Khi xuất cảnh, hàng là hàng hóa. Nhưng khi nhập cảnh, hàng lại thành rác thải. Tất cả là nhờ tài nghệ của các “pháp sư” buôn lậu rác.

1. Waste trafficking là gì?

Waste trafficking, tức buôn lậu rác thải, là một hoạt động bất hợp pháp xuyên quốc gia liên quan đến việc thu gom, vận chuyển, xử lý, tiêu hủy hoặc quản lý chất thải mà không tuân thủ các quy định pháp luật và môi trường. Theo UNODC, việc buôn lậu rác thải có rủi ro thấp và lợi nhuận cao, với giá trị hàng tỷ USD mỗi năm.

Hành vi này thường nhằm tránh các chi phí liên quan đến việc xử lý chất thải hợp pháp, thường được thực hiện bằng cách chuyển chất thải nguy hại từ quốc gia này sang quốc gia khác, vi phạm các quy định quốc tế và gây ra những tác động tiêu cực nghiêm trọng đối với môi trường toàn cầu.

2. Nguồn gốc của waste trafficking?

Buôn lậu rác thải là hệ quả của ngành công nghiệp rác thải toàn cầu – một ngành công nghiệp từng được coi là cùng có lợi cho cả nước xuất rác lẫn nước nhập rác. Trong khi một bên có thể đưa rác ra khỏi nước mình mà không cần phải tốn chi phí và công sức tái chế hay xử lý, bên còn lại có thể tái sử dụng các nguyên liệu nhựa hay linh kiện điện tử vào việc sản xuất.

Đó là câu chuyện của thế kỷ trước. Trong nhiều năm gần đây, những quốc gia nhập khẩu rác nhiều nhất đã nhận ra tác động tiêu cực của ngành công nghiệp này lên môi trường và xã hội. Nhiều nước đã cấm nước khác xuất rác sang nước mình, với điển hình là lệnh cấm của Trung Quốc vào năm 2018.

Tuy nhiên, những lệnh cấm này không giải quyết vấn đề, bởi nhu cầu xuất rác ở cấp độ quốc gia hoặc từ các tập đoàn thì luôn tồn tại. Chúng chỉ tạo thêm động lực và thị trường cho những kẻ buôn lậu tiến hành đổ rác từ nước này sang nước khác.

3. Waste trafficking hoạt động như thế nào?

Dòng chảy của rác thải lậu thường đi từ những nước phát triển ở Bắc bán cầu tới những quốc gia hay khu vực kém phát triển hơn về mặt kinh tế ở Nam bán cầu. Trong một số trường hợp, các quốc gia láng giềng cũng đổ rác sang nhà hàng xóm.

Việc vận chuyển rác trái phép thường diễn ra trong những chiếc công-te-nơ, trên những hải trình. Có hai lỗ hổng mà những kẻ buôn lậu thường khai thác.

Trước tiên là việc hải quan không kiểm tra trực tiếp hàng hóa xuất cảng, mà chỉ xem xét giấy tờ khai báo. Do đó, nhiều công-te-nơ rác đã xuất cảng trên danh nghĩa là hàng hóa.

Lỗ hổng thứ hai là sự khác biệt về chính sách môi trường ở các quốc gia, cũng như việc mỗi nước lại định nghĩa rác thải theo một cách khác nhau. Điều này khiến cho một số kiện hàng không phải là rác ở nước xuất đi, nhưng lại là rác ở nước xuất tới. Những tay buôn cũng có thể hối lộ các quan chức để họ không kiểm tra tàu hàng của mình.

Một ví dụ cho việc buôn lậu rác là sự việc 282 công-te-nơ ngập rác xuất cảnh từ Ý cập bến Tunisia vào năm 2020. Hải quan Ý hoàn toàn không nghi ngờ gì về lô hàng này, và dường như họ chỉ được biết chúng chứa rác khi phía Tunisia đưa thông tin dưới dạng khiếu nại.

Sự việc này sau đó đã trở thành một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Ý và Tunisia, đồng thời khiến cho 6 quan chức tại Tunisia bị bắt, và trở thành một vụ tai tiếng toàn cầu.

Nguồn: vietcetera

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version