1.png

Tính đến nay trên thế giới có khoảng 140 quốc gia đã cam kết hoặc hướng tới mục tiêu Net Zero, bao gồm cả những quốc gia gây ô nhiễm nhiều nhất, đại diện cho khoảng 76% lượng khí thải toàn cầu, như Trung Quốc, Mỹ và Liên minh Châu Âu… Mỗi quốc gia tự đặt ra mốc thời gian để đạt mục tiêu này, phần lớn là vào năm 2050. Một số ít ngoại lệ vào năm 2035 và muộn nhất vào năm 2070… Ngoài ra, hơn 1.200 công ty đã đưa ra các mục tiêu dựa trên cơ sở khoa học, và hơn 1.000 thành phố, hơn 1.000 tổ chức giáo dục và hơn 400 tổ chức tài chính cũng đã tham gia vào mục tiêu này. Một liên minh ngày càng rộng lớn giữa các quốc gia, thành phố, doanh nghiệp và các tổ chức đang tập hợp, cam kết đạt mức phát thải ròng bằng không.

Net Zero được hiểu là cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống gần bằng 0 nhất có thể, với lượng khí thải còn lại được tái hấp thụ từ khí quyển bởi rừng và đại dương… Đây là một chiến lược quan trọng để chống biến đổi khí hậu và chuyển đổi sang một tương lai bền vững. Với cam kết Net Zero, các công ty chịu trách nhiệm về tác động môi trường, thể hiện cam kết giảm lượng khí thải và đóng góp cho một hành tinh xanh hơn.

Thuật ngữ Net Zero bắt đầu trở nên phổ biến sau Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc năm 2021 (COP 26) – kêu gọi các quốc gia cần đưa ra các mục tiêu giảm phát mạnh mẽ hơn nữa cho đến năm 2030, hướng tới trung hòa carbon vào giữa thế kỷ này. Tại đây, Việt Nam cũng đã đưa ra cam kết đạt phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050 và 2 cam kết khác có liên quan chặt chẽ đến ngành nông nghiệp là: cam kết tham gia sáng kiến “Giảm phát thải khí methan toàn cầu” và cam kết thực hiện “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”.

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, căng thẳng nhiệt do biến đổi khí hậu làm giảm năng suất sữa, sự dao động nhiệt độ cản trở sự phát triển của cây trồng và các chu kỳ thủy văn bị gián đoạn dẫn đến tình trạng thiếu nước cho các trang trại sản xuất. Nếu phát thải khí nhà kính toàn cầu vẫn ở mức cao, ngành công nghiệp sữa và thịt sẽ thiệt hại 39,94 tỷ đô la hàng năm vào cuối thế kỷ này.

Ngoài những tổn thất tài chính này, sẽ có những tác động kinh tế xã hội rộng lớn hơn đối với cộng đồng và xã hội nói chung. Các doanh nghiệp trong ngành sữa ngày càng nhận thức được những tác động và đang đảm nhận vai trò lãnh đạo trong việc chuyển đổi ngành trở nên bền vững hơn.

Các doanh nghiệp ngành sữa đang thể hiện sự quan tâm đến Net Zero để giảm thiểu tác động từ hoạt động sản xuất kinh doanh đến môi trường, hướng đến sự bền vững. Các chương trình hành động liên quan đến giảm lượng khí thải, phát triển các bể chứa carbon, tạo ra các giải pháp kinh tế tuần hoàn, quan tâm đến đa dạng sinh học và cải thiện phúc lợi động vật… đang được thực hiện và phát triển mỗi ngày.

Tại Việt Nam, từ xuất phát điểm gần như con số 0, nay ngành sữa Việt Nam đã có diện mạo hoàn toàn mới với những siêu nhà máy, trang trại hiện đại đạt chất lượng quốc tế, sản phẩm sữa xuất khẩu ra hàng chục quốc gia khác trên thế giới… Bên cạnh những tiềm năng về khả năng tăng trưởng trong tương lai, ngành sữa Việt Nam còn đang phác thảo một bức tranh mới mà gam màu chủ đạo là Xanh, biểu trưng cho Phát triển bền vững – Net Zero và đã bắt đầu gặt hái được nhiều thành tựu bước đầu.

Trong đó, không thể không kể đến Vinamilk – doanh nghiệp đầu ngành sữa Việt Nam. Đây cũng là doanh nghiệp sữa đầu tiên của Việt Nam có 2 trang trại và nhà máy đạt chứng nhận đạt trung hòa carbon theo chứng nhận PAS 2060:2014, được ghi nhận như 1 điển hình của ngành sữa Việt Nam trong nỗ lực hướng tới phát triển bền vững.

Ngày 26/5/2023, Vinamilk chính thức công bố chương trình hành động hướng đến Net Zero 2050: “Vinamilk Pathways to Dairy Net Zero 2050”, tập trung vào 4 lĩnh vực trọng tâm: Nông nghiệp bền vững – Sản xuất xanh – Logistics thân thiện môi trường – Tiêu dùng bền vững. Lộ trình phác thảo một kế hoạch theo từng giai đoạn để giảm phát thải khí nhà kính, nhằm mục tiêu giảm 15% vào năm 2027, giảm 55% vào năm 2035 và cuối cùng đạt được mức phát thải Net Zero vào năm 2050.

