Trung bình cứ 1,5m vải thì có 15cm bị lãng phí. Tức có 15% tổng số vải thừa bị bỏ đi trong quá trình sản xuất. Tuy số lượng nguyên vật liệu thừa không gây ra thiệt hại về mặt tài chính cho các doanh nghiệp. Điều này lại là mối quan ngại rất lớn đối với môi trường. Vậy thì làm thế nào để tận dụng được hết toàn bộ số lượng vải khi sản xuất? Hãy cùng tìm hiểu khái niệm Zero Waste Fashion Design (thời trang không chất thải) qua bài viết lần này nhé!
THỜI TRANG KHÔNG CHẤT THẢI LÀ GÌ?
Khái niệm Zero Waste (không chất thải) được sử dụng lần đầu bởi Paul Palmer. Một nhà hóa học và là nhà sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Zero Waste Institute. Ban đầu, nỗ lực “không chất thải” của Paul Palmer nằm ở việc tái sử dụng và xử lý nguyên liệu thô. Dần dần, Zero Waste trở nên phổ biến hơn. Do đó cũng có nhiều cách định nghĩa và tiếp cận trong đa ngành nghề. Năm 2008, khái niệm Zero Waste Fashion (thời trang không chất thải) xuất hiện và dần trở nên phổ biến trong ngành công nghiệp dệt may.
Zero Waste Fashion là một khái niệm thời trang mang tính chiến lược và tuyên truyền với sứ mệnh thuyết phục người tiêu dùng thay đổi lối sống. Nhà sản xuất thay đổi phương thức sản xuất để hướng đến tương lai xanh, bền vững.
Chất thải thời trang
Để hiểu được Zero Waste Fashion, trước hết, ta cần hiểu Waste (chất thải) trong thời trang có gì. Trong ngành công nghiệp may mặc, chất thải được chia làm hai dạng chính. Đó là chất thải trước và sau tiêu dùng. Thông thường, các phương pháp như tái sử dụng, tái chế, phục hồi nguyên vật liệu đều nhằm mục đích hạn chế chất thải sau tiêu dùng.
Tuy vậy, những phương pháp kể trên cũng có những hạn chế nhất định. Ví dụ, chúng ta thường chỉ có thể tái sử dụng nguyên vật liệu để làm phụ kiện nhỏ như túi đựng tiền, nón. Hơn thế nữa, việc tái sử dụng vải yêu cầu những công đoạn cắt may để tạo hình sao cho đẹp mắt, tuy nhiên, kết cấu của tấm vải có khả năng bị phá vỡ qua những lần chỉnh sửa.
Zero Waste Fashion hướng đến một lối đi cầu toàn hơn khi ngăn chặn toàn bộ lượng vải thừa ngay trong quá trình sản xuất, hứa hẹn sẽ trở thành phương pháp tối ưu để tận dụng 100% nguyên vật liệu.
Trong quá khứ, có nhiều cái tên tiêu biểu đã đặt nền móng cho Zero Waste Fashion Design như Benard Rudofsky với tạp san Are Clothes Modern, Deborah K Burnham – tác giả của cuốn sách Cut My Cote và là nhà nghiên cứu về kỹ thuật “không chất thải” trong trang phục truyền thống. Về sau, làng thời trang chứng kiến những kiệt tác của Madeleine Vionnet – nhà thiết kế đại tài được mệnh danh là người đã sáng tạo ra kỹ thuật bias cut (cắt vải xéo).
THỜI TRANG KHÔNG CHẤT THẢI TRONG THỜI KỲ HIỆN ĐẠI HÓA
Trước khi nghiên cứu về kỹ thuật Zero Waste Fashion Design, hãy cùng nhìn qua phương pháp thiết kế phổ biến trong ngành thời trang: Fully-fashioned, A-POC, và Cắt & May. Từ đó, các bạn có thể xem xét mối liên hệ giữa các phương pháp với nhau, và giữa phương pháp thiết kế với lượng vải thừa tạo ra.
1. Fully-fashioned: kỹ thuật dệt kim liền mạch
Kỹ thuật này thường được áp dụng trong sản xuất hàng may mặc dệt kim: vải được dệt kim từng mẫu một, sau đó được may lại với nhau mà không cần cắt.
Seamless knitting (dệt kim liền mạch) là một trong những phương pháp thuộc kỹ thuật Fully-fashioned, thế nhưng, nó hiện đại hơn và được áp dụng khoa học kỹ thuật cao. Đối với kỹ thuật dệt kim liền mạch, máy dệt sẽ dệt vải thành hình dạng ba chiều dựa trên tính toán của máy. Vậy nên, việc may các mẫu lại trở nên không cần thiết.
