Việt Nam đang xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon để thí điểm vào năm 2025, tiến tới vận hành chính thức vào năm 2028.
Sáng 28-11, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tọa đàm Tín chỉ Carbon – Chìa khóa chuyển đổi sang một thế giới phát thải ròng bằng 0.
Tín chỉ carbon là một hàng hóa có thể giao dịch được. Khi các công ty sản xuất dưới mức tín chỉ carbon cho phép, có thể đem bán phần dư cho các công ty khác đang cần.
Ông Nguyễn Võ Trường An – phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN – cho rằng mô hình tín chỉ carbon sẽ khuyến khích các quốc gia tăng cường trồng và bảo vệ rừng; các doanh nghiệp sẽ hạn chế lượng khí thải phát ra nếu muốn bảo toàn lợi nhuận và tăng lợi nhuận khi phát thải ít.
Ông An cho biết Chính phủ cũng vừa ban hành nghị định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Trong đó, nghị định quy định cụ thể lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước.
Hiện các đơn vị đang xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon, thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng.
Năm 2025, Việt Nam sẽ thành lập và vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon để đến năm 2028 vận hành chính thức.
Nhân dịp này, Trung ương Đoàn đã ra mắt bản đồ số Vì một Việt Nam xanh. Bản đồ cung cấp các thông tin về rừng, kết quả triển khai chương trình Vì một Việt Nam xanh, chương trình Chung tay phủ xanh Việt Nam.
Trung ương Đoàn cũng tổng kết chương trình Triệu cây xanh – Vì một Việt Nam xanh năm 2023. 3 năm qua, chương trình đã thúc đẩy trồng 191.000 cây xanh rừng đầu nguồn tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Thuận và Bình Định.
Theo Tuổi trẻ