TTCT – Doanh nghiệp nhựa, giày da, thời trang, thậm chí cả doanh nghiệp trang sức cũng đang tìm tuyển các vị trí liên quan đến việc làm xanh.

Công nhân vận hành nhà máy xử lý nước thải là một trong những việc làm xanh mà các doanh nghiệp đang cần. Ảnh: TỰ TRUNG

Mới đây, một công ty da giày Hàn Quốc tại tỉnh Đồng Nai đăng tuyển dụng nhân sự cho vị trí sustainability engineer (nôm na là kỹ sư bền vững). Công việc được mô tả là thu thập dữ liệu hiệu suất môi trường từ các nhà máy, xây dựng và vận hành các sáng kiến về hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo, chuyển tải các báo cáo về hoạt động phát triển bền vững, đào tạo, nâng cao năng lực phát triển bền vững cho các đội nhóm…

Công ty yêu cầu ứng viên có chuyên môn về ngành khoa học môi trường, kỹ sư hoặc các chuyên ngành liên quan khác.

Đối tác lớn đòi hỏi tiêu chuẩn xanh

Gần đây, nhiều yêu cầu tuyển dụng những vị trí gắn với ESG (Environment, Social, Governance tức Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp) xuất hiện trên các mạng tuyển dụng. Chẳng hạn, Công ty PNJ tuyển dụng chuyên viên cao cấp ESG với mô tả công việc là tất cả các nhiệm vụ liên quan đến ESG như: xây dựng chính sách và quy trình thẩm định rủi ro ESG trong sản xuất và bán lẻ của PNJ, xây dựng các tiêu chí đo lường giám sát về môi trường, xã hội và quản trị, quản lý dự án, điều phối hoặc hỗ trợ đối với các hoạt động ESG mà công ty triển khai….

Trên các mạng đăng tuyển nhân sự, các mẩu tin tìm người có chuyên môn liên quan đến việc làm xanh rất đa dạng, từ chuyên viên HSE (Health-Safety-Environment/Sức khỏe-An toàn-Môi trường), QSHE (có thêm yếu tố Q-chất lượng bổ sung cho HSE) đến kỹ sư môi trường, chuyên viên CSR (trách nhiệm xã hội), trưởng nhóm xử lý nước thải.

Nhiều công ty tuyển dụng vị trí “tích hợp” cả CSR – trách nhiệm xã hội, RSL (danh mục hóa chất cấm sử dụng) và những công việc khác liên quan đến hoạt động giảm tác động lên môi trường, xã hội, thúc đẩy các giải pháp xanh hóa…

Ông Nguyễn Vĩnh Thụy, trưởng phòng nhân sự Công ty CP sản xuất nhựa Duy Tân, cho biết “việc làm xanh” đã có từ lâu ở những doanh nghiệp lớn. Công ty Duy Tân từ nhiều năm nay đã có các bộ phận về HSE – phụ trách về an toàn – sức khỏe – môi trường, bộ phận về kỹ thuật công nghệ, bộ phận về trách nhiệm xã hội…

“Những bộ phận này vận hành, kiểm soát các tiêu chuẩn liên quan đến môi trường, an toàn lao động cũng như các quy định để bảo vệ người lao động. Đối tác của Duy Tân là các tập đoàn đa quốc gia, họ đòi hỏi các tiêu chí xanh trong quá trình sản xuất, nên các tiêu chuẩn này được giám sát, đánh giá và tích hợp vào các báo cáo hằng năm.

Gần đây công ty bắt đầu phổ biến và thực hiện các tiêu chuẩn ESG, nhân sự cho lĩnh vực này thường là các bạn tốt nghiệp ngành môi trường”, ông Thụy nói.

