Thời trang bền vững đang là xu hướng được rất nhiều nhà thiết kế quan tâm, theo đuổi.
Tuy nhiên rất khó để tạo nên một “đế chế” trung thành, bền bỉ với những tiêu chuẩn nghiêm ngặt bảo vệ động vật, bảo vệ môi trường như cách mà Stella McCartney đã làm.
Stella McCartney sinh năm 1971, là con gái của Paul McCartney – thành viên ban nhạc huyền thoại The Beatles và Linda McCartney – nhiếp ảnh gia, nhà hoạt động xã hội, bảo vệ quyền động vật nổi tiếng. Được xem là “sinh ra từ vạch đích” nhưng đối với Stella McCartney, “gia tài” giá trị mà cô được thừa hưởng từ cha mẹ mình đó là tầm nhìn, trách nhiệm với môi trường, với tương lai cùng sự phát triển bền vững. Điều này đã trở thành tôn chỉ mà Stella theo đuổi từ khi còn là một cô bé mày mò tự may cho mình những chiếc áo đầu tiên, cho đến lúc gây dựng được tên tuổi trong làng thời trang thế giới.
Sự khác biệt của Stella McCartney nằm ở chỗ, cô tìm ra cách phát triển, tôn vinh dòng thời trang cao cấp, sành điệu, đẳng cấp mà không đi ngược lại với những tiêu chuẩn đạo đức, xu hướng sống bền vững. Kể từ khi ra mắt nhãn hiệu mang tên mình vào năm 2001, Stella McCartney đã tạo ra những bộ trang phục cao cấp tôn vinh vẻ đẹp nữ tính hiện đại, trở thành sự lựa chọn của đông đảo người nổi tiếng mà không phải sử dụng đến những chất liệu vốn được coi là không thể thiếu đối với dòng sản phẩm này như da, lông vũ, lông thú…
Hơn hai thập kỷ sau, Stella McCartney vẫn kiên định theo đuổi hướng đi này. Cô liên tục cho ra mắt những trang phục với đường may sắc sảo, đường nét tối giản và tính thẩm mỹ táo bạo mà vẫn thân thiện với môi trường. Stella cũng là người tiên phong hợp tác với các công ty khởi nghiệp để tìm tòi, phát triển các vật liệu bền vững, nhân đạo với động vật như da làm từ nho, vải rayon thân thiện với rừng hay cashmere tái chế. Những chất liệu này chiếm tới 90% trong hai bộ sưu tập gần đây của thương hiệu Stella McCartney.
Theo thống kê từ Tạp chí Time, khoảng 60% quần áo bị đưa vào bãi rác hoặc xử lý tiêu hủy trong vòng một năm kể từ khi sản xuất – tương đương với một xe tải quần áo đã qua sử dụng bị thải loại mỗi giây. Thời trang nhanh, giá rẻ, dễ tiếp cận được cho là một trong những nguyên nhân gây suy thoái môi trường. Nhưng các thương hiệu cao cấp cũng không phải là ngoại lệ. Hàng năm, ngành công nghiệp da toàn cầu – nguồn cung cấp nguyên liệu cho các nhà mốt cao cấp – tham gia vào việc giết mổ hơn một tỷ động vật. Công nhân thuộc da cũng thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất độc hại.
Thời trang thuần chay có thể không gây hại cho động vật, nhưng nó vẫn không có nghĩa là hoàn toàn vô hại đối với Mẹ Thiên nhiên. Hầu hết da thuần chay được làm từ polyurethane (PU) hoặc polyvinyl clorua (PVC), có thể giải phóng vi nhựa vào môi trường. Nhóm nghiên cứu của Stella McCartney hy vọng sẽ giảm thiểu những tác động như vậy bằng cách hợp tác chặt chẽ với các công ty khởi nghiệp để tìm ra các giải pháp thay thế “xanh” hơn mà vẫn có thể có được những chất liệu sánh ngang với chất lượng và độ bền của da. Đây là một quá trình hết sức phức tạp, tốn kém và kéo dài. Nhà thiết kế cho biết, một phần chính của công việc là truyền đạt nhu cầu của họ và phối hợp chặt chẽ với các nhà khoa học vốn không thực sự quen thuộc với những quy cách vận hành của ngành công nghiệp thời trang. Khi nhóm Stella McCartney lần đầu tiên gặp Natural Fiber Welding, công ty sản xuất mirum – một loại da thay thế có nguồn gốc thực vật, không chứa nhựa, hoàn toàn hữu cơ vào tháng 3/2022 – chất liệu này quá dày cho việc thiết kế các sản phẩm thời trang nhưng dần dần, Stella đã tìm ra cách xử lý để có những lựa chọn linh hoạt hơn.
Trả lời phỏng vấn với tờ Atmos, Stella McCartney chia sẻ thêm về nhiều thách thức khi theo đuổi thời trang bền vững mà không phải thỏa hiệp, không phải giới hạn những đam mê của mình. Về mặt sáng tạo, nhà thiết kế này cho rằng, việc bị bó hẹp nguồn nguyên liệu khiến cô phải nỗ lực rất nhiều trong khi có rất ít sự lựa chọn theo đúng tiêu chuẩn đạo đức, nghề nghiệp mà mình theo đuổi. Nhưng chính sự hạn chế này lại đánh thức khát khao khám phá, tìm tòi, không lùi bước. Mỗi lần Stella McCartney giới thiệu bộ sưu tập mới, đó luôn là sự kiện đáng chú ý của làng thời trang thế giới và cả những người hoạt động xã hội, quan tâm đến các vấn đề nóng hổi về biến đổi khí hậu, môi trường, chất lượng và các giá trị đạo đức, bền vững trong cuộc sống.
Trong chiến dịch thời trang năm 2024, Stella McCartney đã thực hiện bộ sưu tập bền vững từ trước đến nay với ước tính tới 95% chất liệu thân thiện với môi trường. Siêu mẫu Cara Delevingne được lựa chọn làm gương mặt đại diện cho chiến dịch. Địa điểm chụp hình tại một nhà máy tái chế Veolia ở Nam London (Anh) nhằm truyền đi thông điệp về tác động tàn phá của thời trang nhanh, làm nổi bật tiềm năng vô hạn của nền kinh tế tuần hoàn. Những bức ảnh cũng gửi đi một thông điệp mạnh mẽ trước cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay và truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta mua sắm ít hơn và tốt hơn.
(Theo The Glossary)
Theo Time và Atmos