Tại cuộc thi Design Factory do ReThink Plastic Vietnam tổ chức, sinh viên đã có cơ hội trình bày những giải pháp để góp phần giải quyết vấn đề rác thải nhựa.
Các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa như sử dụng ống hút làm từ cỏ, hoặc chung tay dọn dẹp các bãi biển ngày càng trở nên quen thuộc. Tuy mang lại hiệu quả, những biện pháp này vẫn chỉ dừng ở mức tạm thời. Theo các chuyên gia tại ReThink Plastic Vietnam, chúng ta vẫn cần nhiều ý tưởng táo bạo và sâu sắc hơn để tìm ra nguyên nhân gốc rễ và giải quyết vấn đề.
Với ý tưởng đó, ReThink Plastic Việt Nam đã đứng ra tổ thức Design Factory – một cuộc thi học thuật về thiết kế các giải pháp thực tiễn nhằm giải quyết vấn đề rác thải nhựa.
Sinh viên từ các trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm Đại học RMIT Việt Nam, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh/ Viện Đào Tạo Quốc Tế (UEH/ISB), Đại học Tôn Đức Thắng (TĐT), và Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh (HCMUT), đã được mời tham gia cuộc thi Design Factory, với mục tiêu chung là “thiết kế giải pháp loại trừ rác thải nhựa”.
Sau 6 tháng thi đấu, 16 đội lọt vào vòng chung kết đã được huấn luyện bởi các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực, hoặc bởi đại diện của các trường đại học. Trong Đêm Chung Kết vào ngày 18/03, các đội đã có cơ hội trình bày ý tưởng trước hội đồng ban giám khảo, sinh viên và công chúng. Các đội chiến thắng cũng đã được công bố ngay trong đêm hôm đó.
Các đội tham gia đã thỏa sức sáng tạo với nhiều thiết kế đột phá, tạo ra những sản phẩm có tính ứng dụng cao và thân thiện với môi trường. | Nguồn: Tín Phùng cho Vietcetera
Để định hướng chính sách cho cuộc thi, những người phụ trách tổ chức cuộc thi đã nhờ đến sự hỗ trợ từ Hà Lan – quốc gia sớm nhìn nhận tiềm năng của nền kinh tế tuần hoàn (circular economy). Tiến sĩ Carel Richter – Tổng lãnh sự Hà Lan tại Việt Nam kiêm một trong những giám khảo của cuộc thi, đã đề cập đến tính cấp thiết của vấn đề, và vai trò của ngành thiết kế trong cam kết đảm bảo phát triển hoàn toàn nền kinh tế tuần hoàn vào năm 2050.
Các đội chiến thắng sẽ tiếp tục chuẩn bị cho hội thảo bootcamp, nhằm hiện thực hóa ý tưởng của họ thành các mô hình kinh doanh khả thi.
Tiến sĩ Carel Richter – Tổng lãnh sự Hà Lan tại Việt Nam kiêm một trong những giám khảo của cuộc thi, đã đề cập đến tính cấp thiết của vấn đề, và vai trò của ngành thiết kế trong cam kết đảm bảo phát triển hoàn toàn nền kinh tế tuần hoàn vào năm 2050. | Nguồn: Tín Phùng cho Vietcetera
Từ những giải pháp ấn tượng nhất
Thông qua bình chọn trực tuyến, 31% phiếu bầu của khán giả đã thuộc về “Infinity Rollers Plastic Savior” – một dự án đầy triển vọng và có khả năng tạo tác động lớn của nhóm Tensai (TĐT). Sau khi các chuyên gia cân nhắc nhiều yếu tố khác như tính khả thi và khả năng triển khai trên thị trường, một trong 3 giải thưởng của ban giám khảo cũng được trao cho Tensai.
Về dự án, Tensai đã đề xuất tạo ra hệ thống con lăn phân chia làn đường nội ô thành phố từ cao su HDPE và EPDM đã qua tái chế, hỗ trợ đưa phương tiện giao thông trở lại đường một cách an toàn trong trường hợp xảy ra va chạm.
