Theo chuyên gia, các cơ chế tài chính sáng tạo đóng vai trò quan trọng để vượt qua thách thức về ô nhiễm nhựa. Huy động nguồn lực và tận dụng các công cụ như trái phiếu dựa trên kết quả, tín chỉ nhựa và quan hệ hợp tác công tư có thể mở khóa nguồn vốn cần thiết để chuyển đổi hệ thống quản lý chất thải.

Ngày 12/12, tại Hà Nôi đã diễn ra hội thảo “Huy động tài chính cho giải pháp ô nhiễm nhựa tại Việt Nam: Từ lý thuyết đến thực thi”. Hội thảo do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) thông qua Chương trình Đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP) Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức.

Việt Nam đã chủ động giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa

Phát biểu tại sự kiện, ông Lê Ngọc Tuấn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, trong nỗ lực nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa, những năm qua, các cơ quan chính phủ Việt Nam, các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với các đối tác quốc tế và các doanh nghiệp triển khai các chương trình, dự án nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa.

Nhờ những nỗ lực phối hợp đồng bộ và quyết liệt đó, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong quá trình giảm thiểu ô nhiễm nhựa và từng bước cải thiện hình ảnh quốc gia, đưa tên ra khỏi danh sách các quốc gia gây ô nhiễm nhựa hàng đầu trên thế giới.

Đại diện các tổ chức tham sự hội thảo.

Nhận xét về những nỗ lực của Việt Nam, ông Patrick Haverman – Phó đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhận định, Việt Nam đã chủ động giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa và nền kinh tế tuần hoàn mang đến cơ hội quan trọng để phát huy tiến trình này. Việc chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn giúp Việt Nam vượt qua các hoạt động không bền vững, nâng cao năng suất và thúc đẩy khả năng cạnh tranh.

Theo ông Patrick Haverman, Phiên đàm phán của Uỷ ban Liên chính phủ lần thứ năm (INC-5) về Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa vừa kết thúc đã đạt được một số bước tiến đáng kể để hướng tới một thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa mang tính ràng buộc về mặt pháp lý.

Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức lớn cần vượt qua, đặc biệt là trong việc xây dựng các cơ chế tài chính công bằng và huy động nguồn lực hiệu quả để giải quyết ô nhiễm nhựa tại Việt Nam.

“Hơn thế nữa, chúng ta cần đảm bảo một lộ trình tài chính rõ ràng, lồng ghép các cam kết của Thỏa thuận vào kế hoạch chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn nhựa của quốc gia”- ông Patrick Haverman nhấn mạnh.

Các cơ chế tài chính sáng tạo là chìa khóa để vượt thách thức về ô nhiễm nhựa

Theo báo cáo Kịch bản chính sách nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa đến năm 2040 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), việc chấm dứt ô nhiễm nhựa đòi hỏi sự huy động nguồn tài chính lớn. Nhu cầu đầu tư toàn cầu để quản lý chất thải nhựa được dự báo sẽ đạt khoảng 2,1 nghìn tỷ USD trong giai đoạn từ 2020 đến 2040.

“Ở Việt Nam, việc đầu tư cho các hoạt động triển khai các chính sách giảm thiểu ô nhiễm nhựa, kết hợp áp dụng các mô hình tuần hoàn nhựa, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của ngành sản xuất được dự kiến là một con số rất lớn. Do đó, Việt Nam cần tích cực chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của Chương trình NPAP, góp phần thực hiện Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa để đóng góp chung vào nỗ lực xây dựng tương lai bền vững hơn cho nhân loại”- Lê Ngọc Tuấn chia sẻ.

TS. Muthukumara S. Mani- Chuyên gia trưởng về kinh tế môi trường và biến đổi khí hậu khu vực Đông Nam Á của WB phát biểu tại sự kiện.

Theo TS. Muthukumara S. Mani – Chuyên gia trưởng về kinh tế môi trường và biến đổi khí hậu khu vực Đông Nam Á của WB, trên toàn cầu, tình trạng thiếu hụt tài chính cho nền kinh tế tuần hoàn dự kiến ​​sẽ dao động từ 426 tỷ USD đến 1,2 nghìn tỷ USD vào năm 2040.

Riêng với Việt Nam, khoảng cách tài chính này được ước tính ở mức 28- 40 USD/tấn nhựa thu gom và 24- 40 USD/tấn nhựa tái chế.

TS. Muthukumara S. Mani nhấn mạnh: “Các cơ chế tài chính sáng tạo đóng vai trò quan trọng để vượt qua thách thức về ô nhiễm nhựa. Huy động nguồn lực và tận dụng các công cụ như trái phiếu dựa trên kết quả, tín chỉ nhựa, và quan hệ hợp tác công tư có thể mở khóa nguồn vốn cần thiết để chuyển đổi hệ thống quản lý chất thải”.

Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2024 tổ chức ngày 10/12, đã nêu bật cam kết của Việt Nam đối với nền kinh tế tuần hoàn, trong đó nhựa được xác định là một lĩnh vực ưu tiên.

Tuy nhiên, việc thúc đẩy hành động về nhựa trong khuôn khổ nền kinh tế tuần hoàn đòi hỏi sự hỗ trợ tài chính đáng kể. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến đầu năm 2024, tín dụng xanh chưa thanh toán chỉ chiếm 4,5% tổng tín dụng ngân hàng tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia, để kích thích tài trợ bền vững cho các sáng kiến ​​liên quan đến nhựa, điều cần thiết là phải áp dụng một cách tiếp cận toàn diện bằng cách thiết lập các hướng dẫn rõ ràng, tăng cường khuôn khổ pháp lý, đưa ra các ưu đãi hỗ trợ và tăng cường quan hệ đối tác quốc tế để mở ra các cơ hội tài trợ đa dạng và thúc đẩy đổi mới trong các giải pháp tuần hoàn.

Theo Thời Báo Tài Chính Việt Nam

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version