Không chỉ phát triển ở các nước tiên tiến trên thế giới, xu hướng thời trang xanh giờ đây đã dần trở thành cụm từ phổ biến ở Việt Nam khi được các nhà sản xuất chú trọng.
Xu hướng thiết kế sinh thái
Theo thống kê của Liên hợp quốc, thời trang là ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều nước thứ hai thế giới và chiếm từ 8-10% lượng khí carbon phát thải. Trong đó, thời trang nhanh (fast fashion) được coi là đối tượng gây ô nhiễm nhiều nhất. Thời trang nhanh thuộc phân khúc giá rẻ, bình dân với đặc tính “mua nhanh, mặc nhanh, bỏ nhanh”. Quần áo giá rẻ nhưng cái giá cho môi trường lại quá đắt khi những nguyên liệu polyester – loại sợi có nguồn gốc từ than đá, dầu mỏ và ethylene có thể thải ra môi trường hơn 706 triệu tấn khí CO2 mỗi năm. Mặt khác, loại sợi polyester này cũng phân hủy một phần trong nước tạo thành các vi nhựa xả vào môi trường nước, gây ô nhiễm và tác động đến hệ sinh thái động, thực vật. Ngay cả khi những sản phẩm quần áo từ sợi polyester đã hết vòng đời sử dụng, chúng cũng cần ít nhất vài thập kỷ, thậm chí vài trăm năm để phân hủy.
Trước sự đe dọa của thời trang nhanh đến môi trường, hàng loạt nhãn hàng nổi tiếng đã cam kết sử dụng một phần sợi tái chế trong các sản phẩm của mình, hướng đến cuộc cách mạng từ thời trang nhanh sang thời trang xanh. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào công nghệ tiên tiến nhằm tạo ra chất liệu sợi polyester thân thiện với môi trường, được tái chế từ rác thải trên biển.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết, ngành dệt may đặt mục tiêu đến hết năm 2023 giảm 15% tiêu thụ năng lượng, giảm 20% tiêu thụ nước. Đến năm 2030, chuyển đổi “xanh hóa” ngành dệt may Việt Nam, đồng thời xây dựng 30 thương hiệu mang tầm quốc tế.
Đầu tư xanh hóa sản phẩm
Theo mục tiêu này, nhiều doanh nghiệp, nhãn hàng thời trang đã và đang đầu tư cho quá trình xanh hóa sản xuất, xanh hóa sản phẩm. Có thể kể tới như nhãn hàng V-SixtyFour được sáng lập bởi ông Phạm Văn Việt, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VITAJEANS). Theo đó, các sản phẩm của thương hiệu này ngoài tính thời trang còn tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường và nguồn nguyên liệu được xử lý bằng các công nghệ tiên tiến trên thế giới như: laser, wash công nghệ cao, nhuộm khô và ozone…
Hay với Faslink, doanh nghiệp này đã dày công nghiên cứu và cho ra mắt thị trường nhiều nguyên liệu thân thiện môi trường như chất liệu sinh thái (vải sợi sen, sợi bạc hà…); chất liệu tái chế (sợi vải làm từ bã cà phê, vỏ chai nhựa…), chất liệu tính năng (vải sợi tre than đá…). Theo chia sẻ của bà Trần Hoàng Phú Xuân, Tổng Giám đốc Faslink, chuyển đổi xanh không còn là một xu hướng thời trang mà là lựa chọn tất yếu của những nhà làm thời trang.
Nguyên vật liệu xanh được sản xuất từ nguyên liệu tái chế, an toàn với môi trường và có những công nghệ mang đến tính năng bảo vệ sức khỏe cho người sử dụng. Còn với Công ty Wego Uniform – chuyên sản xuất kinh doanh đồng phục áo phông, sơ mi văn phòng, áo khoác, chân váy…, doanh nghiệp cũng không đứng ngoài cuộc chơi khi luôn cải tiến mẫu mã, chất liệu thân thiện với môi trường để phục vụ khách hàng. Đơn cử, mới đây, sản phẩm quần áo được làm từ chất liệu cà phê (Eco Café) thấm hút mồ hôi tốt thân thiện với môi trường… đã được doanh nghiệp này ra mắt.
Nhìn nhận về vấn đề thời trang xanh, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc khối vận hành hoạt động Co.opmart, chia sẻ, hơn 800 điểm bán của Saigon Co.op vừa thực hiện tuần lễ thời trang trong chuỗi chương trình “Tiêu dùng xanh”. Chương trình đã có sự tham gia của hơn 300 doanh nghiệp cung ứng thời trang trong hệ thống tham gia. Sản phẩm thời trang xanh là chủ đạo xuyên suốt trong chương trình đã nhận được sự hưởng ứng tiêu dùng tích cực từ khách hàng. Trong khi đó, theo khảo sát mới đây của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, 80% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có cam kết xanh và sạch, sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường. Đó là xu hướng rất tích cực cần lan rộng hơn nữa.
Ở Việt Nam, tiêu dùng xanh là một trong những nội dung quan trọng trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Vì vậy, tiêu dùng xanh ngày càng được quan tâm nhiều hơn, cùng với các hoạt động liên quan đến quá trình sản xuất và tiêu dùng bền vững đối với môi trường.
Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng