và đặc thù của từng lĩnh vực ngành.
Chia sẻ tại toạ đam, ông Fabian Hartjes, Bí thư thứ hai phụ trách về kinh tế và chính sách khí hậu, thừa uỷ quyền của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam bày tỏ cam kết lâu dài trong việc phối hợp, hỗ trợ giảm phát thải carbon ngành giao thông vận tải.
Cũng theo ông Fabian Hartjes, Chính phủ Đức cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào 2045. Điều này đòi hỏi phải đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống hạ tầng và đưa vào vận hành hệ thống phương tiện giao thông sử dụng điện.
XANH HOÁ HẠ TẦNG GIAO THÔNG TẦM NHÌN 2050
Phác hoạ rõ nét hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông Việt Nam, ông Lưu Quang Thìn, Vụ phó Vụ Kế hoạch – Đầu tư (Bộ Giao thông vận tải), cho biết cả nước có hơn 24.300km quốc lộ, 2.000km đường bộ cao tốc, 6.800km đường thủy nội địa, 2.640km đường sắt quốc gia, 298 bến cảng, 22 cảng hàng không và nhiều công trình quan trọng, quy mô lớn được đầu tư.
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế như sự mất cân đối giữa các dự án hạ tầng, chủ yếu tập trung cho lĩnh vực đường bộ, tiếp đến là hàng hải, hàng không. Với đường thủy nội địa, hiện chưa phát huy hết tiềm năng trong các khu vực có lợi thế.
Với hệ thống đường sắt, mặc dù là phương thức có nhiều ưu điểm nhưng chưa được ưu tiên đầu tư, còn lạc hậu. Đường sắt đô thị triển khai chậm nên chưa giải quyết được tình trạng ùn tắc, ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn.
“Nguyên nhân chủ yếu do xuất phát điểm của nền kinh tế Việt Nam thấp, vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng đủ mục tiêu đầu tư”, ông Thìn nhìn nhận.
Nêu rõ định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đến năm 2030, tầm 2050, lãnh đạo Vụ Kế hoạch – Đầu tư chỉ rõ mục tiêu đặt ra là phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hợp lý, bảo đảm cân đối, hài hòa, tận dụng lợi thế của các phương thức vận tải, nâng cao tỷ lệ vận tải hành khách công cộng ở các đô thị lớn.
Theo đó, với vận tải đường bộ, đến năm 2030 phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc. Tiếp tục đầu tư các tuyến cao tốc kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế có nhu cầu vận tải hàng hóa lớn như kết hợp đầu tư đồng bộ với hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng xanh trên các tuyến cao tốc để hỗ trợ chuyển đổi phương tiện đường bộ.
“Ước tính theo quy hoạch, tổng mức đầu tư các dự án đến năm 2030 vào khoảng 24,8 tỷ USD; đến năm 2050 vào khoảng 33,64 tỷ USD”, ông Thìn thông tin.
Với đường sắt, đây là phương thức có ưu thế về vận chuyển khối lượng lớn, nhanh, an toàn, thuận tiện, chi phí hợp lý, giảm ô nhiễm môi trường nên sẽ là một trong các ưu tiên đầu tư.
Theo tính toán, tổng mức đầu tư các dự án đường sắt đến năm 2030 vào khoảng 151,2 tỷ USD (bao gồm cả đường sắt đô thị); đến năm 2050 vào khoảng 312 tỷ USD.
“Trong đó tập trung xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM để giảm ùn tắc giao thông, kết nối với tuyến đường sắt tốc độ cao để hình thành mạng lưới vận chuyển hành khách thuận tiện trong cả nước; đầu tư các tuyến đường sắt mới, điện khí hóa để kết nối cảng biển quan trọng, kết nối cảng hàng không”, lãnh đạo Vụ Kế hoạch – Đầu tư nêu rõ.
Ngoài ra, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có đồng bộ hạ tầng sử dụng điện, năng lượng xanh.
Với việc sử dụng năng lượng điện, đầu tư vào lĩnh vực đường sắt là một trong các giải pháp tối ưu chuyển đổi phương thức vận tải trong bối cảnh Việt Nam đang ưu tiên phát triển nền kinh tế carbon thấp, đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Với đường thủy nội địa, thời gian tới sẽ cải tạo nâng cấp các tuyến chính có mật độ vận tải cao; tập trung phát triển các tuyến vận tải thủy ven biển khu vực miền trung và đồng bằng sông Cửu Long, hiện đại hóa các cảng chính, cảng chuyên dùng. Trong đó khuyến khích đầu tư cảng, luồng tuyến vận tải xanh với tổng mức đầu tư các dự án đến năm 2030 vào khoảng 10,8 tỷ USD; đến năm 2050 vào khoảng 4,48 tỷ USD.
Với hàng hải, cải tạo nâng cấp các luồng hàng hải quan trọng; tiếp tục phát triển các khu bến cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, Bà Rịa Vũng Tàu; kêu gọi đầu tư cảng Cần Giờ, Vân Phong, các bến cảng Trần Đề phục vụ Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó khuyến khích đầu tư cảng xanh với tổng mức đầu tư theo ước tính của quy hoạch đến năm 2030 vào khoảng 4,16 tỷ USD; đến năm 2050 khoảng 6,65 tỷ USD.
Với hàng không, ông Thìn cho biết sẽ ưu tiên tập trung đầu tư một số cảng hàng không lớn, đóng vai trò đầu mối tại vùng Thủ đô Hà Nội, vùng Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với đó, từng bước nâng cấp và khai thác có hiệu quả 22 cảng hàng không hiện hữu; kêu gọi đầu tư đầu tư các cảng hàng không mới… với tổng mức đầu tư theo ước tính của quy hoạch đến năm 2030 vào khoảng 17,1 tỷ USD; đến năm 2050 vào khoảng 21,06 tỷ USD.
KÊU GỌI VỐN TƯ NHÂN TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC
Để huy động nguồn lực đầu tư, lãnh đạo Vụ Kế hoạch – Đầu tư nêu rõ các giải pháp trọng tâm thời gian tới.
Cụ thể, về cơ chế chính sách, quy hoạch, tiếp tục rà soát, sửa đổi hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý liên quan, rà soát, cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng, môi trường đầu tư. Xây dựng cơ chế để tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương đầu tư, tiếp tục rà soát các quy hoạch để định hướng đầu tư, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông gắn với mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon.
Về sử dụng nguồn lực, ưu tiên phân bổ vốn ngân sách nhà nước cho các công trình, dự án kết cấu hạ tầng giao thông không có khả năng thu hồi vốn hoặc khó có khả năng thu hút vốn từ các thành phần kinh tế.
“Ưu tiên các dự án phát triển kết cấu hạ tầng để thực hiện các cam kết về mục tiêu giảm phát thải carbon như các tuyến đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị”, ông Thìn nêu rõ.
Về huy động vốn đầu tư, huy động mọi nguồn vốn từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với các ưu đãi đầu tư tối đa.
Tiếp tục thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ quốc tế để đầu tư các công trình lớn có sức lan tỏa; khai thác có hiệu quả nguồn lực từ tài sản kết cấu hạ tầng.
Nghiên cứu, xây dựng các cơ chế huy động tối đa các nguồn lực đầu tư phù hợp với đặc thù từng chuyên ngành giao thông, có tính cạnh tranh quốc tế.
“Xây dựng và công bố danh mục các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông để kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP và đầu tư nước ngoài giai đoạn đến năm 2030 và sau năm 2030”, ông Thìn thông tin.
Theo Ánh Tuyết VNECONOMY