Cứ mỗi khi các tuần lễ thời tranh đình đám vào hồi nhộn nhịp nhất, cũng là lúc các tổ chức bảo vệ động vật hay bảo vệ môi trường tìm cơ hội để “lên tiếng”, với mục đích lôi kéo sự chú ý của truyền thông và dư luận…
Trang CNN vừa đưa thông tin về buổi trình diễn của thương hiệu Victoria Beckham, thuộc khuôn khổ Tuần lễ Thời trang Paris. Tác giả bài viết cho biết các nhà hoạt động vì quyền động vật, thuộc Nhóm Bảo vệ Quyền động vật PETA, đã “xông” lên sàn catwalk khi người mẫu đang trình diễn. Nhóm người này mặc áo trắng mang dòng chữ phản đối việc thương hiệu sử dụng da động vật trong may mặc như: “Động vật không phải là vải”, “Ngưng sử dụng da động vật”…
Họ đã bước đi cùng người mẫu trình diễn trước khi bị lực lượng chức năng đưa khỏi sàn catwalk. Nhóm người này cho biết mặc dù thương hiệu của Victoria Beckham đã ngưng sử dụng lông thú và các loại da động vật tổng hợp trong các bộ sưu tập của mình, nhưng đến nay, thương hiệu này bị cho là vẫn còn sử dụng da bê.
Trước đó khoảng 1 tuần, nhóm người thuộc tổ chức này cũng đã có hành động tương tự trong show diễn của Fendi. Một phụ nữ đã bất ngờ xông vào sàn diễn của Fendi cầm theo tấm biển với thông điệp “Động vật KHÔNG phải là quần áo”. Sự kiện này nhanh chóng trở thành tâm điểm trong cộng đồng mạng và thu hút sự chú ý của công chúng cũng như báo chí.
Phó chủ tịch PETA khu vực châu Âu Mimi Bekhechi cho biết: “Không có trang phục hoặc phụ kiện nào đáng phải giết mổ và lột da một cách thô bạo những động vật thông minh và nhạy cảm”. Bà Mimi Bekhechi nói thêm rằng tổ chức đã yêu cầu Victoria Beckham chuyển sang sử dụng những chất liệu da thực vật làm từ táo, nho, dứa, nấm… Đây là chất liệu mà theo Mimi Bekhechi là “phù hợp môi trường” và “có đạo đức”.
Nhóm PETA trước đây cũng từng phản đối buổi biểu diễn của thương hiệu Coach ở New York, thương hiệu Burberry ở London, Fendi ở Milan… Vào tháng 10/2021, show Louis Vuitton tại Paris Fashion Week 2022 diễn ra đầy kịch tính khi một vị khách cố tình trà trộn lên dàn người mẫu catwalk với biển hiệu “overconsumption = extinction” (tạm dịch: sản xuất quá mức dẫn đến sự diệt vong). Hay tương tự ở show diễn của Coach, khi các người mẫu đang giới thiệu bộ sưu tập mới thì một người phụ nữ bỗng lao lên sàn diễn với lớp sơn phủ khắp cơ thể, mô phỏng cách lột da động vật của ngành công nghiệp thời trang…
Với tần suất dày đặc và như một hiệu ứng domino lặp lại trong những tháng thời trang trọng điểm, không ít người đổ lỗi cho an ninh lỏng lẻo, một số khác dấy lên nghi ngờ về tính chân thực của những màn đấu tranh vì sự bền vững này. Một số người cho rằng, sau các sự cố này, các thương hiệu thậm chí sẽ nổi tiếng hơn. Những khán giả ít hứng thú với ngành thời trang có khi sẽ bắt đầu chú ý đến thương hiệu khi họ lướt qua một bản tin buổi sáng nào đó.
