Công nghệ sinh học xanh là xu thế tất yếu của tương lai để giải quyết các thách thức về môi trường, năng lượng, thực phẩm và y tế cho nhân loại. So với công nghệ sinh học truyền thống, công nghệ sinh học xanh có mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; nghiên cứu giảm ô nhiễm môi trường; ứng dụng trong các lĩnh vực năng lượng sạch, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường. Trên thế giới, công nghệ sinh học xanh đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như năng lượng sinh học, xử lý ô nhiễm, bảo tồn đa dạng sinh học, nông nghiệp bền vững, y sinh học… Việt Nam cũng coi công nghệ sinh học xanh là động lực chính để phát triển bền vững. Chính phủ đã có nhiều chính sách thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học xanh. Tuy nhiên, để phát triển mạnh mẽ công nghệ sinh học xanh, cần tăng cường đầu tư nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực, hoàn thiện các cơ chế, chính sách và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

    Công nghệ sinh học là công nghệ áp dụng kiến thức về sinh học, di truyền học để tạo ra các sản phẩm và quy trình có giá trị, phục vụ mục đích kinh tế – xã hội của con người. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), công nghệ sinh học là “ứng dụng các nguyên lý khoa học và kỹ thuật về các hệ thống sống hoặc các sản phẩm từ chúng để tạo ra hoặc sửa đổi các sản phẩm hoặc quy trình thực hiện một chức năng cụ thể”. Tại Hoa Kỳ, công nghệ sinh học được định nghĩa là “bất kỳ ứng dụng công nghệ nào sử dụng hệ thống sinh học, sinh vật sống hoặc các phái sinh của chúng để tạo ra hoặc sửa đổi các sản phẩm hoặc quy trình nhằm mục đích cụ thể”. Tại Việt Nam, Luật Công nghệ sinh học năm 2008 định nghĩa: “Công nghệ sinh học là công nghệ dựa trên cơ sở khoa học về di truyền và sinh học hiện đại để nghiên cứu và chế tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế – xã hội”.

    Công nghệ sinh học xanh là một lĩnh vực của công nghệ sinh học ứng dụng các quy trình sinh học để giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Về mục tiêu ứng dụng: Công nghệ sinh học xanh hướng đến bảo vệ môi trường và bền vững trong khi công nghệ sinh học truyền thống hướng đến phát triển kinh tế. Về đối tượng nghiên cứu: Công nghệ sinh học xanh tập trung nghiên cứu các quá trình sinh học có thể giảm ô nhiễm môi trường trong khi công nghệ sinh học truyền thống tập trung nghiên cứu nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Về lĩnh vực ứng dụng: Công nghệ sinh học xanh chủ yếu trong năng lượng sạch, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường trong khi công nghệ sinh học truyền thống: Y sinh, nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm.

  Trên thế giới, công nghệ sinh học xanh được kỳ vọng sẽ giải quyết các thách thức về môi trường, năng lượng, thực phẩm và y tế của nhân loại trong tương lai như nghiên cứu chuyển đổi sinh khối thành nhiên liệu sinh học như ethanol, diesel sinh học, khí sinh học…để thay thế nhiên liệu hóa thạch; Sử dụng vi sinh vật, enzyme để xử lý nước thải, khí thải, đất ô nhiễm. Công nghệ sinh học giúp xử lý triệt để các chất ô nhiễm với chi phí thấp; Nghiên cứu sản xuất các vật liệu nhựa, bao bì từ nguồn sinh học, dễ phân hủy, thân thiện môi trường; Sử dụng công nghệ di truyền để bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm. Điều chỉnh gen giúp tăng sức đề kháng với bệnh tật, thích ứng với biến đổi khí hậu của các loài; Áp dụng công nghệ sinh học để tạo ra các giống cây trồng kháng sâu bệnh, chịu hạn tốt, năng suất cao. Cải thiện chất dinh dưỡng trong thực phẩm; Phát triển thuốc sinh học, liệu pháp gen, tế bào gốc để điều trị bệnh hiệu quả, an toàn.

