Theo Luật Bảo vệ môi trường, từ ngày 1/1/2025, chất thải rắn sinh hoạt sẽ được phân loại tại nguồn sau đó được thu gom, tập kết, vận chuyển. Trong trường hợp vi phạm tại hộ gia đình, mức xử phạt có thể lên tới một triệu đồng.

Không phân loại rác sẽ bị xử phạt

Từ ngày 1/1/2025, việc phân loại rác tại nguồn sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc tại tất cả các địa phương trên cả nước. Đây là bước đi quan trọng nhằm giảm áp lực lên môi trường, tiết kiệm tài nguyên và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, từ ngày 1/1/2025, chất thải rắn sinh hoạt sẽ được phân loại tại nguồn (tại từng hộ gia đình) sau đó được thu gom, tập kết, vận chuyển. Trong trường hợp vi phạm tại hộ gia đình, mức xử phạt có thể lên tới một triệu đồng. Tuy nhiên đến thời điểm này, người dân vẫn chưa hiểu rõ phải phân loại rác như thế nào, trả tiền theo lượng rác ra sao. Các đơn vị thu gom vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về trang thiết bị, tần suất, địa điểm thu gom rác đã phân loại…

Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, hiện nay tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên phạm vi cả nước khoảng 67.877,34 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị phát sinh khoảng 38.143,05 tấn/ngày; khu vực nông thôn khoảng 29.734,30 tấn/ngày.

Về hiện trạng xử lý chất thải rắn sinh hoạt, cả nước có 1.548 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, cơ sở đốt chất thải rắn sinh hoạt là 340 cơ sở (chiếm 21,96%); cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành mùn/phân hữu cơ 30 cơ sở (chiếm 1,94%); cơ sở chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt 1.178 cơ sở (chiếm 76,10%), trong đó nhiều cơ sở không hợp vệ sinh.

Tại Diễn đàn “Khó khăn, vướng mắc trong thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” tổ chức mới đây, đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Trong phân loại rác hiện nay chưa triển khai phân loại tại nguồn đồng bộ tại các địa phương. Trong thu gom, vận chuyển chưa cung cấp đủ dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nhiều khu vực nông thôn, miền núi; thiếu thiết bị thu gom, phương tiện vận chuyển chuyên dụng đáp ứng yêu cầu; thiếu địa điểm tập kết, trạm trung chuyển đáp ứng quy định làm tồn đọng chất thải rắn sinh hoạt kéo dài gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc. Cùng với đó, các quy định về định mức, đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý còn thiếu…

Đặc biệt trong xử lý vẫn còn gặp khó khăn như: công nghệ chôn lấp vẫn là chủ yếu (76,10%); nguồn vốn đầu tư chủ yếu từ ngân sách nhà nước, bao gồm vốn ODA, nguồn vốn từ khu vực tư nhân còn khiêm tốn (ít các dự án đầu tư theo PPP, tư nhân được triển khai); 75% cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt được nhà nước hỗ trợ vận hành…

PGS. TS Trương Mạnh Tiến, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, việc phân loại rác tại nguồn giúp chúng ta tiết kiệm được nguyên liệu,vì trong khi thải ra thì trong các chất thải đấy vẫn có thể tận dụng để có được nguyên liệu từ phương thức sản xuất này sang phương thức sản xuất khác, rác thải của bên này nó lại là đầu vào nguyên liệu cho nơi khác.

Đảm bảo việc không bị ô nhiễm ở khu dân cư và ngay tại các gia đình, đảm bảo được thời gian quy định để rác không bị lưu giữ lâu. Ngoài việc tiết kiệm và thực hiện kinh tế tuần hoàn như hiện nay thì nhiều loại rác có thể làm phân vi sinh.

Việc vận động lâu nay là các phong trào, sau đấy thì thôi. Hết dự án thì dừng lại, thế nhưng đây được ghi trong luật, hướng dẫn cụ thể thì nó tạo một nếp rất tốt trong đời sống sinh hoạt của chúng ta, bảo vệ môi trường nói chung.

Những vấn đề vướng thì hiện nay vì thời hạn rất gấp rồi, chỉ còn có gần một tháng nữa thôi trong khi hướng dẫn kỹ thuật cũng chưa triệt để được cho tất cả 63 tỉnh, thành. Ngoài ra, chúng ta đang rất thiếu là về nguồn lực, nhân lực, tài lực, nguồn lực tài chính, lẽ ra khi mà phân loại triệt để rác tại nguồn thì các loại đã được phân ra trong các túi đựng khác nhau, thì trong quy định là sẽ đánh thuế học phí vào khối lượng.

