Nông nghiệp xanh là nền nông nghiệp sản xuất áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ̣ sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nông nghiệp xanh hướng đến nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, phát triển công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải, ổn định kinh tế và giúp cho người nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn, bảo vệ các nguồn tài nguyên và hệ sinh thái nông nghiệp.

Việt Nam hướng tới phát triển nông nghiệp xanh, bền vững trên cơ sở chuyển đổi số

Năm 2023, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,83%, tăng trưởng cao trên nhiều lĩnh vực như: trồng trọt tăng 2,6%, ngành chăn nuôi tăng 5,1%, lâm nghiệp tăng 3,2% và thủy sản tăng 3,6%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt 53 tỷ USD. Đây là thành tựu đáng khích lệ.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đang gặp nhiều thách thức. Khó khăn vướng mắc trong thực tiễn sản xuất: Giá vật tư nông nghiệp, đặc biệt là phân bón đang tăng cao, thương hiệu nông sản, được mùa mất giá, nạn phân bón giả, doanh nghiệp chưa mặn mà với ngành nông nghiệp, nguồn nhân lực chủ yếu chưa qua đào tạo, đất bị suy thoái… Giá nhân công, chi phí trong sản xuất nông nghiệp cao đã hạn chế không mở rộng sản xuất của người nông dân. Quá trình tích tụ ruộng đất diễn ra chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Sản xuất nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao, ảnh hưởng đến việc đầu tư, áp dụng cơ giới hóa; nhất là khâu sơ chế, bảo quản sản phẩm. Quỹ đất trồng trọt ngày càng giảm do quá trình đô thị hóa và phát triển công nghiệp. Đầu vụ bị ảnh hưởng của nắng nóng, hạn hán; cuối vụ bị ảnh hưởng của mưa bão đã gây ảnh hưởng đến sản xuất trồng trọt nói chung và sản xuất lúa nói riêng.

Giá vật tư giống, phân bón, thuốc trừ sâu, công lao động vẫn ở mức cao nên chi phí sản xuất lớn. Công tác dự báo thị trường còn yếu; hoạt động xúc tiến thương mại nông sản còn hạn chế… 80% nông sản xuất khẩu thô, tỷ lệ chế biến sâu rất thấp, vì vậy giá trị nông sản không cao, dẫn tới thu nhập của bà con nông dân thấp, không ổn định.

Sống xanh, tiêu dùng xanh, đang dần trở thành xu thế của thời đại. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), nông nghiệp xanh là mô hình phát triển tối đa nguồn nông nghiệp sạch, từ đó cho ra một mô hình nông nghiệp phát triển một cách bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường xanh sạch. Mô hình này đem lại cho người nông dân những năng suất, hiệu quả vượt trội và đồng thời cũng giúp bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân một cách tốt hơn.

Có tới gần 80% dân số tham gia sản xuất, nông nghiệp không chỉ là ngành chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu mà còn là ngành gây ra phát thải khí nhà kính rất lớn. Với trách nhiệm giảm phát thải để góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu toàn cầu, hướng tới nền kinh tế xanh, nông nghiệp Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất đáp ứng xu thế tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết rất mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Nỗ lực xây dựng nền kinh tế xanh, giảm phát thải cũng như thực thi các cam kết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chiến lược như: Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tất cả đều hướng đến thúc đẩy nền nông nghiệp thân thiện với môi trường, các-bon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát triển kinh tế nông nghiệp dựa vào ba trụ cột: Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, an sinh xã hội và phát triển bền vững

Sử dụng hiệu quả tài nguyên

Vụ Đông Xuân 2021 – 2022 tiếp tục cho thấy sự chuyển biến rõ về nhận thức, thay đổi tập quán canh tác lâu đời của người nông dân. Nhiều địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã đã nâng cao về nhận thức cho nông dân trong việc giảm lượng giống gieo sạ, quản lý dịch hại IPM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo “4 đúng”, giảm lượng phân bón vô cơ, đi đôi với nhiều tiến bộ kỹ thuật như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, kỹ thuật tưới nông – lộ – phơi… Những giải pháp, quy trình kỹ thuật đồng bộ này giúp giảm chi phí sản xuất và giảm gây ô nhiễm môi trường.

Những nghiên cứu đã chỉ ra, ruộng lúa bị ngập nước càng lâu thì lượng khí mê-tan sinh ra càng nhiều. Các ruộng lúa được áp dụng kỹ thuật tưới nông – lộ – phơi giúp giảm khoảng 3,5 lần lượng phát thải khí nhà kính so với các ruộng lúa để ngập nước suốt cả vụ.

Một trong những cách thức canh tác của nông nghiệp xanh chính là sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích canh tác hữu cơ nước ta đã tăng từ 53.350 ha năm 2016 lên khoảng 237.693 ha năm 2019; 46/63 tỉnh, thành phố đang thực hiện và phát động phong trào sản xuất hữu cơ; số nông dân tham gia sản xuất hữu cơ là 17.168 người; số lượng doanh nghiệp sản xuất hữu cơ là 97 doanh nghiệp; tham gia xuất khẩu là 60 doanh nghiệp với kim ngạch khoảng 335 triệu USD/năm.

Khoa học công nghệ làm điểm tựa

Trong bối cảnh đất đai và các nguồn lực ngày càng thu hẹp, nhưng phải đảm bảo tăng chất lượng, hiệu quả, giảm phát thải nhà kính, nông nghiệp phải dựa nhiều hơn vào khoa học công nghệ. Khoa học công nghệ phải là động lực chính. Một nền nông nghiệp dựa vào khoa học công nghệ để phát triển thì đòi hỏi phải có nhiều lao động có kỹ năng và được đào tạo, một nền nông nghiệp xanh, hiện đại, áp dụng cơ giới hóa và công nghệ cao cần có cơ sở hạ tầng tương ứng, nền nông nghiệp số đòi hỏi phải có điện, hạ tầng số, hệ thống logistics hiệu quả.

Sản phẩm OCOP phát triển nhanh về lượng và nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu; đến nay có 11.056 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng 2.189 sản phẩm) với 5.724 chủ thể tham gia; có gần 20.500 hợp tác xã nông nghiệp và 19.660 trang trại.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung vào số hóa dữ liệu để phục vụ việc ứng dụng số hóa trong ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời gian tới.

Hiện nay, tỉ lệ nông dân Việt Nam sử dụng internet hằng ngày khá cao. Đây là một trong những thuận lợi giúp nông dân ứng dụng số hóa vào sản xuất. Việc ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ giúp sản phẩm nông, lâm, thủy sản của nông dân đáp ứng được đòi hỏi của thị trường về tính minh bạch trong quá trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, mà chuyển đổi số còn giúp nông dân gia tăng giá trị, hiệu quả của nông sản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn coi trọng đến việc thiết lập kiến trúc dữ liệu nền tảng số của ngành nông nghiệp, cũng như tăng cường sự phối hợp giữa địa phương với Trung ương trong bảo vệ các hoạt động nông nghiệp xanh và bền vững.

Theo “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Trung tâm Chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp thực hiện chức năng tham mưu, tổ chức triển khai hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử trong Bộ và ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Với sự nỗ lực, quyết tâm của các bên liên quan, sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp và các địa phương sẽ góp phần thực hiện thành công chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Hệ thống truy xuất nguồn gốc các-bon được số hóa đối với 2 mặt hàng xuất khẩu, gồm thanh long và tôm của Việt Nam có ý nghĩa quan trọng đối với chính quyền địa phương, doanh nghiệp, nhà sản xuất và người tiêu dùng hướng đến “nền kinh tế xanh”. Việc tuân thủ các chuẩn mực “xanh” và tiêu chuẩn “xanh” là yêu cầu như một xu hướng mới. Bằng việc sử dụng công nghệ để thúc đẩy các hoạt động kinh doanh thông minh thích ứng với khí hậu và tạo sinh kế bền vững của nông dân địa phương, chúng ta đang cùng nhau mở đường cho một tương lai xanh hơn, thịnh vượng hơn cho nền nông nghiệp Việt Nam.

Quy hoạch vùng trồng cây, con chủ lực

Quyết định số 1490/QĐ-TTg được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký ngày 27/11/2023. Đến 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ đạt một triệu héc-ta.

Mục tiêu chung của Đề án là hình thành một triệu héc-ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Về canh tác bền vững: Giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70 kg/héc-ta, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống. 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như “1 phải 5 giảm”, tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững, tưới khô xen kẽ và các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP) được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng.

Về tổ chức sản xuất: 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70% diện tích; trên 1.000.000 hộ áp dụng quy trình canh tác bền vững.

Về bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh: Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%; 100% rơm được thu gom và được chế biến tái sử dụng; giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống.

Về thu nhập người trồng lúa, giá trị gia tăng: Giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa đạt trên 50%.

Về xây dựng thương hiệu và xuất khẩu: Lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu chất lượng cao, phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.

Nông nghiệp xanh ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống của người dân và trở thành một bộ phận không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp. Để thực hiện thành công, cần áp dụng đồng bộ các giải pháp về tổ chức sản xuất: giống chất lượng cao, Quy trình canh tác theo hướng hữu cơ, GAP trên cơ sở chuyển đổi số, sử dụng vật tư phân bón hữu cơ hoặc hữu cơ vi sinh, thuốc trừ sâu, thuốc thú y có nguồn gốc sinh học, coi phụ phẩm nông nghiệp là nguyên liệu chế biến phân hữu cơ, kết hợp với chế biến sâu, sản xuất theo chuỗi giá trị, dựa trên các hợp tác xã kiểu mới, các doanh nghiệp nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp – Công nhân nông nghiệp hiện đại, xây dựng thương hiệu quốc gia và quốc tế, dựa vào tài nguyên thiên nhiên, khai thác triệt để các nguồn gen bản địa của Việt Nam và công nghệ hiện đại của thế giới.

Với tiềm năng da dạng sinh học của Việt Nam, với sự lao động cần cù, trí thông minh của nông dân, nếu có chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, với sự liên kết chặt chẽ giữa hợp tác xã, doanh nghiệp với việc áp dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp kỹ thuật số, phát triển nông nghiệp xanh, Việt Nam tự tin sẽ đạt mục tiêu trở thành cường quốc về nông nghiệp trên thế giới, người nông dân sẽ có thu nhập cao, nông nghiệp Việt Nam không chỉ là trụ đỡ của kinh tế, mà nông thôn Việt Nam sẽ là nơi đáng sống nhất và là điểm du lịch xanh của thế giới vào năm 2050.

Trần Đình Long – Phó Giáo sư, Viện sĩ, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam,

Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học – Giáo dục và Môi trường,

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version