- Phong trào sửa quần áo chống thời trang nhanh ở Anh
- EU cấm tiêu hủy quần áo tồn kho
- Nhiều quốc gia siết chặt quản lý “rác thải” thời trang nhanh
- Hạ viện Pháp thông qua dự luật hạn chế thời trang nhanh
Thế giới đang tiêu thụ 80 tỷ sản phẩm quần áo mỗi năm, tăng gấp 4 lần so với hai thập kỷ trước. Trong quá khứ, mỗi năm ngành thời trang chỉ có 2 mùa chính: Xuân Hạ – Thu Đông, nhưng hiện nay đã sản sinh ra 52 mùa thời trang với tần suất cập nhật xu hướng gần như mỗi tuần.
Năm 2021, dưới sự ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu, lĩnh vực thời trang vẫn chiếm gần 10% trong bảng xếp hạng 100 thương hiệu giá trị nhất thế giới. Từ bảng tổng kết bên cạnh đây, có thể thấy ngành công nghiệp thời trang luôn đứng vị trí vững chắc, đóng góp hơn 330 tỷ USD vào giá trị toàn cầu với 7 thương hiệu trong top 100. Ngành thời trang phát triển đã đóng góp rất lớn vào vấn đề giải quyết việc làm ở các nước kém và đang phát triển, nhân công có việc làm, giúp làm tăng GDP quốc gia, tăng kim ngạch xuất khẩu. Nhưng bên cạnh đó, mặt trái của ngành thời trang, đặc biệt là ngành thời trang nhanh (ngành sản xuất những loại áo quần giá rẻ một cách nhanh chóng dựa trên những ý tưởng, thiết kế từ các bộ trang phục trên sàn catwalk và các thương hiệu thời trang nổi tiếng) đang là một vấn đề đáng được quan tâm và cần có biện pháp giải quyết. |
Thời trang nhanh đang hủy hoại môi trường
Nhằm đáp ứng nhu cầu may mặc, con người đã nghiên cứu và áp dụng sợi tổng hợp để tạo ra nhiều chất liệu phù hợp với các loại trang phục đặc thù như váy cô dâu, váy dự tiệc, đồng phục bảo hộ công nhân…
Trong loại vải sợi tổng hợp có chứa polyester – chất không phân hủy sinh học. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng hạt vi nhựa trong môi trường nước sẽ xâm lấn vào chuỗi thức ăn của con người, vấn đề này đến nay vẫn chưa đánh giá được mức độ hậu quả.
Không chỉ sợi tổng hợp, sợi tự nhiên cũng gây ô nhiễm thông qua sự ô nhiễm nông nghiệp. 70 triệu cây rừng bị đốn hạ để lấy đất trồng bông. Bông là loài cây tiêu thụ nhiều nước. Mặc dù chỉ chiếm 2,4% đất nông nghiệp, nhưng tiêu thụ tới 10% tất cả loại hóa chất nông nghiệp và 25% thuốc trừ sâu.
Những nhà máy sản xuất thời trang nhanh chủ yếu tập trung ở các nước đang phát triển với nguồn nhân công lớn và rẻ mạt. Máy móc được sử dụng đa phần đều chưa có hệ thống xử lý nước thải hiện đại. Mà quá trình nhuộm vải dùng rất nhiều hợp chất hóa học độc hại để thực hiện các khâu như loại bỏ tạp chất, tẩy trắng màu vải tự nhiên, nhuộm màu vải…
Không dừng lại ở ô nhiễm nguồn nước, ngành thời trang nhanh cũng mang tới những tác động tiêu cực gây ô nhiễm không khí. Việc sản xuất nilon tạo ra nitrogen dioxide – một loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn cả carbon dioxide tới 300 lần. Ước tính có khoảng 1,2 tỷ tấn carbon được thải ra chỉ riêng từ ngành thời trang nhanh.
Năm 2018, 17 triệu tấn chất thải dệt may đã được đưa đến các bãi rác thải. Nhưng chỉ 2,5 triệu tấn được tái chế; 3,2 triệu tấn đốt cháy thu hồi năng lượng; và 11,3 triệu tấn bị chôn lấp.
Dựa vào biểu đồ trên có thể thấy rằng lượng rác thải thời trang mỗi năm tăng nhanh và liên tục. Chỉ trong vòng gần 20 năm, rác thải thời trang từ 9,5 triệu tấn đã tăng lên gần gấp đôi (17 triệu tấn).
Trong khi đó lượng rác thải thời trang bị chôn lấp cao hơn rất nhiều lần so với lượng quần áo được mang đi tái chế. Không chỉ vậy, rác thải dệt may được xử lý bằng biện pháp chôn lấp cần hàng trăm năm mới có thể phân hủy hết.