Ngược lại, biên tập viên thời trang Alexandra Hildreth tin rằng những hành động gần đây của PETA trong tháng thời trang không hẳn là có hại. “Việc làm gián đoạn một sự kiện có thể là thiếu tôn trọng nhưng nó không gây hại gì cả. Nếu bạn muốn tạo ra sự thay đổi, sẽ không có thời gian hoặc địa điểm nào được coi là thích hợp hay không thích hợp,” bà Hildreth nói.
“Xét về lâu dài, những màn phá đám này có thể tạo tiền đề cho những cuộc thảo luận nghiêm túc trong thời trang về tính bền vững, đạo đức hay những sự thay đổi cần thiết mà cả nhà thiết kế cũng như nhãn hàng cần tính toán cho thương hiệu của mình”.
Thực tế, các siêu thương hiệu đang đối mặt với sự chỉ trích ngày càng tăng về việc phân bổ ngân sách hạn chế trong các lĩnh vực bền vững. Theo CEO Today, các thương hiệu xa xỉ có lợi thế hơn các nhà bán lẻ thời trang nhanh vì sản phẩm của họ là những món đồ mà người tiêu dùng sẽ giữ trong bộ sưu tập của mình trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, họ không nên bỏ qua xu hướng ngày càng tăng đối với các sản phẩm bền vững và có ý thức. Người tiêu dùng thuộc thế hệ Millennials và thế hệ Z là những người đang thúc đẩy 85% tăng trưởng doanh số bán hàng xa xỉ trên toàn cầu.
Các công ty sản xuất xa xỉ phẩm muốn duy trì vị thế của mình trên thị trường cao cấp không thể bỏ qua những lời kêu gọi hành động này. Nếu muốn duy trì sự phù hợp, họ nên xem xét mối đe dọa của cuộc khủng hoảng khí hậu một cách nghiêm túc và chuyển sang làm xa xỉ phẩm bền vững và có đạo đức. Ngày càng có nhiều nhà thiết kế, chẳng hạn như Armani, Jimmy Choo, Givenchy và Versace, tuyên bố sẽ không sử dụng lông thú trong các bộ sưu tập của mình.
Theo NTK Stella McCartney: “Quan niệm lỗi thời đánh giá quá cao tuổi thọ của da thuộc và lông thú. Nếu xem chúng là biểu tượng của sự xa xỉ thì tin tôi đi, những đôi giày bằng chất liệu thay thế còn đáng giá hơn giày da thông thường, dưới những cỗ máy hiện đại được ‘thuần hóa’ bởi người thợ lành nghề”. Stella cũng nói rằng việc đối xử tàn bạo với động vật sẽ là chủ đề nóng tiếp theo mà ngành thời trang phải đối diện”.
Patrick Thomas, thành viên Hội đồng quản trị của MycoWorks và cựu Giám đốc điều hành của Hermès cho biết thêm: “Hành trình khai phá các vật liệu thay thế cho da động vật đã bắt đầu từ nhiều thập kỷ trước nhưng tại sao sự thay đổi như vừa bắt đầu vào ngày hôm qua? Đó là bởi hầu hết các phát minh trước đây đều không đáp ứng chất lượng cao cấp. Giờ thì công nghệ có thể giúp mọi thứ tốt hơn”.
Cuộc chiến sống còn của ngành xa xỉ sẽ trở nên rất thực tế đối với nhiều thương hiệu trong năm 2024. Liv Simpliciano, Giám đốc Nghiên cứu và Chính sách tại Fashion Revolution kết luận với một điểm quan trọng: “Nhiều giải pháp và cách sản xuất bền vững ngày nay đến từ văn hóa bản địa. Thật thiếu sót nếu không kể tên những đóng góp của họ trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường. Tính bền vững không chỉ là công nghệ mới nhất, đẹp nhất mà còn là việc trở lại với sự cơ bản. Đó là sống có mục đích và đề cao các giá trị. Bền vững cũng có thể đơn giản như việc tách rời một bộ quần áo yêu thích và thử nghiệm những bản phối mới từ tủ đồ sẵn có”.
Theo VnEconomy