    Việt Nam coi công nghệ sinh học xanh là động lực then chốt để phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường trong thời gian tới. Chính phủ Việt Nam cam kết đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo vệ môi trường, xử lý chất thải, nước thải tại Nghị quyết số 36-NQ/TW năm 2023 của Bộ Chính trị, đồng thời định hướng xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thông qua ứng dụng công nghệ sinh học trong Chiến lược tăng trưởng xanh. Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam chú trọng ưu tiên đầu tư nghiên cứu và phát triển các sản phẩm năng lượng sinh học, vật liệu sinh học, hóa chất xanh từ nguồn nguyên liệu trong nước; Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp sạch, thực phẩm an toàn; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sinh học xanh; Hoàn thiện khung pháp lý về quản lý, đánh giá an toàn sinh học đối với các sản phẩm công nghệ sinh học; và Thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên.

    Nghị quyết 189/NQ-CP ngày 16/11/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Về phát triển công nghệ sinh học xanh bền vững, Nghị quyết nêu rõ: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo vệ môi trường; giảm thiểu ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; Ưu tiên phát triển công nghệ sinh học xanh để sản xuất năng lượng sạch, vật liệu thân thiện môi trường, hướng tới xây dựng nền kinh tế tuần hoàn; Sử dụng công nghệ sinh học để bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và các hệ sinh thái; Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm sinh học thân thiện môi trường; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sinh học xanh.

    Để phát triển công nghệ sinh học xanh tại Việt Nam, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường để tạo hành lang pháp lý, nguồn lực và môi trường thuận lợi cho các giải pháp bền vững về công nghệ sinh học xanh được triển khai trong thực tế, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế đất nước:

    Thứ nhất, tăng cường đầu tư nghiên cứu khoa học về công nghệ sinh học xanh: Hiện nay, nghiên cứu về công nghệ sinh học xanh còn hạn chế, cần có chính sách đầu tư mạnh mẽ hơn từ NSNN cho nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Điều này sẽ tạo tiền đề cho việc phát triển và thương mại hóa các sản phẩm công nghệ sinh học xanh trong tương lai.

    Thứ 2, cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ sinh học xanh. Cần có các cơ chế miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp nghiên cứu và sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học xanh. Hỗ trợ vốn, công nghệ và tư vấn cho doanh nghiệp khởi nghiệp áp dụng công nghệ sinh học xanh.

    Thứ 3, cần rà soát, bổ sung sửa đổi các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan: Rà soát các tiêu chuẩn về khí thải, nước thải để khuyến khích các nhà máy áp dụng công nghệ sinh học xanh. Hoàn thiện các quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm sinh học phân hủy sinh học.

    Thứ tư, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ sinh học xanh: Đẩy mạnh đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu và nhân lực cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sinh học xanh. Hỗ trợ học bổng cho nghiên cứu sinh tham gia nghiên cứu về công nghệ sinh học xanh.

    Cuối cùng, tăng cường hợp tác quốc tế về công nghệ sinh học xanh: Hợp tác với các viện nghiên cứu, doanh nghiệp quốc tế để chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực. Tham gia các hiệp định quốc tế về bảo vệ môi trường để thúc đẩy phát triển công nghệ sinh học xanh.

 Công nghệ sinh học xanh là xu thế tất yếu của thế giới để giải quyết các thách thức về môi trường và phát triển bền vững. Tại Việt Nam, phát triển công nghệ sinh học xanh đang được Chính phủ chú trọng thúc đẩy thông qua các chính sách ưu tiên đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp và hoàn thiện cơ chế pháp lý. Tuy nhiên, để phát triển mạnh mẽ hơn nữa, Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư cho nghiên cứu cơ bản và ứng dụng; có cơ chế đào tạo và thu hút nhân lực chất lượng cao; tăng cường hợp tác quốc tế chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm. Bên cạnh đó, cũng cần thường xuyên rà soát, hoàn thiện các chính sách, tiêu chuẩn kỹ thuật để tạo môi trường thuận lợi và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Mặc dù còn nhiều thách thức, với sự quyết tâm của Chính phủ, sự đầu tư nghiên cứu và ứng dụng của các doanh nghiệp, công nghệ sinh học xanh sẽ là giải pháp hữu hiệu giúp Việt Nam phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống người dân trong tương lai.

Nguồn: Tapchimoitruong.vn

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version