Trong hai năm gần đây, SukkhaCitta từ Indonesia liên tục được nhắc đến khi Denica Riadini-Flesch, nhà sáng lập của thương hiệu được xướng tên trong những chương trình vinh danh và hỗ trợ doanh nghiệp tầm cỡ quốc tế như Cartier Women’s Initiative năm 2022 và Rolex Awards for Enterprises 2023 vì những cam kết, hỗ trợ của cô cho phụ nữ, những người thợ thủ công và bảo tồn văn hóa địa phương Indonesia.

Anastasia A. Setiobudi – Giám đốc Sáng tạo của thương hiệu thời trang SukkhaCitta.

SukkhaCitta mang đến những trang phục có thể tái tạo theo khái niệm từ trang trại đến tủ quần áo (from farm to closet) bằng chất liệu hoàn toàn tự nhiên được trồng và canh tác theo mùa bởi những Ibu (nghệ nhân) sống ở các ngôi làng ở rải rác khắp nơi tại Indonesia. Họ sử dụng phần lớn cotton được canh tác hữu cơ theo phương thức tái sinh, màu nhuộm hoàn toàn tự nhiên và các kỹ thuật dệt, trang trí thủ công theo truyền thống lâu đời của Indonesia. SukkhaCitta cũng là thương hiệu thời trang đầu tiên ở Indonesia có chứng nhận B-Corp – một chứng chỉ dành cho các doanh nghiệp cam kết theo những tiêu chuẩn cao nhất về tác động tích cực đối với môi trường và xã hội. SukkhaCitta cũng tài trợ cho 5 trường dạy nghề cho phụ nữ nghèo ở nông thôn. Chuỗi vận hành của SukkhaCitta đã và đang hỗ trợ cho hơn 1.500 người dân ở rất nhiều ngôi làng tại Indonesia.

Bên cạnh dòng sản phẩm cố định, SukkhaCitta còn có những sản phẩm theo mùa, tùy thuộc vào những màu sắc, chất liệu tự nhiên có được vào từng thời điểm.

Anastasia A. Setiobudi là Giám đốc Sáng tạo của SukkhaCitta từ năm 2019 sau khi có thời gian học và thực hành thời trang tại London. Anastasia đã chia sẻ với ELLE Việt Nam về động lực, đam mê và niềm tin vào hành trình sáng tạo bền vững của cô cùng SukkhaCitta.

Hãy kể lại hành trình thời trang của chị trước khi đến với SukkhaCitta nhé.

Niềm đam mê với thời trang và nghệ thuật bắt đầu từ khi tôi còn nhỏ và tôi đã từng muốn theo học ngành Fine arts – Nghệ thuật thị giác. Bố mẹ dù luôn ủng hộ những sở thích của tôi đã khuyến khích hãy chọn một con đường “an toàn” hơn nên tôi đã chọn Thời trang. Sau khi hoàn thành chứng chỉ về thiết kế thời trang tại Esmod Jakarta, tôi đến Central Saint Martins ở London để được học thêm về cách vận hành của thời trang quốc tế. Tôi đã dành một năm để làm việc tại thương hiệu Marios Schwab, và trải qua hai mùa Fashion Week. Mối quan tâm của tôi về Thời trang Bền vững bắt đầu nhen nhóm vào năm học cuối, khi tôi tham gia một khóa học cùng Carry Somers, nhà sáng lập của tổ chức Fashion Revolution. Từ đó tôi nhận ra mối liên hệ giữa con người với thời trang, quần áo đã thay đổi như thế nào và cảm thấy bị lôi cuốn bởi với những cuộc vận động về bền vững. Khi tôi trở về Indonesia, khái niệm Bền vững vẫn còn khá mới mẻ và xa lạ cho đến khi tôi được một người bạn giới thiệu về SukkhaCitta.

Chị đã gặp Denica Riadini-Flesch, nhà sáng lập SukkhaCitta như thế nào?

