Yếu tố then chốt là nhận thức và quyết định của chủ doanh nghiệp! Nếu những người đứng đầu doanh nghiệp không thực sự nhận thức đầy đủ thì doanh nghiệp không bao giờ làm được ESG.

Trao đổi tại tọa đàm “Chuyển đổi xanh theo ESG – Doanh nghiệp làm gì khi hạn chế nguồn lực?” do báo Dân trí tổ chức ngày 19/11, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), đánh giá, đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa nên nguồn lực bị giới hạn đáng kể.

Vậy, với điều kiện đó, doanh nghiệp có nên nghĩ đến việc chuyển đổi xanh và thực hiện ESG (Environment – môi trường, Social – xã hội và Governance – quản trị doanh nghiệp) hay không?

ESG là một yêu cầu bắt buộc

Việc thực hiện ESG, theo ông Hòa, đã trở thành một yêu cầu bắt buộc để các doanh nghiệp đạt được phát triển bền vững.

Trước hết, điều này xuất phát từ đòi hỏi của thị trường. Doanh số bán sẽ bị ảnh hưởng nếu doanh nghiệp không làm ESG, không thực hiện chuyển đổi xanh, đặc biệt là với doanh nghiệp xuất khẩu. Tiêu chí xanh đã trở thành một hàng rào kỹ thuật mới buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải làm.

Điều này không diễn ra đồng bộ ở tất cả mặt hàng mà diễn ra ở từng nhóm ngành hàng khác nhau, có thể làm trước, làm sau nhưng ngành hàng nào cũng đến lượt phải thực hiện ESG. Tuy nhiên, ông Hòa cũng chỉ ra thực tế là với nguồn lực hữu hạn nên các doanh nghiệp Việt Nam chỉ thực sự chuyển động khi phải đổi mặt với sức ép của khách hàng, đòi hỏi của thị trường thì khi đó doanh nghiệp mới tích cực chuyển động.

Ông Hòa cho rằng, doanh nghiệp cần nhận thức một cách đầy đủ rằng ESG là xu thế bắt buộc, nếu không làm thì không thể tồn tại và phát triển. Mặc dù hiện nay bối cảnh thị trường chung khó khăn do tổng cầu giảm, nhưng đồng thời cũng cho phép chi phí đầu tư cho chuyển đổi xanh trở nên rẻ hơn. Theo đó, cơ hội đang nằm trong thách thức!

Tại TPHCM, HĐND và UBND gần đây đã công bố chương trình hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp đầu tư thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, là cơ hội để các doanh nghiệp tận dụng.

Đồng thời, về phía HUBA cũng đã cùng Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM – là doanh nghiệp đầu mối được giao cho chương trình hỗ trợ lãi suất nói trên – thành lập một tổ liên ngành để quảng bá, xúc tiến, giải quyết các khúc mắc nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận với chương trình.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) – Ảnh: Nam Anh.

Vốn ở đâu, gỡ rối thế nào?

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, để thực hiện chuyển đổi xanh dứt khoát phải có nguồn vốn, và để có vốn, doanh nghiệp cần vận dụng linh hoạt và nhuần nhuyễn từ nhiều nguồn.

Nguồn vốn đầu tiên là nguồn lực tự thân của mình. Bản thân mỗi doanh nghiệp phải tự cân đối dòng tiền, có khoản đầu tư để phát triển bền vững, duy trì hoạt động của doanh nghiệp.

Nguồn thứ hai là từ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước. Như đã đề cập, chương trình hỗ trợ lãi suất của TPHCM đã được áp dụng nhưng chương trình này có hạn chế là chỉ dành cho những doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và hoạt động tại TPHCM.

Thứ ba là từ nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, để thu hút được thì đòi hỏi doanh nghiệp phải có thương hiệu, có uy tín, có quy mô khá lớn.

Doanh nghiệp phải vận dụng đa dạng các nguồn vốn và nên lồng ghép chuyển đổi xanh với một số chương trình khác. Chẳng hạn như, bên cạnh nhu cầu chuyển đổi xanh là nhu cầu truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng có thể tiếp cận được thông tin sản phẩm từ khi bắt đầu triển khai cho đến khi đóng gói, hoàn tất thông qua việc quét QR Code.

