Theo thông tin mới từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ tháng 6-2025, Việt Nam sẽ bắt đầu triển khai thí điểm hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính (ETS); sau đó sẽ vận hành chính thức thị trường carbon từ năm 2028 và kết nối thị trường trong nước với quốc tế từ sau năm 2030.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Việt Nam cam kết sẽ đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu này, một trong những biện pháp quan trọng là định giá carbon, TTTXVN đưa tin.

Theo ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục biến đổi khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, với Việt Nam, việc hình thành thị trường carbon còn rất mới. Liên minh châu Âu (EU) thiết lập thị trường carbon nội địa tuân thủ đầu tiên trên thế giới từ năm 2005.

Trung Quốc mới thiết lập thị trường tuân thủ năm 2021 và đang là thị trường lớn nhất thế giới. Hiện đã có 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới áp dụng định giá carbon bao gồm thuế carbon và thị trường carbon. Việc này giúp kiểm soát khoảng 11 tỉ tấn carbon, tương đương khoảng 20% phát thải toàn cầu. Đây là xu thế tất yếu và Việt Nam cũng đang chuẩn bị cho việc thiết lập thị trường carbon trong nước.

Theo thông tin mới từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, tháng 6-2025, Việt Nam sẽ bắt đầu phân bổ hạn ngạch và triển khai thí điểm hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính (ETS). Dự kiến trong giai đoạn thí điểm, chỉ có các cơ sở phát thải lớn thuộc các lĩnh vực sản xuất sắt, thép; xi măng; nhiệt điện được đưa vào thị trường carbon (khoảng 150 doanh nghiệp).

Sau đó, Việt Nam sẽ vận hành chính thức thị trường carbon từ năm 2028 và dự kiến kết nối thị trường trong nước với thị trường quốc tế, khu vực từ sau năm 2030.

Trong giai đoạn từ nay đến tháng 6-2025, Văn phòng dịch vụ dự án Liên hợp quốc phối hợp với Cục Biến đổi khí hậutriển khai đánh giá tác động của hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon tại Việt Nam. Đâylà hỗ trợ kỹ thuật cung cấp tư vấn chuyên môn sâu từ các chuyên gia trong nước và quốc tế, các khuyến nghị dựa trên bằng chứng rõ ràng giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra thiết kế phù hợp với thị trường trong nước, hài hòa với các quy định pháp luật hiện hành.

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, thị trường carbon Việt Nam bao gồm hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. Tương tự các thị trường tuân thủ nội địa trên thế giới, Chính phủ phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các doanh nghiệp, cơ sở và cho phép mua, bán hạn ngạch theo nhu cầu. Hàng hóa chính tham gia thị trường là “hạn ngạch phát thải khí nhà kính” do các doanh nghiệp, cơ sở được phân bổ hạn ngạch trao đổi với nhau.

Theo: KTSG Online

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version