Túi nhựa sinh học kết hợp sự tiện dụng và sự an toàn cho môi trường của hợp chất sinh học tự phân hủy được. Nhưng liệu chúng có thực sự tốt cho môi trường không
Nếu không thực sự tìm hiểu kỹ, chỉ nhìn bao bì và nhãn mác trên sản phẩm, rất nhiều người sẽ lầm tưởng về tác dụng thật sự của các loại túi phân hủy sinh học.
Trên lý thuyết, những sản phẩm này hứa hẹn phân hủy hoàn toàn, không tác động và gây hại cho môi trường. Nhưng thực tế, rất nhiều các sản phẩm gắn mác ‘phân hủy sinh học’ đã bị vạch trần khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Một số loại nhựa với mác ‘phân hủy sinh học’ phổ biến hiện đang được bày bán trên thị trường sau đây có thể sẽ làm bạn thất vọng vì không ‘thần thánh’ như quảng cáo.
1. Túi Oxo-biodegradable (túi tự phân hủy thông qua con đường oxi hóa)
Thực tế, loại nhựa oxo-biodegradable này chưa từng được xem là nhựa phân hủy sinh học. Chúng chỉ đơn giản là nhựa có nguồn gốc từ dầu mỏ thông thường nhưng được thêm vào các chất phụ gia khiến kết cấu nhựa yếu đi và gây phân rã, hoàn toàn không thể phân hủy.
Nguồn: indiamart
Một nghiên cứu đã chứng minh nhựa oxo-biodegradable không những không tốt hơn cho môi trường mà trái lại còn đặc biệt nguy hiểm với các sinh vật biển. Theo đó, loại nhựa này vẫn có thể tồn tại nguyên vẹn trong vòng hai năm trong lòng đại dương.
Điều này dễ khiến động vật biển tưởng nhầm đây là thức ăn và gây nguy hại trực tiếp đến sức khỏe các loài. Kể cả khi phân rã một phần, nhựa oxo-biodegradable lại càng khiến tình trạng môi trường thêm tiêu cực khi góp phần phân tán các hạt vi nhựa ra môi trường.
2. Túi Biodegradable (túi phân hủy nhờ vi khuẩn)
Không chỉ nhựa oxo-biodegradable, ngay cả nhựa biodegradable được xem là phổ biến nhất trong các loại nhựa sinh học cũng bị “bóc mẽ” về công dụng thật sự. Một báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) đã cho thấy loại nhựa này không những không phân hủy trong lòng đại dương mà còn không thể phân hủy tốt ở bất kỳ môi trường nào trong tự nhiên.
Một thí nghiệm của trường Đại học Plymouth tại Anh cũng có cùng kết luận. Theo đó, họ đã tiến hành thử nghiệm túi nhựa biodegradable trong ba môi trường: không khí, lòng đất và đại dương.
Kết quả khiến nhiều người thất vọng khi ở cả ba môi trường loại nhựa này vẫn không thể phân hủy hoàn toàn sau ba năm. Hơn thế, ở môi trường trong lòng đất và đại dương, độ phân hủy của loại túi này vẫn chẳng khác gì túi nhựa thông thường.
Nguồn: Amazon
Điều này không có nghĩa túi nhựa biodegradable không thể phân hủy sinh học. Nhưng để quá trình phân hủy có thể diễn ra cần tuân theo những điều kiện nhất định khi nhiệt độ phải đạt 50℃, túi phải tiếp xúc với tia UV.
Đây cũng là lý do khiến túi không thể phân hủy khi bị chôn trong đất hay ở trong lòng đại dương. Thậm chí nếu các túi phân hủy sinh học bị chôn lấp hay đưa đến bãi rác thiếu oxy thì sự phân hủy kỵ khí sẽ tạo nên khí metan, một loại khí nhà kính làm ấm hành tinh gấp 34 đến 86 lần so với carbon dioxide.
3. Túi Compostable (túi phân hủy hữu cơ)
Để so sánh, đây có thể được xem là loại túi ‘thân thiện’ nhất trong các loại túi phân hủy sinh học phổ biến hiện nay. Nhìn chung các loại túi được gắn nhãn ‘phân hủy hữu cơ’ đều được làm từ thực vật như tinh bột ngô hoặc tinh bột khoai tây có khả năng phân hủy hoàn toàn.
Nguồn: Amazon
Theo đó, loại túi compostable này có thể hòa tan trong môi trường nước chỉ sau ba tháng, phân mảnh trong chín tháng khi tiếp xúc với không khí, bắt đầu phân hủy sau 27 tháng trong lòng đất. Một minh chứng khả quan hơn hẳn so với các loại túi phân hủy sinh học ở trên.
Tuy nhiên túi nhựa phân hủy hữu cơ cũng được phân làm hai loại: có thể phân hủy tại nhà (EN1342) và chỉ có thể phân hủy cơ sở ủ phân công nghiệp. Do đó, bạn cần xác định rõ loại túi trước khi sử dụng bởi không phải bất kỳ túi nhựa nào cũng có thể phân hủy khi bạn để chung với rác thải sinh hoạt.
Có tồn tại loại túi nhựa ‘thân thiện môi trường’?
Dù vẫn phân hủy, thế nhưng mức độ tác động môi trường của các loại túi phân hủy sinh học được cho vẫn tương đương như túi nhựa thông thường. Trong quá trình phân hủy, các hạt vi nhựa vẫn có thể bị động vật ăn hay vô tình hít vào. Ngoài ra, chúng cũng có khả năng ngăn cản khả năng tiếp cận ánh sáng của thực vật khi quang hợp.
Hơn hết, vấn đề cần lưu tâm chính là nhựa phân hủy sinh học hoàn toàn không thể tái chế chung với các loại nhựa khác bởi chúng có thể làm hỏng và biến chất thành phẩm tái chế, khiến lô nhựa tái chế không thể sử dụng.
Thế nên đa phần các loại túi nhựa phân hủy sinh học sẽ phải đem đi tiêu hủy, không thể được tái chế. Vì vậy, về khía cạnh môi trường loại nhựa tự phân hủy sinh học vẫn còn gây rất nhiều tranh cãi.
Biện pháp hạn chế sự tác động của túi nhựa lên môi trường?
Thực tế, việc hạn chế sự tác động của nhựa lên môi trường không nằm ở loại nhựa hay thời gian phân hủy của nhựa mà phụ thuộc vào chính ý thức của người tiêu dùng.
Theo Laura Chatel, đại diện Hiệp hội chống lãng phí Zero Waste chi nhánh Pháp, sản phẩm càng dùng được lâu bền, càng có nhiều khả năng tái sử dụng thì càng tốt cho môi trường.
Nói cách khác, bạn có thể hạn chế sử dụng túi nhựa mới, tái sử dụng túi nhựa sạch nhiều lần nhất có thể hoặc mang theo những chiếc túi có thể tái sử dụng như túi vải. Bởi chiếc túi dùng nhiều lần mà bạn đang có chính là chiếc túi xanh nhất.
Theo Vietcetera