Trải qua những bài học, kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất và bảo vệ môi trường, khái niệm về công nghệ xanh, công nghệ sạch đã hình thành và trở thành xu thế tất yếu hiện nay. Thực trạng ô nhiễm môi trường từ sản xuất đã đặt ra những thách thức không nhỏ trong việc cải tiến công nghệ để hướng tới các chỉ số phát thải ra môi trường đảm bảo không gây ô nhiễm.
Khái quát về công nghệ xanh
Khái niệm công nghệ xanh bắt đầu có từ thập niên 60-70 của thế kỷ trước, xuất phát từ sự nhận thức của con người về nguy cơ công nghệ có thể tàn phá môi trường sinh thái, đe dọa sự sống còn của nhân loại. Từ đó, công nghệ nào có nguy cơ tàn phá môi trường, công nghệ nào ít gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường hơn được phân biệt. Theo định nghĩa tiếng Anh, công nghệ xanh (green technology) hay còn gọi là công nghệ sạch (clean technology) là các công nghệ thân thiện với môi trường dựa trên quy trình sản xuất hoặc chuỗi cung ứng sạch. Theo định nghĩa tại Khoản 5 Điều 2 Chương I Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017, công nghệ sạch là công nghệ phát thải ở mức thấp chất gây ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, sử dụng ít tài nguyên không tái tạo hơn so với công nghệ hiện có.
Mục tiêu chính của công nghệ xanh là ngăn chặn, khắc phục những tác động tiêu cực mà con người gây ra đối với môi trường. Nó không chỉ đem lại lợi ích cho thiên nhiên mà còn tạo cho con người thói quen sạch và xanh, đảm bảo Trái đất khoẻ mạnh để sự sống diễn ra mạnh mẽ.
Một số lĩnh vực ứng dụng của công nghệ xanh
Các công nghệ xanh hiện đang được phát triển, ứng dụng cho các hoạt động sản xuất, xây dựng, xử lý môi trường, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất năng lượng, khai khoáng, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp…
Mới đây, các nước châu Âu đã thông qua bản “Kế hoạch khí hậu” do Liên minh châu Âu (EU) đề xuất, với trọng tâm cấm bán mới các loại xe ô tô chạy nhiên liệu hóa thạch từ năm 2035, qua đó hướng tới tham vọng biến châu Âu thành lục địa không phát thải cacbon vào giữa thế kỷ XXI. Trong bối cảnh phát thải từ xe hơi và các phương tiện giao thông sản sinh lượng cacbonic lớn ở châu Âu, đề xuất mới này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều nước. Các nhà sản xuất ô tô tại châu Âu sẽ phải cắt giảm 100% phát thải khí cacbonic vào năm 2035 và không thể bán ra những chiếc xe mới sử dụng động cơ xăng hay dầu diesel tại 27 quốc gia thành viên EU. Trước kỳ hạn trên, các hãng sản xuất xe hơi phải cắt giảm 55% phát thải cacbon từ ô tô xuất xưởng vào năm 2030 so với năm 2021. Công nghệ xanh trong lĩnh vực xe hơi hiện đang là xu thế phát triển rất mạnh tại các nước, trong đó Việt Nam đã tham gia vào chuỗi sản xuất xe điện sạch, với các mẫu xe điện của tập đoàn Vinfast.
Trong lĩnh vực năng lượng xanh, hiện tại trên thế giới đang phát triển 5 nguồn năng lượng sạch phổ biến bao gồm: năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối, năng lượng từ địa nhiệt và năng lượng từ đại dương bên cạnh các năng lượng được sản xuất từ các nguồn truyền thống như thủy điện, nhiệt điện, điện hạt nhân, điện khí. Các dạng năng lượng mới khác như hydro xanh, lưu trữ năng lượng… đang được nghiên cứu, triển khai. Theo cam kết của các nước thành viên tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), các nước sẽ hạn chế sử dụng năng lượng từ than và dẫn tới loại bỏ hoàn toàn, điện hạt nhận tiềm ẩn những nguy cơ về môi trường lớn trong trường hợp xảy ra sự cố (đã có những bài học từ Nhật Bản, Ucraina…). Do đó, việc phát triển các nguồn năng lượng sạch khác thay than là hết sức cần thiết.
