TikTok chiếm khoảng 99% khí thải carbon liên quan đến trung tâm dữ liệu và lượng khí thải liên quan đến các thiết bị sạc sau khi sử dụng nền tảng. Số lượng người dùng TikTok gia tăng làm dấy nên mối lo ngại về các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường.

TikTok – mạng xã hội được nhiều người sử dụng, ai sẽ ngờ rằng, một ứng dụng giải trí lại có thể góp phần vào sự nóng lên toàn cầu. Cứ mỗi video TikTok bạn xem, bạn đang vô tình “ném” thêm một ít carbon dioxide vào bầu khí quyển.

Cụ thể, theo Greenly, một công ty tư vấn về khí hậu tại Paris (Pháp), mỗi người dùng TikTok trung bình thải ra lượng khí nhà kính tương đương với việc lái ôtô chạy xăng thêm gần 200 km mỗi năm.

Lượng khí thải carbon hàng năm của TikTok có thể vượt qua Hy Lạp, với khoảng 50 triệu tấn CO2e trên toàn cầu. Trong khi lượng khí thải carbon của Hy Lạp trong năm 2023 là 51,67 triệu tấn CO2e (đơn vị đo lường lượng khí nhà kính tương đương với CO2).

Greenly ước tính, người dùng dùng TikTok thải ra 7,6 triệu tấn CO2e tại Mỹ, Anh và Pháp trong năm 2023, cao hơn cả Twitter /X và Snapchat.

TikTok có 1 tỉ người dùng trên toàn thế giới, với lượng khí thải cao hơn cả Instagram, mặc dù Instagram có gấp đôi số lượng người dùng, Greenly cho hay.

Nguyên nhân nằm ở mức độ gây nghiện của nền tảng này. Theo Alexis Normand, CEO của Greenly, thuật toán của TikTok được thiết kế để tối ưu hóa số lượng video người dùng xem, khiến họ bị cuốn theo nhiều video liên tiếp. Điều này không chỉ góp phần vào việc tăng thời gian sử dụng mà còn làm gia tăng lượng khí thải ra môi trường. Trung bình, mỗi người dùng dành 45,5 phút mỗi ngày trên ứng dụng, trong khi của Instagram là 30,6 phút.

TikTok đứng thứ hai (sau Youtube) trong danh sách các mạng xã hội có lượng khí thải tính trên mỗi phút sử dụng cao nhất. Trung bình, mỗi phút trên TikTok thải ra 2,921 gram CO2e, trong khi YouTube là 2,923 gram và Instagram là 2,912 gram.

Với khối lượng nội dung cùng thời gian sử dụng cao hơn các nền tảng khác, người dùng TikTok tạo ra lượng khí thải mỗi năm cao nhất (48,49 kg CO2e/người), trong khi của Youtube là 40,17 kg và của Instagram là 32,52 kg.

Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), những con số này tương đương với lượng khí thải của một chiếc xe xăng chạy 198 km (TikTok), 164 km (YouTube) và 133 km (Instagram).

Mặt khác, trong khi những gã công nghệ khổng lồ như Meta và Google phát hành các báo cáo chi tiết cho Dự án công bố carbon (CDP) hàng năm, TikTok lại kém minh bạch trong việc công khai số liệu liên quan đến khí thải. TikTok hiện chưa có báo cáo công khai nào về vấn đề này.

Từ năm 2023, TikTok đã cam kết đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2030 thông qua dự án “Project Clover”. Tuy nhiên cho đến nay, chỉ có một trung tâm dữ liệu hoàn toàn chạy bằng năng lượng tái tạo được xây dựng tại Na Uy, với chi phí 12 tỉ euro.

TikTok hiện vẫn chưa đưa ra phản hồi về những vấn đề nêu trên.

Nguồn: KTSG Online

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version