Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi năm khoảng 92 triệu tấn quần áo được thải ra trên thế giới. Thời trang là một trong những ngành gây ô nhiễm môi trường nhất hiện nay.
Mua nhiều, mua theo hứng, buồn hay vui đều mua, dẫn tới nhiều bạn gái có tủ đồ đầy chật, có những món đồ còn nguyên mác không động đến. Thời trang vốn dĩ là thứ đổi thay chuyển động không ngừng và nhiều khi khó để đong đếm, bình luận bằng chi phí hay giá cả. Thế nhưng, trong bối cảnh môi trường ngày càng bị ô nhiễm, không ít người đã thay đổi quan điểm, nghĩ khác mua sắm khác.
Xu hướng tạo ra thời trang bền vững hạn chế rác thải ngày càng được nhiều người trẻ quan tâm. Trong đó, việc sử dụng nguyên liệu tái chế cũng là một cách làm hay, sáng tạo. Từ những món đồ cũ tưởng như bỏ đi, chỉ cần một chút khéo léo và sáng tạo, những sản phẩm độc lạ, phiên bản giới hạn đã ra đời.
“Để khuyến khích người dân mua sắm theo tinh thần thời trang xanh, việc đầu tiên đó là cần nâng cao nhận thức cho người dân. Thông tin kiến thức này không chỉ về ảnh hưởng của việc mua sắm mà sâu xa hơn thì chúng ta cần cho người dân thấy được điều gì đang xảy ra đằng sau những phân xưởng. Cần có sự phối hợp giữa tư nhân và chính quyền để có chính sách khuyến khích sử dụng quần áo thời trang xanh hơn, sạch hơn”, nhà thiết kế Lê Ngọc Hà Thu chia sẻ.
Trên thế giới cũng đang chứng kiến sự thay đổi không nhỏ, tại Pháp – kinh đô thời trang thế giới, trong bối cảnh người dân nước này mỗi năm vứt bỏ khoảng 700.000 tấn quần áo, Pháp đã thông báo sẽ có một khoản tiền thưởng từ 7 – 25 EURO để khuyến khích quần áo, giày dép đi sửa chữa thay vì vứt bỏ. Một số quốc gia cũng đi tiên phong trong việc hạn chế sản phẩm thời trang nhanh.
Việc thiết lập thói quen tiêu dùng xanh hơn, bền vững hơn sẽ cần mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, thời điểm này, tín hiệu tích cực là sự thay đổi trong suy nghĩ của nhiều người tiêu dùng và cả thương hiệu thời trang lớn.
Theo vtv.vn