Ngày 22/10, tại Hà Nội, diễn ra Lễ trao giải cuộc thi “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024”. Sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng trong hành trình tìm kiếm và thúc đẩy các giải pháp sáng tạo trong chuỗi giá trị tuần hoàn nhựa.
Sự kiện do Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Unilever Việt Nam, Hiệp Hội Doanh nghiệp Anh tại Việt Nam (BritCham) và Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF) tổ chức, nhằm tìm kiếm và thúc đẩy các giải pháp đổi mới, sáng tạo trong chuỗi giá trị tuần hoàn nhựa, chú trọng các giải pháp mới, sáng tạo trong việc thúc đẩy năng lực thu gom, phân loại và tái chế bao bì nhựa, đặc biệt là bao bì nhựa mềm.
Lễ trao giải có sự tham gia của hơn 300 đại biểu đến từ các Bộ, ngành, doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, cộng đồng khởi nghiệp và học sinh – sinh viên. Đây là dịp để tôn vinh các tác giả đã có các giải pháp tiên phong mang tính đột phá trong việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa, đặc biệt là bao bì nhựa mềm – loại nhựa chiếm tỷ lệ lớn trong lượng rác thải hàng ngày nhưng chưa được xử lý hiệu quả.
Ông Lê Công Thành – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, ô nhiễm nhựa, đặc biệt là ô nhiễm “trắng” do nhựa dùng một lần gây ra, đang là thách thức lớn đối với xã hội. Rác thải nhựa có ở nhiều nơi, đang tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống người dân ở đô thị đến vùng nông thôn và cả đại dương, rác thải nhựa tác động tiêu cực đến động vật hoang dã, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Điều này đòi hỏi chúng ta cần hành động kịp thời, quyết liệt để giảm thiểu tác động xấu.
Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều hoạt động giảm thiểu, chống ô nhiễm rác thải nhựa; chúng ta đang tích cực tham gia các cuộc thảo luận về thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, dự kiến sẽ thông qua vào cuối năm nay tại Hàn Quốc. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), quy định này đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Đây là bước tiến quan trọng của chính sách môi trường Việt Nam nhằm yêu cầu các nhà sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm thu gom và tái chế, xử lý các sản phẩm, bao bì của mình sau khi người tiêu dùng thải bỏ. Trong đó có sản phẩm, bao bì nhựa. Việc thực hiện nghiêm túc EPR sẽ góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế trong nước phát triển, giảm dần phụ thuộc vào nguồn phế liệu nhập khẩu, tạo điều kiện xây dựng một hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn, trong đó các tài nguyên được sử dụng một cách hiệu quả, không bị lãng phí.
Cuộc thi “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024″ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển các công nghệ mới, cải tiến chuỗi giá trị tuần hoàn và khuyến khích người tiêu dùng tham gia vào các hoạt động bền vững. Kết quả của các đội thi không chỉ thúc đẩy lĩnh vực quản lý rác thải nhựa, còn truyền cảm hứng cho cộng đồng cùng tham gia vào cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa. Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường cho biết.
Sau hơn 5 tháng tổ chức, Cuộc thi đã nhận được sự tham gia của hơn 1,000 cá nhân và tổ chức từ nhiều lĩnh vực khác nhau, thu hút gần 100 đề xuất giải pháp, ý tưởng đột phá, các giải pháp giúp nâng cao hiệu quả xử lý rác thải nhựa, giúp tăng cường nhận thức cộng đồng về sự cấp thiết của vấn đề này.
Để đảm bảo tính khách quan và chuyên môn cao, Cuộc thi quy tụ đội ngũ giám khảo uy tín, gồm các chuyên gia đầu ngành về môi trường và tái chế. Sau khi hoàn tất quá trình đánh giá, các dự án và ý tưởng xuất sắc nhất được vinh danh với những giải thưởng giá trị, khuyến khích sự đổi mới và phát triển trong chuỗi giá trị tuần hoàn nhựa. Hội đồng giám khảo đã lần lượt lựa chọn ra Top 80, Top 50, Top 20 và Top 5 cuộc thi dựa trên hai nội dung: Bảng Ý tưởng đổi mới sáng tạo tập trung vào các sáng kiến, mô hình và giải pháp mới và sáng tạo đang trong quá trình phát triển thành các sản phẩm cụ thể và đang cần hỗ trợ để đưa sản phẩm ra thị trường. Bảng Giải pháp triển vọng tập trung vào các giải pháp đã có sản phẩm cụ thể và đã ra mắt thị trường, đang có tiềm năng mở rộng và cần sự hỗ trợ để phát triển tại thị trường Việt Nam.
Giải thưởng dành cho các tác giả tham dự Cuộc thi năm 2024 gồm: Ở Bảng Giải Pháp Triển Vọng giải thưởng gồm: Giải Pháp Đột Phá trị giá 200.000.000 VNĐ; Giải Pháp Đổi Mới: 100.000.000 VNĐ; Giải Pháp Nổi Bật: 50.000.000 VNĐ. Khung giải thưởng ở Bảng Ý Tưởng Đổi Mới Sáng Tạo gồm: Ý Tưởng sáng tạo vượt trội, trị giá 50.000.000 VNĐ; Sáng kiến được yêu thích nhất, trị giá 30.000.000 VNĐ.
Những giải pháp được trao giải và vinh danh không chỉ mang tính ứng dụng cao mà còn thể hiện tầm nhìn dài hạn trong việc xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn, không chỉ cân nhắc về lợi ích kinh tế mà còn đảm bảo các yếu tố tác động xã hội và môi trường bền vững. Các đội thắng giải sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các đối tác chiến lược của chương trình như Unilever Việt Nam, Standard Chartered Ventures và Văn phòng Hội đồng EPR Quốc gia. Sự hợp tác này sẽ giúp các đội hoàn thiện và thương mại hóa giải pháp, đồng thời mở rộng quy mô ứng dụng trong thực tế.
Cuộc thi “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa” là cơ hội để các nhà khởi nghiệp và doanh nghiệp giới thiệu các sáng kiến mới, là nền tảng để kết nối, thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư và các tổ chức quốc tế, góp phần thúc đẩy một nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững tại Việt Nam./.
Theo Đảng Cộng Sản