Công ty tiên phong trong Seamless knitting là Shima Seiki. Sau khi dành ra 20 năm nghiên cứu và phát triển thiết bị chuyên môn, Shima Seiki trở thành nhà sản xuất đầu tiên ra mắt công nghệ WHOLEGARMENT, được cấp bằng sáng chế vào năm 1995, Công nghệ WHOLEGARMENT là sự kết hợp giữa công nghệ cơ điện tử, lập trình máy tính và kỹ thuật dệt kim.
Ngoài ra, có những hãng thời trang/ nhà sản xuất tiêu biểu khác sử dụng kỹ thuật dệt kim liền mạch như: Wolford, Santoni.
Vải không dệt
Ngoài kỹ thuật dệt kim liền mạch, fully-fashioned còn bao gồm công nghệ non-woven fabric (vải không dệt). Vải không dệt là một khái niệm khá quen thuộc với thị trường, và chúng được dệt từ nhiều nguyên liệu khác nhau. Một vài cái tên tiêu biểu trong lĩnh vực này là NTK Issey Miyake và công ty Fabrican Ltd.
Issey Miyake là NTK thời trang Nhật Bản, nổi tiếng với sự kết hợp các yếu tố phương Đông và phương Tây trong thiết kế của mình. Vào năm 1980-1981, ông cho ra mắt BST Thu Đông “Bodice” được làm từ những nguyên liệu không dệt như nhựa, rattan (mây) và dây kim loại.
Fabrican Ltd một công ty thương mại hóa nghiên cứu của giáo sư Manel Torres về loại vải không dệt dưới dạng xịt khí.
Công nghệ dệt vải không có vải thừa
Bên cạnh những kỹ thuật xử lý vải không dệt, công nghệ vải dệt cũng rất tiềm năng. Nhà thiết kế kiêm kỹ thuật viên Ấn Độ Siddhartha Upadhyaya, thuộc nhãn hiệu thời trang thân thiện với môi trường – August, đã nảy ra ý tưởng kết nối khung dệt vải tự động với một hệ thống máy tính. Chỉ với một phần mềm, DPOL (Direct Panel On Loom – bảng điều khiển trực tiếp trên khung dệt) các nhà thiết kế có thể tạo ra những mẫu vải với kích thước chính xác và vừa vặn nhất để hoàn thiện trang phục, không cần phải qua khâu cắt vải. Điều này sẽ giúp tiết kiệm đáng kể những nguyên liệu thô ban đầu.
2. A-POC
Vào cuối những năm 1990, nhà thiết kế thời trang người Nhật Bản Issey Miyake và đồng nghiệp Dai Fujiwara đã cho ra đời A-POC (A Piece Of Cloth). Kỹ thuật này gồm một ống vải phẳng được dệt kim hoặc dệt thoi. Với hai mặt của ống được nối thành các vùng để tạo ra các khoang trong ống.
Kỹ thuật A-POC sử dụng đan dọc trong khi dệt kim liền mạch sử dụng đan ngang. Cả hai đều dựa vào máy tính để hướng dẫn máy dệt kim. Người tiêu dùng mua một cái ống và lần theo các đường của ống nối để cắt may theo ý mình. Số lượng chất thải sẽ tùy thuộc vào kỹ thuật của khách hàng.
3. Kỹ thuật cắt may không vải thừa
Thông thường, việc cắt may sẽ lãng phí từ 10%-20% nguyên vật liệu. Chính vì vậy, sự ra đời của Zero Waste Fashion Design (ở đây được hiểu là kỹ thuật cắt may không vải thừa) hứa hẹn sẽ giải quyết triệt để vấn đề này. Các NTK sử dụng kỹ thuật cắt may không vải thừa biết cách kết hợp hài hòa mẫu thiết kế trong cả không gian hai chiều và ba chiều. Ngay từ khi đặt bút vẽ, họ đã tính toán sao cho lúc cắt vải, mọi mảnh đều được đặt gần sát nhau và không chừa bất kỳ một khoảng trống nào.
Những nhà thiết kế có chuyên môn cao trong lĩnh vực này không thể không kể đến Julian Roberts. Với kỹ thuật cắt trừ (Subtraction Cutting). Mark Liu với kỹ thuật rập Hình học phi Euclid (Non-Euclidean Patternmaking). Yeohlee Teng với thiết kế mang đậm tính điêu khắc, kiến trúc. Yoshiki Hishinuma với thiết kế được làm toàn bộ từ các mảnh vải hình tam giác đều.
Hi vọng qua bài viết lần này về Thời trang không chất thải có thể giúp độc giả yêu thời trang có thêm góc nhìn mới mẻ về kỹ thuật này, cũng như triết lý bảo vệ môi trường của Zero Waste.
Nguồn: Chaubui.net