Sau gần 2 năm hợp tác nghiên cứu, Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm (TP. Buôn Ma Thuột) thông tin sẽ đưa ra thị trường loại phân vi sinh hữu cơ làm từ vỏ trái sầu riêng. Đây là sản phẩm hợp tác giữa Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm và Công ty Sản xuất và phân phối phân bón V.MoNa (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột).
Theo chị Nguyễn Thị Thái Thanh, Giám đốc Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm, việc xử lý rác thải nông nghiệp sau thu hoạch vẫn luôn là bài toán nan giải. Trong đó, với sản phẩm quả sầu riêng, người nông dân rất vất vả với việc xử lý phần vỏ bỏ đi. Không như những trái cây khác, vỏ chiếm gần 60% trọng lượng trái sầu riêng, lại không thể chế biến thành phẩm gì, chỉ gom lại để tự phân hủy. Tuy nhiên, với các đơn vị hướng đến xuất khẩu, tiêu thụ sầu riêng như Ban Mê Green Farm, lượng vỏ sầu riêng vào mùa thu hoạch khá lớn: Chỉ tính mùa sầu riêng năm 2022, công ty đã gia công hơn 2.000 tấn trái, thải ra hơn 1.300 tấn vỏ. Xử lý số lượng lớn vỏ sầu riêng này sao cho không ảnh hưởng đến môi trường là vấn đề không đơn giản.
Băm vỏ sầu riêng ủ thành phân vi sinh hữu cơ tại Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm. |
Chị Thanh chia sẻ: “Vỏ sầu riêng có nhiều chất xơ không hòa tan, nếu băm nhỏ, ủ thành phân hữu cơ sẽ rất tốt. Trên cơ sở này, công ty chúng tôi đã tiến hành đầu tư máy móc, thiết bị để xử lý bước đầu, gồm máy băm công suất lớn, băng chuyền băng tải… Sau khi tìm hiểu, chúng tôi đã ký hợp đồng hợp tác với Công ty Sản xuất và phân phối phân bón V.MoNa, đơn vị có chuyên môn sâu về xử lý và sản xuất phân vi sinh từ rác thải nông nghiệp”.
Kết quả sau một thời gian, hai doanh nghiệp đã sản xuất thành công loại phân vi sinh hữu cơ từ vỏ sầu riêng, thông qua quy trình ủ phân lên men với các loại vi sinh vật có lợi. Loại phân vi sinh này giúp tăng độ mùn và hữu cơ cho đất, có các hàm lượng đạm, lân, kali… tỷ lệ khá cao, tốt cho cây trồng và giúp phục chế dinh dưỡng đất. Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm không những xử lý xong 1.300 tấn vỏ sầu riêng mà còn có được một lượng lớn phân vi sinh hữu cơ dùng bón thúc cho sầu riêng sau thu hoạch, và bón bổ sung dinh dưỡng cho cây đang đậu quả vụ mới. Công ty còn đưa phân vi sinh này vào bón cho vùng canh tác ớt xuất khẩu của đơn vị, bước đầu thu nhận tín hiệu rất tốt.
Phân vi sinh hữu cơ từ vỏ sầu riêng được sử dụng trên các cánh đồng chuyên canh ớt xuất khẩu. |
Chị Thanh dự định công bố sản phẩm phân bón vi sinh từ vỏ sầu riêng, xây dựng thương hiệu nhãn hàng để đẩy mạnh sản xuất phân bón nhằm vừa tạo hướng đi mới cho doanh nghiệp, vừa hỗ trợ nông dân xử lý rác thải nông nghiệp sau thu hoạch.
Theo Báo Đắc Lắc