Thị trường bù đắp carbon toàn cầu có thể sẽ được thiết lập lại với quy mô lớn, khi ngày càng có nhiều chính phủ công bố ý định giữ lại ít nhiều các khoản tín chỉ carbon được tạo ra trong lãnh thổ quốc gia, thay vì bán lấy tiền.

Mặc dù chi tiết cụ thể khác nhau, nhưng các kế hoạch của nhiều nước, từ Indonesia, Kenya đến Honduras, đều có cùng mục tiêu: giữ lại nhiều lợi ích hơn từ các dự án giảm phát thải nhằm phục vụ mục tiêu khí hậu của chính họ, theo Bloomberg ngày 7-6.

Đối với các quốc gia có rừng nhiệt đới dày đặc, đầm lầy ngập mặn hoặc các bể chứa carbon tự nhiên khác, tín chỉ carbon ngày càng “có giá”, có thể được coi một nguồn tài nguyên quốc gia, tương tự khoáng sản và kim loại có giá trị như vàng, lithium, đồng…

Vấn đề là theo cách vận hành của thị trường trao đổi carbon hiện tại, việc bán tín chỉ carbon chỉ mang lại nguồn thu ít ỏi cho các quốc gia, so với doanh thu khổng lồ của các nhà phát triển dự án đã mua số tín chỉ carbon, theo Pablo Fernandez, giám đốc điều hành Công ty phát triển dự án và đầu tư Ecosecurities.

Ví dụ, phần lớn trong doanh thu 100 triệu euro từ dự án rừng phòng hộ Kariba ở Zimbabwe – một trong những dự án bù trừ carbon lớn nhất thế giới – chui vào túi Công ty South Pole (Thụy Sĩ) và đối tác Carbon Green Investments (Guernsey). 

Ở Mexico, Tập đoàn dầu khí BP trả cho dân làng số tiền chỉ bằng một phần nhỏ so với giá thị trường của các tín chỉ carbon được tạo ra trên đất rừng của họ, theo điều tra năm 2022 của Bloomberg. “Tôi không nói đấy là tình hình chung của thị trường, nhưng có rất nhiều dự án được thiết kế tồi và thực thi cũng kém. Và chúng dẫn đến tình trạng trên” – Fernandez nói.

Cùng lúc đó, chính phủ các nước mới nổi bắt đầu nhận ra một giá trị khác của tín chỉ carbon. Theo Nghị định thư Kyoto năm 1997, các nước giàu đã đặt ra mục tiêu về phát thải có thể mua tín chỉ carbon từ các dự án ở các nước đang phát triển để đáp ứng các mục tiêu đó. Thỏa thuận Paris 2015 yêu cầu tất cả các nước tham gia phải đặt mục tiêu phát thải kể từ năm 2020, gọi là đóng góp quốc gia tự quyết định (nationally determined contribution – NDC).

Điều này có nghĩa, với các nước đang phát triển và có dự án có thể bán tín chỉ carbon, “mặt hàng” này không chỉ đơn thuần là nguồn thu nhập mà còn có thể là công cụ để giúp họ đạt được mục tiêu phát thải của chính họ, đồng thời “hoàn thành nghĩa vụ quốc tế”, tức thực hiện NDC đã cam kết.

Theo Bloomberg, một thị trường mua bán tín chỉ carbon mới đang được Liên Hiệp Quốc thiết lập, bao gồm khung pháp lý ngăn việc áp dụng cùng một khoản tín chỉ carbon cho mục tiêu khí hậu của nhiều quốc gia. Nghĩa là các quốc gia sẽ phải quyết định xem khoản tín chỉ carbon nào thì để lại, tính vào mục tiêu giảm phát thải trong nước, khoản nào thì bán cho bên ngoài.

Theo Hãng nghiên cứu BNEF thuộc Bloomberg, hơn 3/4 các quốc gia cho biết họ có kế hoạch hoặc đang xem xét giữ lại tín chỉ carbon tạo ra trong nước để hoàn thành NDC, thay vì bán cho bên thứ ba. Điều này sẽ dẫn đến nhiều biến đổi cho thị trường bù đắp carbon toàn cầu (được dự báo sẽ đạt trị giá 1.000 tỉ USD đến năm 2037) hiện nay.

Đầu tiên, sự thay đổi về pháp lý của các nước chắc chắn sẽ dẫn đến sự không nhất quán giữa quốc gia này với quốc gia khác, ít nhất là ở giai đoạn đầu. Tháng trước, Zimbabwe đã công bố ý định giữ lại 50% doanh thu từ tín chỉ carbon được tạo ra trong nước. Kenya đang tranh luận về luật để lại 25% doanh thu cho cộng đồng địa phương có dự án bù đắp carbon. Tanzania dù đã đưa ra các quy tắc mới điều chỉnh việc phân chia doanh thu từ tháng 10-2022, song các nhà phát triển dự án cho biết vẫn đang chờ thông tin chi tiết.

Papua New Guinea đã đình chỉ các giao dịch mới trong thời gian sửa quy định. Honduras cấm bán các khoản tín chỉ carbon từ dự án rừng. Indonesia áp đặt các điều kiện đối với việc xuất khẩu tín chỉ carbon. Malaysia cho biết họ sẽ không giới hạn mức bù đắp carbon cho nước ngoài. Tuy nhiên, có thể một trong những tác động lớn nhất đến thị trường sẽ là Trung Quốc, khi quốc gia bù đắp carbon lớn nhất thế giới này đang sẵn sàng cải tổ thị trường NDC trong nước.

Các nhà đầu tư cho biết họ hoan nghênh các động thái nhằm tạo ra sự rõ ràng, ổn định và khả năng dự đoán trong thị trường carbon. Ngành mua bán phát thải cho rằng các khung pháp lý mới sẽ mang lại sự chắc chắn hơn cho các nhà đầu tư, song cũng cảnh báo các nhà hoạch định chính sách không nên quá nóng vội. 

“Các khuôn khổ mới và mức độ can thiệp của chính phủ sẽ quyết định mức độ hấp dẫn của từng quốc gia đối với các nhà đầu tư. Nhưng nếu làm mọi thứ trở nên quá khó khăn, sẽ không có thị trường Carbon quốc tế” – Andrea Bonzanni, giám đốc chính sách quốc tế tại Hiệp hội Thương mại phát thải quốc tế, lưu ý.

Theo Tuổi trẻ

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version