17 triệu tấn chỉ là con số về lượng rác thải thời trang bị đưa đến bãi phế thải vào năm 2018. Ngành thời trang bán 80 tỷ đến 150 tỷ bộ quần áo mỗi năm. Dân số thế giới năm 2020 là khoảng 7,8 tỷ người. Tính ra một năm mỗi người phải mua 15 bộ quần áo thì mới có thể tiêu thụ được hết số lượng quần áo đã sản xuất ra. Những bộ đồ vẫn có thể sử dụng trong tủ sẽ được xử lý thế nào nếu chúng ta cứ liên tục có thêm những bộ quần áo mới?
Cứ như vậy, số lượng nhà máy sản xuất tăng lên, quần áo được sản xuất ra ngày càng nhiều, càng có thêm nhiều rác thải thời trang. Đó là một vấn đề đáng báo động và cần tìm ra biện pháp giải quyết, vì môi trường bị ảnh hưởng trực tiếp từ ngành công nghiệp thời trang nhanh và con người phải hứng chịu những hệ quả đó.
Phát triển thời trang bền vững là xu hướng tất yếu của ngành thời trang
Nhận thấy được những vấn đề do thời trang nhanh gây ra với môi trường. Xu hướng thời trang bền vững đang dần phát triển và trở nên phổ biến.
Thời trang bền vững là các sản phẩm thời trang, may mặc không tạo ra nhiều tác động gây hại đến môi trường bao gồm từ nguyên liệu, khâu sản xuất, quá trình sử dụng, phân hủy hay tái chế. Ngành công nghiệp thời trang bền vững phải là một ngành có khả năng hoạt động được lâu dài, trong nhiều năm và trong những thập kỷ tới. Những sản phẩm may mặc được tạo ra không giết chết những con vật vô tội và phải coi trọng quyền lao động của người.
Các sản phẩm thời trang phải có nguồn gốc từ nguyên liệu thiên nhiên hoặc sử dụng nguyên liệu tái chế.
Trong quá trình sản xuất đảm bảo rằng có phương pháp tối ưu nhằm hạn chế các chất thải bị đưa trực tiếp ra ngoài môi trường. Không sử dụng các hoá chất có hại tham gia vào quy trình dệt vải hay may áo quần.
Người tiêu dùng khi mua một bộ trang phục cần phải cân nhắc kỹ lưỡng xem mình có thể sử dụng lâu dài và ứng dụng chúng được vào nhiều trường hợp không. Với những đồ dùng không sử dụng nữa thay vì vứt bỏ đi, chúng ta sẽ tái chế và dùng cho mục đích khác.
Thời trang là được tạo ra để chúng ta trở nên đẹp hơn, thời trang phải chạy theo con người. Vì thế chúng ta không cần mải miết đuổi theo xu hướng mà vô tình gây ra những hệ lụy đáng tiếc.
Nếu như trước đây lượng áo quần được sản xuất hàng loạt với tốc độ nhanh chóng thì hiện tại điều này đã được cải thiện đáng kể. Tình hình dịch bệnh đã làm cho nền kinh tế bị khủng hoảng và đi xuống. Song hành với nó đó là lượng sản phẩm thời trang bán ra rất chậm làm cho nhiều hãng thời trang bị ứ đọng hàng tồn kho.
Ở Việt Nam, ngành công nghiệp thời trang bền vững bắt đầu xuất hiện rõ nhất vào năm 2016. Một số nhà thiết kế nổi tiếng của Việt Nam đã cho ra đời các bộ sưu tập thời trang tiếp cận với xu hướng thời trang bền vững. Cũng có nhiều chiến dịch về rác thải thời trang được tổ chức, thu hút được đông đảo các bạn trẻ tham gia. Sự kiện “Tắt đèn bật ý tưởng 2021” được tổ chức bởi BOO nhằm mục đích tác động đến nhận thức của giới trẻ về tác hại của ngành thời trang nhanh và nâng cao trách nhiệm với môi trường.
Mặc dù hiện nay có tương đối nhiều biện pháp khắc phục từ khâu sản xuất vải và quần áo, tuy nhiên nó chỉ khắc phục được phần nào, nếu nhu cầu may mặc của con người vẫn tăng cao thì ngành thời trang nhanh vẫn còn là một vấn đề nan giải đối với môi trường.
Chúng ta có thể làm giảm sự đào thải khí carbon đến 400% nếu lựa chọn mặc một chiếc áo 50 lần thay vì chỉ 5 lần.
Xu hướng thời trang bền vững ra đời là một biện pháp khắc phục tình trạng tàn phá môi trường trầm trọng của ngành thời trang nhanh. Chúng ta, đặc biệt là các bạn trẻ cần phải trang bị cho mình những kiến thức về môi trường, thay đổi hành vi mua sắm để tiếp tục gìn giữ và phát triển thời trang bền vững, ý thức hơn về trách nhiệm của bản thân đối với Trái đất.
Theo Hà Phương, VTV