Ngoài vấn đề nguồn vốn, doanh nghiệp còn cần sự hỗ trợ của các đơn vị cung cấp giải pháp trong chuyển giao công nghệ, sự huấn luyện đào tạo.

Sau chuyển giao, doanh nghiệp còn cần nguồn lực vận hành để đảm bảo tiêu chí xanh, phải lên kế hoạch gửi nhân sự đào tạo tại các trường, lớp, tại các trung tâm huấn luyện, tại các doanh nghiệp đi trước.

Cơ hội để doanh nghiệp Việt nắm bắt

Ông nêu chuyển đổi xanh vừa là cơ hội vừa là chi phí. Ông Hòa phân tích, không nắm bắt được xu thế đòi hỏi của thị trường thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ để vuột mất cơ hội. Trong điều kiện doanh nghiệp ở các nước khác chuyển đổi chậm hơn thì đây chính là cơ hội để doanh nghiệp Việt thế chân đối thủ cung cấp đơn hàng.

“Trước hết, nắm bắt cơ hội để làm cho doanh nghiệp Việt lớn lên, trưởng thành lên và có định hướng phát triển bền vững lâu dài. Hai là, trong quá trình chuyển đổi, chúng ta sẽ áp dụng những công nghệ mới, giải pháp mới để hạ giá thành, nâng cao giá trị sản phẩm.

Từ đó, không những giữ được thị trường mà đôi khi còn có thể chen chân vào chuỗi cung ứng, thay thế một số nhà cung cấp khác khi họ chưa chuyển đổi kịp, hoặc họ chưa có được những sản phẩm đạt chuẩn theo đòi hỏi của khách hàng”, theo nhìn nhận của ông Nguyễn Ngọc Hòa.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa nêu ra những nguồn vốn để doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh (Ảnh: Nam Anh).

Để làm được điều đó, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải vượt qua thách thức, phải có đầu tư. Đầu tư ở đây trước hết về mặt tài chính. Thứ hai là về giải pháp, các doanh nghiệp cung ứng giải pháp cũng đã nghiên cứu, phân tích, đưa ra giải pháp khác nhau cho từng loại hình doanh nghiệp tùy vào quy mô, lĩnh vực kinh doanh.

Với vai trò của hiệp hội, HUBA cho biết sẽ kết nối cộng đồng doanh nghiệp, chia sẻ bài học thành công/thất bại, có tham quan thực tiễn, đồng thời tiếp cận với các trường đại học để có được nguồn nhân lực am hiểu, tâm huyết với vấn đề này.

“Có một điều mà tôi thấy có ý nghĩa quyết định đến tất cả – chính là nhận thức và quyết định của chủ doanh nghiệp! Nếu những người đứng đầu doanh nghiệp không thực sự nhận thức đầy đủ vấn đề này thì không bao giờ làm được.

Suy cho cùng, nhận thức, sự quyết tâm, sự kiên trì của những lãnh đạo cấp cao tại doanh nghiệp là yếu tố cốt lõi và quyết định nhất!” – ông Hòa nhấn mạnh.

Chủ tịch HUBA chỉ ra một tâm lý chung của các doanh nghiệp Việt là “nước tới chân mới nhảy”, khi chưa ai gây áp lực thì vẫn bình bình chờ đợi. Theo đó, ông Hòa bày tỏ, các doanh nghiệp cần khắc phục điểm yếu này, cần đón đầu cơ hội chứ không nên chờ nước tới chân mới nhảy.

“Chờ đến lúc đó có khi nhảy không kịp! Nếu để qua thời kỳ nắm bắt cơ hội thì để làm lại là cực kỳ khó!”, ông Hòa nhắn nhủ.

Tọa đàm “Chuyển đổi xanh theo ESG: Doanh nghiệp làm gì khi hạn chế nguồn lực?” thuộc chuỗi sự kiện vệ tinh của Diễn đàn ESG Việt Nam. Diễn đàn năm nay được tổ chức ngày 25/12 với chủ đề “Diễn đàn ESG Việt Nam 2024: Chiến lược phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới”. 

Theo Dân trí

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version