Việt Nam đã có sự phát triển bùng nổ về năng lượng tái tạo (năng lượng gió, mặt trời) trong thời gian vừa qua. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện có công suất điện mặt trời được lắp đặt toàn diện nhất ở Đông Nam Á, với 16.500 MW được sản xuất vào năm 2020 và nằm trong top 10 quốc gia có công suất lắp đặt điện năng lượng mặt trời cao nhất trên toàn cầu vào năm 2020. Với tiềm năng lớn về điện mặt trời và các mục tiêu năng lượng xanh đầy tham vọng vào năm 2050, Việt Nam có nhiều cơ hội để trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về năng lượng tái tạo. Ngoài ra, có lý do thuyết phục để thành lập các dự án năng lượng gió ở Việt Nam do có đường bờ biển dài, nguồn tài nguyên gió lớn nhất trong khu vực với tiềm năng lớn.
Đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam, phát thải khí nhà kính tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực trồng lúa nước, chăn nuôi, quản lý đất và sử dụng phân bón. Do vậy, các giải pháp ứng dụng công nghệ xanh nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp cần tập trung vào 3 lĩnh vực chủ yếu này. Việt Nam hiện là một trong những nước xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp và đã có những ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, mang lại gia trị gia tăng lớn với quy trình sản xuất sạch, hiện đại, đáp ứng các quy định của các nhà nhập khẩu nước ngoài.
Đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp, việc phát thải khí nhà kính đến chủ yếu từ các ngành sản xuất như: khai thác và làm giàu quặng kim loại; luyện kim; sản xuất giấy, bột giấy, ván sợi (MDF, HDF); sản xuất hóa chất, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật; nhuộm (vải, sợi), giặt mài; thuộc da; lọc hóa dầu; nhiệt điện than, sản xuất cốc, khí hóa than, điện hạt nhân; xử lý tái chế chất thải; xi mạ, làm sạch bề mặt kim loại bằng hóa chất; sản xuất pin, ắc quy; sản xuất clinker; chế biến mủ cao su; chế biến tinh bột sắn; chế biến mía đường; chế biến thủy sản. Theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các dự án đầu tư được phân loại vào một trong 4 nhóm (nhóm I, II, III và IV) để thực hiện các thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường, trong đó các dự án đầu tư thuộc nhóm I có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao và một phần các dự án nhóm II có nguy cơ tác động xấu đến môi trường. Việc phân loại các dự án theo loại hình sản xuất như trên để có các cơ quan quản lý lưu ý, yêu cầu giám sát môi trường nghiêm ngặt hơn, yêu cầu ứng dụng công nghệ xanh, sạch hơn để bảo vệ môi trường.
Năm 2021, sự hồi sinh của ngành công nghiệp, công nghệ xanh thu giữ và sử dụng cacbon (Carbon capture, use and storage – CCUS) được củng cố khi xu hướng toàn cầu hướng tới các mục tiêu khí hậu đang phát triển mạnh mẽ. Lộ trình hoạt động cho các dự án CCUS quy mô lớn tăng mạnh vào năm 2021, một số chính phủ nhận thức được tầm quan trọng và đang đầu tư chung hàng tỷ USD vào phát triển ngành này. Các trung tâm vận chuyển và lưu trữ ngày càng trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển thu giữ cacbon trong tương lai, cho phép nhiều ngành công nghiệp và các nhà máy nhỏ coi thu giữ cacbon là một lựa chọn khả thi cho các mục tiêu khử carbon. Các quốc gia tại Bắc Mỹ và châu Âu dẫn đầu thị trường, đặc biệt là các quốc gia có mục tiêu bằng giảm phát thải ròng về 0 theo cam kết tại COP26. Hiện tại, đang có sự chuyển hướng từ các cơ sở xử lý khí đốt tự nhiên truyền thống sang các loại hình sản xuất khác đa dạng hơn, bao gồm các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp hóa chất, sản xuất hydro và phát điện. Nhu cầu ngày càng tăng đối với các vật liệu cacbon thấp như xi măng và thép sẽ thúc đẩy các ứng dụng của hydro/CCUS như là công nghệ quan trọng cho quá trình khử cacbon trong công nghiệp.