Khi được bạn giới thiệu về SukkhaCitta, tôi đã tìm hiểu, chủ động liên lạc với Denica và thấy vô cùng đồng cảm với tầm nhìn của cô ấy. Sự khác biệt lớn nhất của SukkhaCitta chính là mô hình bền vững bắt đầu từ ngay nguồn cung ứng. Sứ mệnh của SukkhaCitta là hợp tác, hỗ trợ và trân trọng những người nghệ nhân, đất mẹ và thiên nhiên. Tôi nhận thấy đây chính là nơi tôi muốn làm việc và gắn bó. Denica và tôi phối hợp rất nhịp nhàng. Cô ấy tập trung vào việc nghiên cứu, ứng dụng những chứng chỉ và tiêu chuẩn mà thương hiệu đã cam kết, còn tôi tập trung vào việc sáng tạo, phát triển sản phẩm. Từ năm ngoái, tôi dành hơn nửa thời gian tại các ngôi làng để làm việc cùng những cộng đồng nghệ nhân của chúng tôi.

SukkhaCitta hướng đến sử dụng 100% cotton hữu cơ tái tạo vào năm 2025.

Quá trình sáng tạo và thiết kế của chị diễn ra như thế nào khi làm việc cùng các nghệ nhân?

Đó là quy trình khá linh hoạt cho chúng tôi nhiều tự do trong sáng tạo và sản xuất. SukkhaCitta không đi theo mùa thời trang, mà theo mùa tự nhiên, tùy thuộc vào mùa vụ thu hoạch tại các nông trại. Mùa màng tự nhiên cũng có thể quyết định màu sắc chủ đạo của BST. Tất cả mọi thứ đều được làm bằng tay, từ khâu gieo trồng, thu hoạch, dệt vải đến nhuộm màu và hạn chế sử dụng điện. Vì thế chúng tôi cần ít nhất một năm, đôi khi đến hai năm để hoàn thành một BST mới.

Tôi tìm thấy cảm hứng từ ngay những ngôi làng mà tôi thường lui đến, để thiết kế những mô-típ cho vải batik, để lựa chọn cách dệt vải, những kỹ thuật thêu hay vẽ họa tiết. Tôi sẽ chia sẻ định hướng của BST mới với Denica, những đồng nghiệp tại văn phòng và sau đó bắt tay vào sản xuất BST. Có những ý tưởng đã hiện hữu từ trước, tôi lại quay về để cùng các nghệ nhân phát triển kỹ thuật dệt vải mới hay tìm cách hiện thực hóa những họa tiết mới.

Trong suốt quá trình làm việc, chúng tôi luôn thuận theo thiên nhiên và chấp nhận những điều mà đôi khi không thể kiểm soát được. Ví dụ như lượng mưa, điều kiện thời tiết đều có thể ảnh hưởng đến sản lượng hay kết quả màu nhuộm. Chúng tôi đang nghĩ đến việc sử dụng những công cụ hỗ trợ “low-tech” như quạt gió hay mái che để giữ chất lượng màu nhuộm được đồng nhất.

Bài học lớn nhất khi làm việc với các nghệ nhân là gì?

Các nghệ nhân luôn là những người hướng dẫn đáng tin cậy nhất của chúng tôi, vì họ đã làm việc này từ rất lâu, họ biết tất cả về những đặc tính của tự nhiên, từ cách gieo trồng đến những loại trái cây, thực vật nào sẽ cho ra được màu gì. Họ lại tiếp tục truyền đạt những kiến thức và kinh nghiệm của mình cho thế hệ kế tiếp. Độ tuổi trung bình của các nghệ nhân đang làm việc với chúng tôi là từ 28 đến 60 tuổi. Vì thế chúng tôi càng tin vào sứ mệnh gìn giữ và lưu truyền truyền thống, kỹ thuật thủ công cho những thế hệ sau.

Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận thấy rằng mỗi món đồ thời trang làm ra phải tự nói lên được giá trị và câu chuyện của chúng. Vì thế chúng tôi đang từng bước thay đổi chiến lược merchandising (điều phối hàng hóa). Bên cạnh những trang phục casual hằng ngày, năm ngoái chúng tôi đã bổ sung những trang phục lịch sự để dự tiệc, đồ cưới với những thử nghiệm về phom dáng, kỹ thuật cắt, mô-típ mới khác nhau.

Bạn sẽ cần phải rất kiên trì khi làm thời trang bền vững vì gần như lúc nào bạn cũng phải bơi ngược dòng. Nhưng điều đó hoàn toàn xứng đáng khi bạn nhìn thấy được những tác động tích cực đối với con người, cộng đồng, môi trường và Trái đất.

Chị nghĩ thế nào về việc cân bằng giữa nỗ lực đẩy mạnh phát triển thương hiệu, nhưng đồng thời vẫn kiểm soát để tránh sản xuất và tiêu dùng quá mức?

Với SukkhaCitta, tôi tin rằng cách thương hiệu đang được vận hành chính là cách mà chúng ta nên làm. Quy trình sản xuất chậm, làm việc sát sao với các nghệ nhân luôn giúp chúng tôi gắn liền với thực tế. Chúng tôi vẫn vừa làm, vừa học, vừa đổi mới để khai phá đường đi mới. Chúng tôi phát triển các sản phẩm một cách chiến lược hơn, cân bằng dòng sản phẩm theo mùa và những sản phẩm cố định để luôn bảo đảm được chất lượng cho khách hàng. Đội ngũ nhân viên cũng phải linh động, giỏi ứng phó để luôn tôn trọng thiên nhiên và những người thợ thủ công. Vì thế mà công việc của chúng tôi không bao giờ nhàm chán.

Những kỹ thuật sản xuất vải batik truyền thống được các nghệ nhân thực hiện hoàn toàn bằng tay.

Chị sẽ định nghĩa “thời trang bền vững” như thế nào?

Bền vững không chỉ đến từ nguồn gốc của chất liệu mà bạn sử dụng. Với tôi, phát triển bền vững đồng nghĩa với tính trách nhiệm và hoàn toàn minh bạch về toàn bộ chuỗi sản xuất, nguồn cung của thương hiệu. Minh bạch có nghĩa rằng bạn phải biết được ai trồng những cây bông, ai thu hoạch, ai nhuộm vải, màu nhuộm đến từ đâu… Những câu hỏi thường bị bỏ quên nữa là về điều kiện làm việc của những người thợ, người nhân công; hay những rác thải sản xuất được xử lý như thế nào…

Bản thân tôi cảm thấy mình may mắn khi có những người đồng nghiệp cùng chí hướng, đôi khi khá cứng đầu và không chấp nhận thỏa hiệp. Chúng tôi đang hướng đến năm 2025 sẽ sử dụng 100% cotton tái tạo được trồng bởi những người nông dân hợp tác cùng thương hiệu. Chúng tôi vẫn sử dụng lụa, tencel từ các nhà cung cấp có chứng nhận cho nguồn gốc của nguyên liệu và tất cả đều được nhuộm màu tự nhiên.

Lời khuyên của chị dành cho những NTK trẻ là gì?

Bản thân tôi vẫn đang học hỏi mỗi ngày vì đây là một hành trình thật sự khó khăn. Hãy tập trung vào mục tiêu của bạn, hãy thật tò mò, đặt thật nhiều câu hỏi về mọi thứ. Bạn sẽ cần phải rất kiên trì khi làm thời trang bền vững vì gần như lúc nào bạn cũng phải bơi ngược dòng. Nhưng điều đó hoàn toàn xứng đáng khi bạn nhìn thấy được những tác động tích cực đối với con người, cộng đồng, môi trường và Trái đất. Bạn sẽ không thể quay trở về với cách làm thời trang trước đây. Quan điểm của tôi là khi làm thời trang bền vững bạn cần phải làm đúng theo những tiêu chuẩn và cam kết, không thể tự bằng lòng với điểm ở giữa.

Theo Elle Việt Nam

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version