Mô hình “Trường học giảm nhựa” giúp nâng cao nhận thức của học sinh về tác động của rác thải nhựa và truyền thông thay đổi hành vi hướng tới từ chối, tiết giảm, tái sử dụng, tái chế rác thải và sống xanh; cải thiện công tác quản lý chất thải rắn trong trường học…

Ngày 27/9, Dự án Huế – Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam (Dự án TVA), với sự tài trợ của WWF-Na Uy thông qua Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) và được tiếp nhận bởi UBND TP. Huế phối hợp với Phòng GD&ĐT TP. Huế tổ chức Tổng kết mô hình “Trường học giảm nhựa” năm 2022 – 2024 và trao giải cuộc thi xây dựng bài giảng điện tử tích hợp chủ đề ô nhiễm rác thải nhựa năm 2024.

Tổng kết mô hình “Trường học giảm nhựa” và trao giải cuộc thi xây dựng bài giảng điện tử tích hợp chủ đề ô nhiễm rác thải nhựa năm 2024

Theo nghiên cứu của WWF-Việt Nam, trong năm 2021, các trường học trên địa bàn TP. Huế thải ra khoảng 7 tấn rác/ngày, trong đó có 7 % (tương đương khoảng 0.48 tấn/ngày) là rác thải nhựa. Trong số rác nhựa này, chỉ có 10.4 % là không tái chế được, còn lại đều có tiềm năng tái chế dù giá trị thấp. Nhận thức được điều này, Dự án TVA xác định học sinh Tiểu học và THCS là các đối tượng ưu tiên triển khai các hoạt động giáo dục giảm nhựa để hình thành thói quen và hành vi giảm nhựa từ khi các em còn nhỏ và từ đó lan tỏa ra cộng đồng và gia đình.

Trong năm 2022 -2024, Dự án TVA đã phối hợp với Phòng GD&ĐT TP. Huế và các trường tiểu học, THCS trên địa bàn các phường/xã tham gia dự án triển khai các mô hình trường học giảm thiểu rác thải nhựa và các hoạt động giáo dục để nâng cao nhận thức của học sinh và cán bộ giáo viên về tác động của rác thải nhựa. Hoạt động đã lan tỏa đến 51 trường Tiểu học và THCS với sự tham gia của hơn 155.000 người tham gia bao gồm cả giáo viên và học sinh. Hoạt động được thực hiện đa dạng, bao gồm chính khóa như tiết dạy lồng ghép nội dung rác thải nhựa và nhiều hoạt động ngoại khoá khác như: Kiểm toán rác thải, trải nghiệm một ngày làm công nhân, sinh hoạt dưới cờ, vẽ tranh, ngày hội sống xanh…

Mô hình “Ngôi nhà xanh thu gom phế liệu” ở nhiều trường học tại Huế để thúc đẩy phân loại rác và gia tăng tỷ lệ tái chế rác thải

Mô hình “Trường học giảm nhựa” được triển khai hướng đến 3 mục tiêu chính: Nâng cao nhận thức của các em học sinh về tác động của rác thải nhựa và truyền thông thay đổi hành vi hướng tới từ chối, tiết giảm, tái sử dụng, tái chế rác thải và sống xanh; Phát triển sự hiểu biết và kỹ năng mềm về hoạt động nhóm, tự học, nghiên cứu sáng tạo, thuyết trình liên quan đến ý thức môi trường cho học sinh; cải thiện công tác quản lý chất thải rắn trong trường học, gia tăng tỷ lệ tái chế rác thải và giảm thiểu lượng rác chuyển về các bãi chôn lấp.

Nhằm thúc đẩy sự sáng tạo của giáo viên khi lồng ghép những nội dung liên quan đến phân loại rác tại nguồn và giảm thiểu rác thải nhựa trong quá trình dạy học, đồng thời tạo ra một kho tài liệu giảng dạy để các giáo viên cùng tham khảo, trong tháng 8/2024, Dự án TVA đã phối hợp với Phòng GD&ĐT TP. Huế phát động cuộc thi “Xây dựng bài giảng điện tử tích hợp chủ đề giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa”. Cuộc thi đã thu hút sự tham gia nhiệt tình của giáo viên tại 161 trường học trên địa bàn thành phố, trong đó: Khối tiểu học 42 trường với 84 bài (52 %), Khối THCS 71 trường với 77 bài dự thi (48 %). Tại sự kiện, Ban tổ chức đã trao tặng 32 giải cá nhân và 6 giải tập thể xuất sắc nhất.

Học sinh ở TP. Huế trải nghiệm một ngày làm công nhân vệ sinh môi trường

Bà Hoàng Ngọc Tường Vân, Giám đốc Dự án Huế – Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam cho rằng, mô hình “Trường học giảm nhựa” hướng đến thay đổi nhận thức và hành vi của các em học sinh cũng như thầy cô giáo, phụ huynh học sinh, góp phần xây dựng một không gian học tập xanh, giảm thiểu rác thải nhựa. Từ đó giúp các em học sinh hiểu được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường qua những việc làm nhỏ nhất. Các hành động thiết thực trên sẽ góp phần xây dựng TP. Huế xanh, sạch, sáng và bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta khỏi vấn nạn ô nhiễm rác nhựa…

Theo baotainguyenmoitruong.vn

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version