Nhiều công ty lớn trong ngành may mặc cũng đang “xanh hóa” nên cần đội ngũ nhân lực xanh. Đại diện Tổng công ty Đức Giang (Dugarco) cho biết:

“Hiện chưa có tiêu chuẩn “thân thiện với môi trường” chung chính thức cho ngành sản xuất thời trang. Công ty nương theo một số tiêu chí “xanh” quan trọng trong ngành như sử dụng nguồn nguyên liệu bền vững (ưu tiên các loại vải hữu cơ, vải từ sợi tự nhiên, vải tái chế…), quy trình sản xuất thân thiện với môi trường (sử dụng năng lượng tái tạo, giảm phát thải carbon), thiết kế tuần hoàn tạo ra sản phẩm may mặc có tuổi thọ dài hơn, có thể tái chế và sửa chữa…

Đây là những tiêu chuẩn nhằm đáp ứng các tiêu chí thời trang ngày càng cao, tái tạo và giảm phát thải, giúp nâng cao vị thế của doanh nghiệp, tăng thị phần và tạo thêm nhiều giá trị gia tăng”.

Với tư vấn của đội ngũ “nhân sự xanh”, Công ty Đức Giang cải tiến sản xuất kinh doanh tiết kiệm 10% công suất điện, 20% lượng nước sử dụng, 5-10% nguyên phụ liệu so với quy trình sản xuất bình thường. Doanh nghiệp này còn hạn chế sử dụng tài liệu giấy trong các cuộc họp, không sử dụng chai và bao bì nhựa. Việc lắp đặt pin mặt trời áp mái ở các nhà máy cung cấp 20-30% lượng điện trong sản xuất, chuyển từ lò hơi dùng than sang sử dụng điện…

Cần hàng triệu nhân sự “việc làm xanh”

Bà Nguyễn Thanh Hương, giám đốc nhân sự toàn quốc (ManpowerGroup Việt Nam), cho biết từ năm 2021 Tập đoàn ManpowerGroup đã giới thiệu báo cáo ESG đến khách hàng và đối tác trên toàn cầu. Nhu cầu việc làm xanh ngày càng nhiều, kéo theo sự xuất hiện rất nhiều vị trí mới liên quan ESG. Số lượng việc làm xanh ngày càng gia tăng, tương ứng với sự ra đời của rất nhiều vị trí mới liên quan ESG.

“Có 55% người lao động tham gia một khảo sát cho biết những cam kết DEIB (sự đa dạng, bình đẳng, hòa nhập và thuộc về) của doanh nghiệp là một yếu tố cực kỳ quan trọng với họ khi đánh giá nhà tuyển dụng”, bà Hương nói.

Cũng theo ManpowerGroup, trong giai đoạn 2015-2022, tỉ lệ cần “nhân lực xanh” tăng từ 9,6% lên 13,3% tổng nhu cầu tuyển dụng lao động. Ước tính đến 2050, thị trường toàn cầu sẽ có hơn 300 triệu vị trí công việc cần “kỹ năng xanh”.

Bà Cao Lê Thanh Loan – giám đốc dịch vụ khoán việc và cho thuê lại lao động miền Nam, ManpowerGroup Việt Nam – cho biết: 5 vai trò ESG hàng đầu trên toàn cầu bao gồm những vị trí liên quan đến môi trường, sức khỏe và an toàn (chiếm 59%), phúc lợi thể chất và tinh thần (39%), phát triển bền vững (39%), tái chế và quản lý rác thải (37%) và quản lý hệ sinh thái và đa dạng sinh học (33%). ManpowerGroup Việt Nam đã kết nối hàng trăm đơn tuyển dụng, cho thuê lại lao động và khoán việc trong mảng việc làm xanh.

ThS Nguyễn Trúc Vân, Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM, dẫn kết quả nghiên cứu của World Bank và Tổng cục Thống kê về việc làm xanh cho thấy hiện tại Việt Nam có 39 ngành nghề có việc làm xanh.

Các ngành có mức độ tập trung việc làm xanh cao nhất hiện nay là điện, khí đốt và cấp nước (23%), khai mỏ (5%), dịch vụ thị trường (5%). Việt Nam đang xanh hóa nền kinh tế nên tương lai có thêm 88 nghề khác có tiềm năng có việc làm xanh. Dự báo số lượng việc làm xanh có thể chiếm tới 41% tổng số việc làm trên thị trường tương lai.

Theo Tuổi Trẻ

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version