Các chuyên gia tính toán rằng, hơn 500 tỷ USD giá trị bị mất mỗi năm do sử dụng quần áo không đúng mức và không tái chế. Tình trạng này không chỉ bất lợi cho xã hội và môi trường mà còn khiến các công ty thời trang phải tính đến chi phí tài nguyên, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận…
Vấn đề thay đổi trong lựa chọn sản phẩm thời trang của người tiêu dùng toàn cầu theo hướng xanh hóa không còn mới. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19 người tiêu dùng bắt đầu quan tâm tới những vấn đề về môi trường – sức khỏe nhiều hơn. Trên thế giới, nhiều nhãn hàng đã và đang chuyển dịch sang sản xuất, sử dụng nguyên liệu xanh, nguyên liệu bền vững trong sản phẩm của mình.
VẢI XANH ĐANG CHIẾM LĨNH THỊ TRƯỜNG
Có thể nói, doanh nghiệp Việt, nhất là trong lĩnh vực thời trang, cập nhật xu hướng khá nhanh. Do yêu cầu của thị trường xuất khẩu cộng với nhu cầu muốn bảo vệ môi trường của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc – dệt sợi – thiết kế đã sử dụng các loại vải có nguồn gốc tự nhiên, tái chế hoặc có cách thức dệt, nhuộm ít tốn nước, không dùng hóa chất để làm áo quần, váy vóc.
Có thể kể ra một vài thương hiệu nội địa tiêu biểu. Việt Tiến có dòng sơ mi làm từ xơ hoa hồng – bằng cách nghiền cánh hoa hồng thành bột và hòa tan trong dung môi chuyên dụng, Owen có áo sơ mi sợi bạc hà, Yody có áo polo từ sợi cà phê, Rabity dùng vải sợi tre may đồ ở nhà cho em bé… Nhìn vào mặt bằng chung, có thể thấy sự ứng dụng các loại vải thân thiện với môi trường của doanh nghiệp lớn còn nằm ở dạng thử nghiệm là chủ yếu, do giá thành của chúng vẫn còn cao và cần thời gian để “giáo dục” thị trường.
Thực tế, chính các startup lại là những doanh nghiệp tiên phong cởi mở với xu hướng này hơn cả. Năm 2020, ShoeX đã ra mắt bộ sưu tập giày từ nhựa tái chế và bã cà phê. Năm 2022, thương hiệu Ecosoi cũng trở thành cái tên đình đám khi gọi vốn thành công tại chương trình Shark Tank với sản phẩm sợi từ lá dứa.
Một startup khác cũng theo hướng thời trang xanh là Mộc Nhiên. Ngoài phát triển các dòng sản phẩm sợi từ đay, tre, chuối, dứa… họ còn tập trung vào mảng nhuộm tự nhiên – sử dụng nguyên liệu chính là mặc nưa, tô mộc, trà xanh, hoa hòe, măng cụt, hạt điều màu…
Theo ông Võ Thành Phước, Trưởng phòng R&D của Faslink, sau 14 năm nghiên cứu và phát triển, hiện Faslink có 5 loại sợi vải xanh từ tự nhiên, bao gồm: sợi cà phê, sợi sen, sợi vỏ sò, sợi dừa, sợi bạc hà được xử lý bằng công nghệ hiện đại. “Trước đây, để bán một sản phẩm vải có nguồn gốc từ tự nhiên, chúng tôi phải mất tới 6 tháng để thuyết phục đối tác, nhưng nay thời gian đó đã rút ngắn rất nhiều. Hiện tại, giá của các loại vải có nguồn gốc tự nhiên vẫn cao hơn các loại vải có nguồn gốc nhân tạo; tuy nhiên, theo thời gian, khi công nghệ phát triển hơn và sản xuất số lượng lớn hơn, thì giá thành có thể sẽ được hạ thấp”, ông Phước nhận định.
Ngoài Faslink, Greenyarn – Bảo Lân cũng là một doanh nghiệp đầu tư nhiều tâm huyết vào ngành sợi sinh học. Tháng 7/2022, thương hiệu đã ra mắt sợi làm từ tre, ngoài ra Greenyarn còn bán sợi cotton organic, sợi tencel từ gỗ sồi, sợi kết hợp thêm bột gỗ, sợi cà phê, sợi tái chế… Từ năm 2019 – 2022, thương hiệu này cũng đã sản xuất hơn 50.000 đôi vớ hàng ngày và thể thao từ các nguyên liệu tái chế như chai nhựa và xuất khẩu sang Mỹ, Singapore, New Zealand.
Tại Tuần lễ thời trang Quốc tế Việt Nam (Vietnam International Fashion Week) lần thứ 15 tháng 7/2023, hàng loạt các thương hiệu đã chinh phục khán giả bằng các thiết kế sử dụng chất liệu theo xu hướng bền vững. Chẳng hạn, với “Hoa trên sóng nước”, Lê Thanh Hòa tiếp tục khai thác lụa Mã Châu làm chủ đạo bên lụa organza, taffeta, chiffon. Bộ sưu tập “Về nhà út ơi” của Nguyễn Minh Công khai thác đũi, lãnh Mỹ A, lụa Tân Châu hay những chất liệu như sợi chuối, sợi cọ raffia thuần. Bộ sưu tập “Hai Tư Sáu” của Adrian Anh Tuấn thì biến tấu những chất liệu tái chế quen thuộc như sợi hàu, cà phê và tre kết hợp với sợi nhựa tái chế, mang lại cảm giác thoáng mát và mềm mại…
Theo Vneconomy.vn