Tại Việt Nam, chấn thương do tai nạn giao thông đường bộ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho những người trong độ tuổi 15-29. Do đó, ý tưởng của Tensai không những khả thi, mà còn góp phần giải quyết một vấn đề cấp bách khác trong xã hội. Chị Quỳnh Nguyễn đến từ Lại Đây Refill Station – một thành viên trong ban giám khảo, đã khen ngợi triển vọng của dự án khi trao giải.
Nhóm 3T (Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh) – chủ nhân của dự án “Solve the Pen-demic”, đã giành giải thưởng ban giám khảo. | Nguồn: Tín Phùng cho Vietcetera
Giải thưởng ban giám khảo thứ hai thuộc về dự án “Solve the Pen-demic” của nhóm 3T (UEH). Đối với dự án này, nhóm đã đề xuất lắp đặt các điểm thu thập và phân loại bút nhựa tại các trường học, văn phòng và nhiều địa điểm công cộng khác. Nhựa sau đó sẽ được nấu chảy để tạo thành các loại bàn ghế nhiều màu sắc và vững chãi, cung cấp cho các trường học với khả năng kinh tế eo hẹp tại nhiều tỉnh thành Việt Nam.
Giải thưởng ban giám khảo cuối cùng thuộc về ý tưởng của nhóm Green Dreamer (UEH), nhằm biến chất thải polystyrene (EPS) thành chất hấp thụ dầu và thuốc nhuộm để giải quyết sự cố tràn dầu, đồng thời cũng là một giải pháp xử lý nước thải. Thành viên ban giám khảo Alex Huỳnh thuộc Phoenix Holdings – một công ty đầu tư, sở hữu lợi tức kinh doanh tại chuỗi nhà hàng McDonald’s tại Việt Nam và chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-11, đã khen ngợi nỗ lực của nhóm và “ngỏ lời” về khả năng hợp tác trong tương lai.
Cho đến tư duy giải quyết vấn đề đa chiều của người trẻ
Trong số các bài dự thi lọt vào vòng chung kết, có rất nhiều sáng kiến nổi trội như: từ tính hóa chai nhựa có thành phần kim loại, giúp công nhân vệ sinh phân loại rác một cách thuận lợi (UEH); tạo ra túi mua sắm từ khoai mì (UEH); sản xuất đồ dùng sử dụng trong các bữa tiệc từ nhựa tái chế, đồng thời tạo điều kiện việc làm cho công nhân tay nghề thấp với công việc này (RMIT); bốt thời trang sử dụng gót nhựa có thể thay thế (RMIT); tạo ra bóng đèn LED từ các thành phần tái chế, có khả năng tái sử dụng và người dùng có thể tự thay thế dễ dàng (HCMUT).
Ngoài ra, một nhóm thuộc Đại học RMIT Việt Nam đã đưa ra ý tưởng về giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa tại các cửa hàng tiện lợi: bằng dịch vụ giặt giũ thân thiện với môi trường cùng nhiều ưu đãi “xanh” cho khách hàng.
Một vài nhóm khác đã tập trung vào ngành may mặc – một trong số những ngành công nghiệp gây ô nhiễm trên diện rộng. Kế hoạch kinh doanh Re:clothes (thuộc về nhóm sinh viên UEH) đã cho thấy ý tưởng về một công ty quản lý quá trình xử lý đồ cũ: thu gom quần áo đã qua sử dụng của các hộ gia đình, phân loại, đồng thời vận hành chuỗi cửa hàng bán đồ cũ.
Một dự án khác mang tên “Bag in Black” (TĐT), đã nêu ý tưởng về túi tote không-dệt – được làm từ chính những chiếc túi nylon PP bị bỏ đi, sau đó có thể sử dụng hàng ngày hoặc như một phụ kiện thời trang.
