Sử dụng vỏ sầu riêng làm phân bón hữu cơ giúp phát triển nguồn phân bón mới phù hợp với yêu cầu sản xuất nông nghiệp của Việt Nam, tiết kiệm chi phí cho người nông dân.

Sầu riêng là loại quả có giá trị kinh tế cao, được trồng nhiều tại miền nam Việt Nam, đặc biệt là tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm khi xuất bán ra thị trường, đặc biệt là xuất khẩu, sầu riêng thường được các hộ kinh doanh tách múi, chế biến thành sầu riêng đóng gói. 

Lượng vỏ được tách trong quá trình chế biến sẽ được thải loại làm phân bón hoặc vứt bỏ đi nơi khác. Tuy nhiên, do khối lượng của vỏ sầu riêng lớn, chiếm đến 70% khối lượng quả nên khi phân hủy, vỏ sầu riêng phát thải mùi và thu hút vi sinh vật gây bệnh, trở thành nguồn đe dọa không nhỏ đến đời sống người dân.

Vỏ sầu riêng sau khi chế biến bị vứt bỏ bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường (Ảnh: nongnghiep.vn/)

Theo một chủ vựa thu mua trái sầu riêng tại huyện Cai Lậy (Tiền Giang), hầu hết các cơ sở kinh doanh sầu riêng chưa xử lý được vỏ trái sầu riêng. Do đó, sau mỗi ngày chế biến, các cơ sở kinh doanh đều phải thuê xe để chở phế phẩm vỏ sầu riêng đi đổ bỏ nơi khác với giá 200.000 đồng/xe. Trong khi đó, nếu bỏ ra vườn làm phân cũng không được, do vỏ có khả năng phát thải mùi nặng, gây ô nhiễm môi trường và phát sinh ra nhiệt, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cây sầu riêng.

Thực trạng này đề ra yêu cầu phải tìm kiếm biện pháp giải quyết triệt để lượng vỏ sầu riêng sau thu hoạch nhưng đảm bảo các yêu cầu về môi trường, hạn chế ảnh hưởng đến người dân. Trên cơ sở đó, tác giả Nguyễn Trọng Hòa đã thực hiện nghiên cứu “Tận dụng phế phẩm nông nghiệp để sản xuất phân hữu cơ từ vỏ sầu riêng kết hợp vỏ sò giúp cải tạo đất”

Tác giả Nguyễn Trọng Hòa cho biết, phân bón hữu cơ là biện pháp xử lý hữu hiệu nhất trong việc xử lý các chất thải hữu cơ. Trước đây đã có nhiều nghiên cứu về tận dụng chất hữu cơ dễ phân hủy (phân động vật, bùn thải bia, bùn thải thủy sản, bùn thải sinh hoạt, rơm, rác sinh hoạt, vỏ lụa hạt điều, bùn thải từ ao nuôi tôm… ) để ủ phân hữu cơ. Sản phẩm khi đưa vào sử dụng cho thấy khả năng thích ứng tốt, giúp cải thiện độ phì nhiêu của đất, tăng năng suất cây trồng (lúa, ngô, rau các loại, đậu đỗ, chè, cây lâm nghiệp…) đồng thời tiết kiệm phân khoáng. 

Tiến hành xay nhuyễn vỏ sầu riêng làm nguyên liệu sản xuất phân bón (Ảnh: vnexpress.net/)

Lợi ích từ việc sản xuất phân hữu cơ cho thấy vỏ sầu riêng sẽ là nguồn nguyên liệu phù hợp, có khả năng tận dụng tốt để phát triển thành phân bón sinh học phục vụ nông nghiệp, giúp cải thiện chất lượng đất, giảm thiểu lượng phế phẩm sầu riêng bị thải bỏ, giảm khả năng ô nhiễm môi trường – tác giả Nguyễn Trọng Hòa nhấn mạnh.  

