Du lịch Hà Nội hấp dẫn du khách bởi các dòng sản phẩm như du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sức khỏe… Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, tạo điểm nhấn thu hút du khách, nhiều địa phương, điểm đến, cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố đã đẩy mạnh phát triển du lịch xanh. Theo Hiệp hội Du lịch sinh thái quốc tế (TIES), đây là loại hình du lịch có trách nhiệm với các khu tự nhiên, bảo tồn môi trường, duy trì cuộc sống của người dân địa phương.
Du khách trải nghiệm các hoạt động tại khu du lịch sinh thái Bản Rõm (huyện Sóc Sơn).
Ảnh: Đỗ Tâm
Tạo dấu ấn về Hà Nội xanh – sạch – đẹp
Giữa cái nóng đầu hè oi ả, điểm du lịch cấp thành phố xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng) tạo sự dễ chịu với du khách khi đến đây bởi con đường liên xã sạch, đẹp với những hàng cây xanh mát.
Phó Chủ tịch UBND xã Hạ Mỗ Đinh Thị Ngân chia sẻ, lâu nay, người dân của xã luôn giữ gìn nếp sống văn minh, hằng ngày vệ sinh đường làng ngõ xóm. Sau khi Hạ Mỗ được UBND thành phố công nhận là Điểm du lịch vào tháng 4-2021, công tác giữ gìn môi trường xanh – sạch – đẹp càng được đẩy mạnh; các điểm di tích được trồng thêm nhiều cây xanh như: Chùa Hải Giác, đình Vạn Xuân, đền Văn Hiến… “Ngoài đặt tiểu cảnh hoa, trồng cây xanh trên các tuyến đường, chúng tôi đang tập huấn, hướng dẫn bà con cách làm du lịch cộng đồng, tạo thiện cảm với du khách bằng sự thân thiện và sản phẩm nông sản chất lượng”, bà Đinh Thị Ngân cho biết.
Không chỉ tại Hạ Mỗ, nhiều điểm du lịch vùng ngoại thành Hà Nội đang có sự chuyển biến mạnh về xây dựng không gian xanh, sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường trong hoạt động du lịch. Điển hình như xã Cổ Loa (huyện Đông Anh) được nhiều du khách đánh giá cao với trải nghiệm mới tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa. Một trong những dấu ấn ghi điểm với du khách là cảnh quan môi trường sạch, đẹp, thân thiện. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Loa Nguyễn Khả Nghị, ngoài việc giữ vệ sinh chung, trồng thêm cây xanh, chính quyền địa phương đã hướng dẫn người dân sử dụng chai nhựa tái chế thành những thùng rác di động, góp phần tuyên truyền du khách không vứt rác bừa bãi.
Ở khu vực nội thành, nhiều năm nay, các điểm du lịch, dịch vụ, lưu trú cũng tạo dấu ấn với du khách bởi mô hình du lịch xanh, không khói thuốc lá. Theo Sở Du lịch Hà Nội, từ năm 2019, Hà Nội đã triển khai mô hình du lịch không khói thuốc ở 30 điểm du lịch, di tích lịch sử văn hóa tại quận Hoàn Kiếm như: Đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu, chùa Quán Sứ, chùa Bà Đá, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Phụ nữ, Thư viện Quốc gia, Nhà hát Lớn, Nhà thờ Lớn, Nhà thờ Hàm Long, Nhà tù Hỏa Lò, Nhà hát Múa rối nước Thăng Long, Rạp Công nhân… Đây là các điểm có đông khách du lịch tham quan, vì thế đã nhanh chóng tạo được dấu ấn về một Hà Nội xanh – sạch – đẹp – thân thiện và văn minh.
Giới thiệu lịch sử đền Văn Hiến (xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng) cho khách du lịch.
Ảnh: Hoàng Quyên
Lan tỏa mô hình hiệu quả
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, du lịch xanh là con đường để phát triển du lịch bền vững, cũng là chủ trương mà thành phố Hà Nội định hướng phát triển cho du lịch Thủ đô. Nhiều năm qua, các điểm du lịch, lưu trú, cơ sở ăn uống dịch vụ đạt chuẩn phục vụ du khách đều có các tiêu chí về bảo đảm môi trường, cây xanh, cảnh quan, không khói thuốc.
Mặc dù du lịch xanh đang được triển khai với nhiều mô hình tiêu biểu song việc duy trì và phát triển du lịch xanh vẫn gặp không ít khó khăn. Theo Giám đốc điều hành khu nghỉ dưỡng Làng Mít (thị xã Sơn Tây) Trần Văn Hiếu, chi phí vận hành để duy trì môi trường du lịch xanh khá cao, đòi hỏi các đơn vị phải kiên trì và có chiến lược dài hạn. Còn Chủ tịch UBND xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm) Phạm Huy Khôi cho hay, cái khó hiện nay là kêu gọi, vận động, hướng dẫn người dân tham gia thực hiện du lịch xanh một cách thường xuyên và tự giác.
Du lịch xanh đang tạo nên những điểm nhấn tại các khu du lịch của Hà Nội. Để tạo được sự đột phá trong việc xây dựng sản phẩm du lịch xanh cho Thủ đô, PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch – Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, các địa phương cần nhân rộng những mô hình với sản phẩm chuyên biệt, như có thể tạo những con đường với loại cây, hoa đặc trưng nhằm thu hút du khách đến tham quan, chụp ảnh. Người dân tại các khu, điểm du lịch cần được đào tạo thường xuyên các kỹ năng đón tiếp khách, cách làm du lịch cộng đồng, xây dựng sản phẩm trải nghiệm thân thiện, gần gũi thiên nhiên, dịch vụ lưu trú đủ tiêu chuẩn.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, để góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch xanh gắn với du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch sinh thái, Sở Du lịch đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã triển khai nhiều lớp tập huấn cho người dân về ứng xử văn minh du lịch và du lịch cộng đồng.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, các lớp tập huấn góp phần lan tỏa nhiều mô hình du lịch xanh, giúp người dân địa phương phát huy bản sắc, tham gia cùng chính quyền xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm độc đáo cho Thủ đô.
Nguồn: Hanoimoi