Bảy năm trước, tôi có chín tháng sống và học tập tại Ghent, Vương quốc Bỉ – một thành phố nhỏ xinh, cổ kính, với rất nhiều lâu đài, nhà thờ từ thời trung cổ được gìn giữ nguyên vẹn.

Tôi thuê một phòng trọ giá rẻ cho sinh viên. Ngày đầu tiên, chủ nhà dẫn tôi đi một vòng, hướng dẫn sử dụng máy sưởi và đồ dùng nhà bếp. Trong bếp có một góc với hai khung thép gắn túi nilon màu xanh dương và màu vàng in chữ IVAGO rất lớn, kèm một thùng giấy carton kế bên. Ông dặn, rác thải phải được phân loại, túi màu vàng để rác sinh hoạt hàng ngày, túi màu xanh để rác thải nhựa, vỏ lon nhôm và các hộp sữa; trong khi giấy carton, hộp bánh pizza và chai thủy tinh, nhất là chai bia ở Bỉ… được bỏ vào thùng lớn.

Chủ nhà dán một tấm lịch thu gom rác lên bức tường ở góc bếp, yêu cầu chúng tôi kiểm tra ngày để tự phân công nhau đi đổ rác. Tấm lịch tô màu vàng, xanh và nâu, thể hiện ngày mà túi màu đó được thu gom. Xe rác sẽ đi vòng các con phố từ 5h sáng, thu gom mỗi tuần một lần với túi màu vàng, hai tuần một lần với túi màu xanh và mỗi tháng một lần với thùng carton đựng giấy và chai lọ thủy tinh. Bỉ có khí hậu ôn đới, lạnh quanh năm. Rác thải trong bếp như thịt, vỏ trái cây rau củ… có thể giữ trong các túi màu vàng suốt một tuần mà không bị ôi thiu hay bốc mùi.

Nếu bị bắt gặp đổ rác sinh hoạt ra thùng rác công cộng, chúng tôi sẽ phải chịu phạt 120 euro và thêm 250 euro cho phí vệ sinh – một khoản tiền cực lớn bởi chi phí ăn ở một tháng của tôi ở Bỉ lúc ấy chỉ khoảng 650 euro.

Các túi màu vàng đựng rác thải sinh hoạt có giá khá đắt, tận 18,4 euro cho 10 túi loại lớn; trong khi túi xanh đựng rác thải tái chế rẻ hơn nhiều, chỉ 6 euro cho cuộn 20 túi. Các túi trên được bán đồng giá trên toàn thành phố. Điều này nhằm khuyến khích người dân phân loại rác kỹ lưỡng hơn, thay vì tiện tay gom hết rác vào túi màu vàng.

Câu chuyện về những chiếc túi trở lại với tôi khi tôi hay tin Việt Nam đang quyết liệt thực hiện phân loại rác tại nguồn, với việc đưa vào áp dụng Nghị định 45/2022, có hiệu lực từ 25/8. Theo đó, hộ dân, các cộng đồng dân cư không thực hiện phân loại rác theo quy định sẽ bị phạt tiền ở mức cao nhất lên đến 300 triệu đồng.

Mục tiêu phân loại rác được đặt ra từ lâu. Năm 2007, Hà Nội từng thí điểm phân loại rác tại nguồn ở quận Hoàn Kiếm. TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ cũng triển khai thí điểm nhưng đều không duy trì được lâu dài do thiếu đồng bộ trong quá trình thu gom, tập kết, vận chuyển và xử lý. Quy trình phân loại rác bao nhiêu năm qua, vì thế, vẫn “do một tay các bà đồng nát lo liệu”.

Với gần 65.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt trên cả nước mỗi ngày, trong đó TP HCM khoảng 9.500 tấn, Hà Nội hơn 6.500 tấn, phân loại rác tại nguồn dù khó, vẫn là việc buộc phải thực hiện, nhằm đảm bảo xử lý và tận dụng tái chế nguồn tài nguyên này. Cách triển khai của nhiều quốc gia trên thế giới sẽ cung cấp mô hình tham khảo tốt cho Việt Nam.

Bỉ là quốc gia nổi tiếng với việc phân loại và tái chế rác thải hợp lý và hiệu quả, chỉ sau Đức tại châu Âu. Ngoài việc chia rác thành túi vàng, túi xanh như cách họ đã làm, các đô thị lớn ở Việt Nam có thể nâng cao ý thức của người dân bằng việc quy định loại túi rác và mức giá. Nếu không đáp ứng các quy định, trong đó có quy định về loại túi, công ty vệ sinh môi trường có quyền từ chối thu gom.

Tại Singapore, nơi tôi hiện sinh sống, Cơ quan Môi trường Quốc gia NEA có nhiệm vụ quản lý và giám sát hoạt động phân loại và thu gom rác thải. Trong các trung tâm thương mại, trường học, chợ, trung tâm ăn uống… đều có các thùng rác chuyên dụng màu xanh dương với dung tích 660l, dành riêng cho rác tái chế gồm bốn khoang với bốn màu dễ nhận biết: chai lọ thủy tinh (glass), giấy và bìa cứng (paper), chai lọ bằng nhựa (plastic), lon và hộp kim loại (metal). Rác thải sinh hoạt được vệ sinh và thu gom hàng ngày để tránh mùi hôi và côn trùng, do Singapore có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm.

Ngay từ bé, người dân tại đảo quốc đã được hướng dẫn và tuyên truyền để phân loại rác thành các loại chất thải hữu cơ, rác thải tái chế và không thể tái chế. Sự phổ biến và tuyên truyền này được thực hiện tích cực và mạnh mẽ. Đến các trung tâm ăn uống và chợ ướt, bạn sẽ thấy thông báo và bảng hướng dẫn phân loại rác được thể hiện bằng hình minh họa dán khắp nơi.

Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều hoàn hảo và thành công. Tại Singapore, văn hóa sử dụng túi nilon và muỗng đũa sử dụng một lần vẫn còn phổ biến. Tôi dễ nhận thấy điều này khi đi siêu thị, mỗi món hàng thậm chí được cho vào một túi nilon riêng. Túi nilon miễn phí và có thể xin thêm không giới hạn.

Ở khu Pandan Garden tôi đang sống, rác thải sinh hoạt hàng ngày trong các khu chung cư xã hội được gom cho hết vào một túi nilon và thả vào thùng máng (rubbish chute) từ tầng cao. Máng rác tập trung, một thiết kế điển hình của hầu hết căn hộ xã hội và chung cư cao tầng, cho phép cư dân xử lý rác thải dễ dàng ngay từ chính căn bếp của họ; khiến nhiều người lười nhác mang rác tái chế xuống tầng trệt. Những máng rác chảy từ trên cao xuống cũng là hình thức phổ biến tại nhiều chung cư ở Việt Nam – một trở ngại rất lớn cho mục tiêu phân loại rác từ hộ gia đình.

Không thể ngay lập tức thay đổi thiết kế của các khu chung cư dạng này, vì vậy, việc tuyên truyền, vận động thay đổi ý thức của người dân sẽ là giải pháp quan trọng đầu tiên.

Nhưng ngay cả khi các hộ dân đã có ý thức, nỗ lực phân loại rác tại nguồn vẫn có thể rơi vào bế tắc nếu quy trình tập kết và vận chuyển rác thải vận hành như cũ; nghĩa là túi xanh – túi vàng lại bị trộn lẫn vào nhau đi đến bãi rác.

Và tôi chưa thấy nhà chức trách công bố giải pháp cho quy trình vận chuyển rác đã phân loại.

Theo Báo VnExpress

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version