“Một điều nữa, khi mà phân loại rác tốt rồi nhưng mà đến nơi trung chuyển thì lại đổ chung vào. Ví dụ bất kỳ khu tập thể nào cũng thế, có một đường ống từ các tầng cao họ đưa xuống thì rác lại vứt cùng với nhau và xe của chúng ta lại vận chuyển chung tất cả rác đến một nơi. Đâu lại vào đó, lại phải phân loại một lần nữa, như thế không triệt để. Cá nhân tôi thấy đến mùng 1/1/2025 có thể là khó đạt được”, ông Tiến nói.

Lộ trình phân loại rác tại nguồn có thể bị chậm lại.

Người dân chưa hiểu phân loại rác như thế nào

TS. Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch mạng lưới không khí sạch cũng cho biết, hiện nay hầu hết các địa phương khá lúng túng khi triển khai phân loại rác tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, kể cả một số địa phương đã ban hành Kế hoạch phân loại rác tại nguồn. Các hộ dân, các chủ nguồn thải vẫn chưa hiểu rõ phải phân loại rác như thế nào, phải trả tiền theo lượng rác thải ra sao; đổ rác phân loại ở đâu, như thế nào; các đơn vị thực hiện dịch vụ thu gom vẫn chưa có hướng dẫn về trang thiết bị, tần suất địa điểm thu gom rác đã phân loại, vẫn thực hiện theo nội dung hợp đồng đã ký kết.

“Để phân loại rác hiệu quả, cần nâng cao nhận thức của người dân. Đầu tiên, cần hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật thu gom và phân loại rác. Tiếp theo, hạ tầng thu gom rác thải phải được cải thiện để hỗ trợ việc phân loại. Cuối cùng, cần có các chế tài về phân loại rác”, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết.

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, việc phân loại rác cần được thực hiện từ hộ gia đình, trường học, cơ quan cho đến nơi thu gom, tạo thành một hệ thống đồng bộ. Ví dụ, xe thu gom rác phân hủy sinh học có màu xanh, túi đựng và các thiết bị thu gom loại rác này cũng cần đồng nhất để dễ dàng phân biệt. Công tác tổ chức cần có sự liên kết từ phân loại tại nguồn, thu gom, tập kết, vận chuyển đến xử lý.

Trong thời gian qua, Việt Nam chưa thu hút được nhiều nguồn lực từ xã hội hay doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống này. Vì vậy, nên đưa ra tiêu chí và tổ chức đấu thầu để doanh nghiệp nào có năng lực sẽ đảm nhận, từ khâu phân loại đến thu gom, vận chuyển và xử lý.

“Cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý. Luật Bảo vệ môi trường đã nêu rõ, nếu đấu thầu công khai, doanh nghiệp nào đưa ra phương án khả thi sẽ được lựa chọn và thực hiện. Mức phí thu gom cũng áp dụng theo nguyên tắc “thải nhiều đóng phí nhiều” và phí thu được phải đủ để chi trả cho hoạt động thu gom của doanh nghiệp”, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh khẳng định.

Thống kê cho thấy, nếu như thực hiện tốt phân loại rác tại nguồn, sẽ chỉ còn khoảng 25 – 30% rác thải phải mang đi chôn lấp hoặc xử lý tại các nhà máy và mang lại hiệu quả rất lớn với môi trường và sức khỏe con người. Theo kế hoạch, đến hết 31/12/2024, Hà Nội sẽ tổng kết thí điểm phân loại rác và có đánh giá để nhân rộng mô hình trên toàn địa bàn để việc phân loại rác tại nguồn thành công. Ý thức của mỗi người dân có vai trò rất quan trọng, nhưng đến thời điểm này có thể nói rằng vấn đề hạ tầng cho xử lý rác mới là điểm nghẽn lớn nhất. Nếu như không có giải pháp đột phá, rất khó đảm bảo lộ trình như Luật Bảo vệ môi trường đã đặt ra.

Trước thực trạng trên, để đảm bảo việc phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn từ hộ gia đình, cá nhân, Bộ TN&MT vừa có thông báo gửi các địa phương về việc triển khai một số nội dung nhằm đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

Theo Tô Hội – SKĐS

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version