Trong lĩnh vực xử lý môi trường, khối lượng chất thải rắn (CTR) đang gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam trong những năm gần đây, đòi hỏi cần có những biện pháp kịp thời và công nghệ xử lý phù hợp để bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân. Hiện nay, xu thế xử lý CTR là tái chế, tái sử dụng và tận dụng năng lượng từ chất thải, coi chất thải là nguồn tài nguyên. Các nước châu Âu và các nước G7 hiện đang áp dụng theo xu thế xử lý CTR này. Hiện các nhà máy xử lý chất thải tại châu Âu đã nghiêm cấm việc áp dụng công nghệ chôn lấp CTR, yêu cầu các cơ sở xử lý áp dụng các công sạch trong xử lý CTR, đảm bảo giữ sạch môi trường. Tại châu Âu, các loại hình công nghệ xử lý CTR rất đa dạng, tuy nhiên phổ biến là các dạng công nghệ điện rác từ quá trình lên men khí biogas các sản phẩm hữu cơ, công nghệ điện rác trực tiếp từ rác thải, công nghệ sản xuất phân bón và tạo viên nén RDF để làm nguyên liệu cho các nhà máy thép, xi măng…
Công nghệ xanh không chỉ mang lại sự bảo vệ môi trường xanh mà còn mang lại sự đổi mới cho cuộc sống hàng ngày, đảm bảo tiến bộ khoa học và công nghệ liên tục. Công nghệ xanh hiện không chỉ tác động đến các hoạt động đơn giản từ ngôi nhà đến các hệ thống công nghiệp. Nhận thức về môi trường đóng một vai trò rất lớn trong khi thiết kế các sản phẩm. Được sản xuất bằng công nghệ xanh, những sản phẩm tạo ra có thể giảm thiểu chất thải, giảm thiểu ô nhiễm và thậm chí giảm tỷ lệ phần trăm rất lớn việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch so với các sản phẩm cũ. Những sản phẩm này không chỉ bảo vệ môi trường, mà còn giúp tiết kiệm nguyên nhiên liệu, chi phí sản xuất. Đó là lý do các doanh nghiệp đang chú trọng và nâng cấp các sản phẩm thông thường thành các sản phẩm xanh thân thiện với môi trường.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt đã khẳng định, tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa cacbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Việc phát triển công nghệ xanh có vai trò quan trọng trong thực hiện tăng trưởng xanh của quốc gia.
Những văn bản pháp quy quan trọng hướng tới nền công nghệ xanh
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đặt ra 3 mục tiêu quan trọng là: giảm phát thải, xanh hóa các ngành kinh tế; xanh hóa lối sống; và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Theo đó, mục tiêu tổng quát của Chiến lược là thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% so với năm 2014, năm 2050 ít nhất 30% so với năm 2014.
Việc phát triển công nghệ xanh và nền kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu mà các nước đang hướng tới. Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/06/2022 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Mục tiêu cụ thể của Đề án là góp phần cụ thể hóa mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050 (phù hợp với cam kết của Việt Nam tại COP26).
Chính phủ Việt Nam có các chính sách phát triển công nghệ xanh, kinh tế xanh, tuy nhiên thách thức đặt ra không nhỏ, không chỉ thách thức trong việc lựa chọn, cải tiến công nghệ, mà còn có những thách thức rất lớn trong vấn đề nguồn tài chính để thực hiện. Do đó, mỗi cá nhân cần nhận thức được việc phát triển xanh sẽ góp phần cho bảo vệ môi trường, thúc đẩy xã hội phát triển tốt hơn, theo xu thế xanh, sạch và an toàn.
Nguồn: Laodong.gov.vn