Việc công bố lộ trình tiến đến Net Zero 2050 với chương trình hành động “Vinamilk Pathways to Dairy Net Zero 2050” đã cho thấy sự tiên phong của Vinamilk hướng tới việc thực hiện cam kết Net Zero của Chính phủ Việt Nam tại COP26.

Trước thông báo quan trọng này, Vinamilk đã trở thành doanh nghiệp sữa đầu tiên tại Việt Nam tham gia Sáng kiến toàn cầu ngành sữa về Net Zero – Tổ chức quy tụ các tổ chức lớn của ngành sữa thế giới như Liên đoàn sữa thế giới (IDF), Khung phát triển bền vững ngành sữa (DSF), Global Dairy Platform… thành lập với mục tiêu giảm thiểu các tác động của ngành lên môi trường, khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững.

Đến nay đã có 140 tổ chức, doanh nghiệp trên toàn thế giới tham gia vào sáng kiến này. Các thành viên trong dự án hiện đang chiếm đến hơn 40% sản lượng sữa toàn cầu.

Năm 2021, Vinamilk là doanh nghiệp ngành sữa đầu tiên tại châu Á phối hợp cùng với tổ chức Khung phát triển bền vững ngành sữa thế giới (DSF) thực hiện chương trình đánh giá – xác định các khía cạnh trọng yếu về phát triển bền vững tại Vinamilk nói riêng và ngành sữa Việt Nam nói chung. Từ đó, Vinamilk xác định ra 11 khía cạnh ưu tiên của Phát triển bền vững, trong đó, quản lý khí nhà kính là 1 trong 6 khía cạnh trọng yếu được ưu tiên.

Nhận ra rằng nông nghiệp bền vững là yếu tố sống còn để đạt được Net Zero trong ngành sữa. Công ty đã thực hiện nhiều sáng kiến khác nhau để thúc đẩy các phương thức canh tác thân thiện với môi trường. Thông qua việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, các trang trại và nhà máy của Vinamilk tập trung vào việc giảm tiêu thụ nước và năng lượng, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và giảm thiểu lượng khí thải carbon liên quan đến chăn nuôi, sản xuất.

Kể từ năm 2012, công ty đã xuất bản các báo cáo phát triển bền vững toàn diện tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, cho phép đánh giá chính xác các hoạt động của công ty. Trong giai đoạn chiến lược 2022 – 2026, Vinamilk coi phát triển bền vững là một trong những trụ cột chính, thể hiện cam kết không ngừng đối với trách nhiệm với môi trường và xã hội.

Vinamilk đã thực hiện các chiến lược đổi mới và ứng dụng công nghệ xanh để thúc đẩy sự thay đổi bền vững trong công ty.

Cuối tháng 5/2023, Nhà máy sữa Nghệ An và Trang trại bò sữa Nghệ An của Vinamilk đã đạt được một cột mốc quan trọng khi đạt được chứng nhận trung hòa carbon theo tiêu chuẩn quốc tế PAS 2060:2014.

Vinamilk trở thành doanh nghiệp sữa đầu tiên tại Việt Nam có các đơn vị đạt trung hòa carbon. Lượng khí nhà kính được trung hòa lên đến 17.560 tấn CO2, tương đương với trồng 1,7 triệu cây xanh. Thành tựu này đã củng cố vị thế của Vinamilk khi là công ty dẫn đầu ngành sữa cam kết giảm thiểu tác động đến môi trường.

Song song, Vinamilk vẫn tiếp tục triển khai nhiều dự án môi trường khác nhằm đảm bảo khả năng cắt giảm và hấp thụ lượng CO2 trong tương lai cũng như mang đến nhiều lợi ích khác về cộng đồng, môi trường, sinh kế cũng như lan tỏa tình yêu thiên nhiên và hình thành ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường của cộng đồng. Có thể kể đến Hoạt động trồng cây hướng đến Net Zero 2050 hợp tác cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Dự án Khoanh nuôi tái sinh rừng ngập mặn Vườn quốc gia Mũi Cà Mau hợp tác cùng Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia.

Quản lý phát thải khí nhà kính là một trong các khía cạnh phát triển bền vững trọng tâm được Vinamilk triển khai, đồng thời cũng là một trong những thách thức trong việc giảm thiểu tác động của hoạt động sản xuất sản xuất – kinh doanh đến môi trường.

Với cam kết Net Zero vào năm 2050, Vinamilk đã và đang đưa ra các giải pháp hiệu quả để giảm thiểu phát thải khí nhà kính, từ việc sử dụng nguồn năng lượng xanh đến tối ưu hóa quy trình sản xuất. Sự tiên phong của Vinamilk không chỉ truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp chung tay với Chính phủ thực hiện cam kết Net Zero mà quan trọng hơn là hướng tới một tương lai xanh và bền vững hơn cho chính chúng ta và thế hệ mai sau.

Theo Tổ Quốc

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version