Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong phát triển du lịch xanh, tuy nhiên để phát triển bền vững, cần phải triển khai đồng bộ các chính sách, chiến lược theo đúng tiêu chuẩn du lịch xanh của toàn cầu.
Cần sớm có bộ tiêu chí du lịch xanh cụ thể
Tại diễn đàn “Phát triển du lịch xanh Việt Nam năm 2023” với chủ đề “Tăng trưởng xanh và bền vững” diễn ra vào chiều 17/11 do tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phối hợp với Báo Văn hóa, Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm tổ chức, nhiều chuyên gia, đơn vị, doanh nghiệp đã đưa nhiều giải pháp để phát triển du lịch xanh bền vững tại Việt Nam.
Theo các ý kiến, mặc dù các chính sách, chiến lược, quy hoạch, định hướng phát triển du lịch của Chính phủ đều đang hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững, phát triển du lịch xanh gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên, tuy nhiên các tiêu chí, quy định về du lịch xanh vẫn chưa được ban hành để các tỉnh, thành triển khai phát triển các sản phẩm du lịch xanh.
Là tỉnh đang hướng đến phát triển du lịch xanh nhưng vẫn còn băn khoăn về nội dung của các tiêu chí du lịch xanh ra sao, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, phát triển du lịch xanh, tăng trưởng xanh đang là một xu thế, là cơ hội và cũng là thách thức đối với các tỉnh, thành phố trên cả nước nói chung và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng. Tuy nhiên hiện nay, các bộ, ban, ngành trung ương chưa ban hành tiêu chí xác định các sản phẩm du lịch xanh ra sao, triển khai du lịch xanh như thế nào nên tỉnh vẫn đang chờ các quy định này để thực hiện. Sau khi có các tiêu chí cụ thể, tỉnh sẽ có căn cứ để bám theo kêu gọi đầu tư, phát triển sản phẩm, xây dựng cơ sở vật chất…
Trong khi đó, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho biết, hiện nay, việc phát triển du lịch xanh tại Việt Nam đã bắt đầu được triển khai ở một số tỉnh, thành phố, tuy nhiên trong quá trình triển khai còn gặp phải những tồn tại, bất cập như: khai thác, sử dụng tài nguyên du lịch ở một số địa phương còn diễn ra tự phát, thiếu hợp lý, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên và môi trường. Thậm chí, nhiều nơi tài nguyên bị xâm hại nghiêm trọng do sự gia tăng nhanh chóng lượng khách du lịch, vượt quá sức chứa của điểm đến, gây ra tình trạng vỡ trận ở nhiều khu du lịch trọng điểm như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng… Chưa kể, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch vẫn lệ thuộc và chủ yếu sử dụng năng lượng, nhiên liệu hóa thạch, chưa có biện pháp tích cực để sử dụng các nguồn năng lượng thay thế, nhiên liệu sạch, vật liệu mới…
“Tại một số địa phương, nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch, đặc biệt là các cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống chưa có biện pháp tích cực để xử lý rác thải, nước thải, tái chế, tái sử dụng; tình trạng rác thải vẫn trực tiếp thải ra môi trường tự nhiên. Ở góc độ du khách, ý thức, trách nhiệm của một bộ phận khách du lịch, cộng đồng dân cư ở các khu, điểm du lịch chưa cao, vẫn còn tình trạng xả rác bừa bãi, không có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, ý thức bảo vệ môi trường, cảnh quan…”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm.
Hình thành chuỗi giá trị phát triển bền vững
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Ý Yên, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết, du lịch xanh đã và đang trở thành một xu thế tất yếu của ngành du lịch Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung, đòi hỏi tất cả phải nhanh chóng hoạch định chiến lược đúng đắn, đồng bộ ở tầm vĩ mô và vi mô.
Đối với doanh nghiệp, Saigontourist quan tâm đến tiêu chí hình thành chuỗi giá trị bền vững cho các bên, tạo gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp – khách hàng – đối tác cung ứng dịch vụ – cộng đồng địa phương. Trong chuỗi liên kết này, tất cả các bên cùng hưởng lợi ích lâu dài trong khai thác tiềm năng du lịch, bảo tồn thiên nhiên và văn hoá bản địa, nâng cao kinh tế và tạo sự ổn định lâu dài trong cuộc sống của người dân địa phương.
Do đó, du lịch xanh đối với doanh nghiệp là phải đẩy mạnh hoạt động liên kết, hợp tác giữa các công ty lữ hành với các đơn vị cung ứng dịch vụ và các ban ngành tại địa phương. Theo ông Nguyễn Hữu Ý Yên, điều này sẽ tạo thuận lợi lớn trong hoạch định chiến lược phát triển hạ tầng, khai thác dịch vụ du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng và khai thác các thế mạnh du lịch của từng địa phương.
“Do đó, muốn phát triển du lịch xanh tại Việt Nam, rất cần có sự quyết tâm, đồng lòng của toàn thể các nhà quản lý, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội chung tay thực hiện”, ông Nguyễn Hữu Ý Yên đề xuất thêm.
Ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, Chính phủ, các bộ, ban ngành, đơn vị, các địa phương khá quan tâm đến phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững. Thực tế, xu hướng du lịch này đang ngày càng được du khách quốc tế coi trọng khi lựa chọn điểm đến và sản phẩm du lịch tại Việt Nam.
“Vừa qua, Bộ cũng đã có những kiến nghị Chính phủ sớm xây dựng các tiêu chí, chính sách cụ thể để phát triển du lịch xanh tại Việt Nam. Trong đó, du lịch xanh sẽ phải gắn với các công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc và mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước”, ông Hoàng Đạo Cương cho biết thêm.
Nguồn: Baotintuc.vn