Nhiều sinh viên cũng hướng đến giải quyết các vấn đề xã hội như tình trạng vô gia cư, kết hợp giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu. Có thể kể đến các ý tưởng xây dựng nhà ở xã hội bằng cách tái chế chai nhựa (RMIT); chống sạt lở bờ sông từ việc xây dựng các khối nhựa composite (HCMUT); làm bè sinh thái và nhà nổi từ các chai nhựa 20 lít để hỗ trợ các vùng chịu ảnh hưởng lũ lụt (TĐT).
Một nhóm sinh viên TĐT đã giới thiệu ứng dụng di động Garage Station (Trạm Rác) – một giải pháp áp dụng công nghệ nhằm tập trung thu gom, phân loại, và bán đấu giá rác thải sinh hoạt. Một ứng dụng khác mang tên SWIPE (Society Without Plastic Explosion, thuộc về sinh viên UEH), đã xác định đối tượng người dùng là người Việt trong độ tuổi từ 18-30, nhằm nỗ lực thay đổi hành vi và thái độ lãng phí của nhóm tuổi này với các thông báo và khuyến khích.
Hy vọng mọi ý tưởng của các dự án đều sẽ được chú ý theo dõi, cũng như được các tổ chức hỗ trợ triển khai. | Nguồn: Tín Phùng cho Vietcetera
RPV bày tỏ hy vọng rằng mọi ý tưởng của các dự án đều sẽ được chú ý theo dõi, cũng như được các tổ chức hỗ trợ triển khai. Nếu các tổ chức quan tâm đến việc hỗ trợ thực hiện một trong những ý tưởng sáng tạo này, vui lòng liên hệ với RPV tại địa chỉ: hello@rethinkplasticvietnam.com
Để tham gia các hoạt động khác do ReThink Plastic Vietnam tổ chức, chẳng hạn như sự kiện tổng vệ sinh sắp tới vào ngày Trái Đất (22/04) và Ngày Đại sứ RPV, bạn có thể truy cập trang web: https://www.rethinkplasticvietnam.com/
Ban giám khảo Design Factory: Tiến sĩ Carel Richter – Tổng Lãnh sự Hà Lan tại Việt Nam; ông Peter Heber Percy – Founder kiêm Investment Manager tại Wardhaven Capital Limited; bà Ngô Nguyễn Ngọc Thanh – Phó Chi cục trưởng, Cục Bảo vệ Môi trường TP. HCM (HEPA); chị Quỳnh Nguyễn đến từ Lại Đây Refill Station; và anh Alex Huỳnh đến từ Phoenix Holdings.
Cố vấn kinh doanh của Design Factory: bà Linn Grahl và bà Karin Blennow Diependaele – thuộc bộ phận phát triển sản phẩm tại IKEA; ông Binh Dinh Thai cùng BASF – một công ty hóa chất hàng đầu; ông Bùi Đức Trung cùng Tập đoàn An Phát Holdings – một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất nhựa công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường tại Đông Nam Á; ông Jean-Michel Huet – Giám đốc Account Cấp cao tại Annam Professional; ông Jeroen Roomer, Tân Giám đốc Kinh doanh tại Royal De Heus – một cơ sở cung cấp sản phẩm dinh dưỡng và sản xuất thức ăn hỗn hợp, hỗn hợp trộn, tinh chất và đặc sản.
Đội ngũ ReThink Plastic Việt Nam:
Bà Madeleine van Hasselt – Nhà Tâm lý học Hành vi (Đồng sáng lập)
Bà Karen Smit – Kỹ sư hóa chất và quy trình (Đồng sáng lập)
Bà Raffy Luik – Giám đốc Kinh doanh Bền vững (Đồng sáng lập)
Bà Nika Salvetti – Phd CSR & Bền vững (Đồng sáng lập)
Đồng tổ chức Design Factory:
Bà Annemiek van der Heijden – Nhà thiết kế trải nghiệm người dùng
Bà Laura Ceyssens – Giám đốc Cơ sở
Nguồn: Valeria Mertsalova – vietcetera