Theo tác giả Nguyễn Trọng Hòa, phát triển sản phẩm phân hữu cơ từ vỏ sầu riêng phải thực hiện nhiều công đoạn. Một số công đoạn chính bao gồm: xay nhuyễn vỏ sầu riêng để tiến hành ủ chín; phối trộn các nguyên liệu xơ dừa, phân NPK trong quá trình ủ nhằm tăng cường độ ẩm, độ xốp, cân bằng tỷ lệ C/N (cacbon, nitơ) để quá trình phân hủy diễn ra tốt hơn; bổ sung chế phẩm sinh học Trichoderma rút ngắn thời gian phân hủy. Để tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật phân hủy phát triển, trong nghiên cứu còn phối trộn thêm bột vỏ sò để bổ sung hàm lượng canxi cho phân, giúp ổn định pH. 

“Bột vỏ sò được bổ sung thêm góp phần tạo ra công thức phối trộn phù hợp nhất để sản xuất phân đạt chất lượng tiêu chuẩn của ngành và hiệu quả cao trên năng suất cây trồng, giúp cải tạo đất, tăng pH, tăng độ tơi xốp cho đất. Đặc biệt, vỏ sò là nguồn nguyên liệu sẵn có, thường được vứt bỏ sau khi chế biến sò tương tự như vỏ sầu riêng. Sự kết hợp này giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tái chế được lượng lớn phế phẩm vỏ sò và sầu riêng mà trước đây chưa có phương án xử lý hiệu quả” – tác giả Nguyễn Trọng Hòa cho biết.

Bổ sung thêm bột vỏ sò vào phân hữu cơ làm từ vỏ sầu riêng (Ảnh: vnexpress.net/)

Về tính ứng dụng, việc sử dụng phân hữu cơ từ vỏ sầu riêng giúp đất bổ sung tốt lượng dưỡng chất và các vi sinh vật cho đất nông nghiệp, đặc biệt là đất bạc màu, đất chua sau thời gian dài sử dụng phân bón hóa học. Trong phân bón còn được bổ sung thêm bột vỏ sò có thành phần chính là canxi, giúp nâng cao độ pH trong đất, giúp cải tạo đất, nâng pH, đảm bảo khả năng sinh trưởng của cây; đồng thời hạn chế việc lạm dụng vôi nông nghiệp trong quá trình bổ sung pH, hạn chế pha nhiễm kim loại nặng vào trong đất. 

Về ý nghĩa kinh tế – xã hội và môi trường, việc tái chế vỏ sầu riêng và vỏ sò làm phân bón hữu cơ giúp giảm thiểu lượng vỏ sầu riêng và vỏ sò thải ra môi trường một cách lãng phí, gây ô nhiễm; thúc đẩy hướng phát triển kinh tế mới đầy tiềm năng. Ứng dụng phân bón hữu cơ từ vỏ sầu riêng và vỏ sò còn giúp cải thiện kinh tế cho người nông dân, hạn chế việc sử dụng phân bón hóa học vốn có chi phí đắt, hiệu quả kinh tế không cao, về lâu dài có tác động xấu tới môi trường. Kết quả đề tài sẽ là tiền đề cho những dự án, đề tài sau mang tính quy mô, toàn diện hơn về các giải pháp kỹ thuật, công nghệ, chủ trương, chính sách phù hợp ở từng địa phương ở Việt Nam.

Sử dụng phân bón làm từ vỏ sầu riêng trong nông nghiệp cho thấy cây phát triển tốt, cải thiện chất lượng đất (Ảnh: vnepress.net/)

Trong tương lai, khi đưa phân bón từ vỏ sầu riêng vào sử dụng sẽ giúp xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, vòng sản xuất khép kín đối với quả sầu riêng. Các doanh nghiệp khi thu mua nông sản có thể đầu tư giải pháp, trực tiếp ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm sầu riêng. Từ đó tạo ra một nền kinh tế khép tính từ thương lái và người dân, đảm bảo chất lượng nông sản cũng như hạ giá thành sản xuất tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế và nâng tầm giá trị cây sầu riêng tại địa phương.

Theo Công nghiệp sinh học Việt Nam

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version