Hiện nay Việt Nam đang trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp hàng hóa, tạo việc làm, nguồn thu cho ngân sách. Tuy nhiên, việc tăng trưởng “nóng” về kinh tế và phát triển ồ ạt các doanh nghiệp cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, suy giảm tài nguyên. Nguyên nhân là do trình độ công nghệ của các DN nước ta hiện nay còn lạc hậu, chậm đổi mới, hiệu quả kinh tế thấp. Trước tình đó, cùng với xu thế chung của thế giới, nước ta đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế sang chiều rộng và chiều sâu, hướng tới Tăng trưởng xanh, trong đó DN được xác định là trung tâm của quá trình chuyển đổi này. Chính vì vậy, việc đổi mới trình độ công nghệ sản xuất nhằm giúp DN chủ động trong kiểm soát các tác động môi trường của quá trình sản xuất, thực hiện tốt công tác BVMT, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới phát triển xanh đang là yêu cầu cấp thiết đối với các DN ở nước ta hiện nay.

   Xu hướng đổi mới công nghệ hướng tới phát triển xanh của các DN trên thế giới và Việt Nam

   Tài chính xanh kiến tạo không gian phát triển bền vững.

Trong những năm gần đây, đổi mới công nghệ được xem là công cụ có tính quyết định đối với phát triển bền vững của mỗi quốc gia.Để phù hợp với xu thế phát triển xanh, quá trình đổi mới công nghệ tại nhiều nước phát triển trên thế giới tập trung hướng tới phát triển DN công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, giảm thiểu khí gây hiệu ứng nhà kính. Đây còn được coi là biện pháp cắt giảm chi phí do chất thải gây ra, đảm bảo lợi nhuận lâu dài cho DN. Với khả năng tăng năng suất, tiết kiệm vòng đời sản phẩm, tăng tính bền vững và những ưu đãi từ chính phủ, ngày có nhiều DN lớn trên thế giới áp dụng công nghệ xanh vào sản xuất. Tại Thụy Sỹ, không chỉ có các doanh nghiệp lớn mà các DN nhỏ cũng áp dụng các chính sách “xanh” vào hoạt động của mình để hướng tới một mô hình bền vững với lợi nhuận cao hơn. Cụ thể: Chuỗi cửa hàng ăn nhanh nổi tiếng của Thụy Sỹ (Max Burgers), đã bắt đầu thực hiện các chính sách “xanh” cùng với chiến dịch kinh doanh của mình từ năm 2006. Cửa hàng chỉ mua duy nhất năng lượng từ sức gió và bù đắp toàn bộ lượng CO2 thải ra bằng cách trồng một lượng cây tương đương tại Uganda.Cửa hàng cũng đưa ra những chính sách để cắt giảm bớt 20% lượng điện tiêu thụ. Đến năm 2008, Max đưa thêm nhãn CO2 vào trong thực đơn của mình, với thông số chính xác về lượng CO2 trong từng gói khoai chiên hay trong mỗi món ăn. Đến năm 2011, Max đã mở thêm 45 cửa hàng mới và tăng gấp đôi thị phần tại Thụy Sỹ.

   Đối với các tập đoàn công nghiệp tại các quốc gia phát triển, DN áp dụng công nghệ xanh vào hoạt động sẽ được hưởng nhiều ưu đãi của chính phủ. Ở Mỹ, doanh nghiệp xanh sẽ được gia hạn 5 năm để hoàn vốn theo chương trình khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ sạch.

   Tại các nước đang phát triển như Trung Quốc, Malaixia, Thái Lan… cũng tập trung vào nghiên cứu phát triển công nghệ tiên tiến và ban hành các chính sách khuyến khích đổi mới công nghệ, với các quan điểm: Công nghệ xanh là động lực phát triển cho sự tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững; Tiết kiệm năng lượng; Thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực DN xanh; Tăng cường năng lực và tính cạnh tranh về đổi mới công nghệ xanh trên trường quốc tế; Tăng cường giáo dục cộng đồng và nhận thức về đổi mới công nghệ xanh.

   Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã từng bước tạo lập khung pháp lý, hình thành cơ chế chính sách để thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ theo hướng phát triển xanh qua việc ban hành hệ thống các Luật: Luật Khoa học công nghệ (ra đời năm 2000, sửa đổi năm 2013), Luật chuyển giao công nghệ (2006); Luật công nghệ cao (2008); Luật sử dụng năng lượng, tiết kiệm và hiệu quả (2010)… các Luật này đã tạo hành lang và thủ tục thuận lợi để DN thực hiện nhiệm vụ đổi mới công nghệ.

   Đồng thời, các Chiến lược và Chương trình quốc gia cũng ban hành và hoàn thiện, cụ thể: Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định (QĐ) số 1.216/QĐ-TTg, ngày 5/9/2012; Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh, QĐ số 1.393/QĐ-TTg, ngày 25/9/2012; Chiến lược sử dụng công nghệ sạch giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, QĐ số 2.612/QĐ-TTg, ngày 30/12/2013; Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020″, QĐ số 712/QĐ-TTg…

   Ngoài ra, Chính phủ đã hình thành các Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (2003); Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia (2011), với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Các Quỹ này hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, có chức năng cho vay ưu đãi, bảo lãnh để vay vốn, hỗ trợ vốn cho các tổ chức, cá nhân và DN thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ sạch, thân thiện với môi trường.

   Như vậy, nhìn chung các chính sách của Nhà nước đã đưa ra các ưu đãi về vốn đầu tư cũng như các hỗ trợ về kỹ thuật cho các DN đổi mới công nghệ xanh, góp phần thay đổi nhận thức cho các DN về đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, so với các nước trong khu vực hiện tốc độ đổi mới công nghệ của các DN Việt Nam vần còn chậm và chưa được chú trọng. Nguyên nhân là do nhận thức về đổi mới công nghệ còn hạn chế, các DN chưa nhận thấy lợi ích lâu dài của việc đổi mới công nghệ. Hơn nữa việc thực hiện các chính sách ưu đãi hỗ trợ về thuế, tín dụng và đất đai cho các DN đổi mới công nghệ tại các địa phương chưa hấp dẫn các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, do chi phí đầu tư đổi mới công nghệ lớn, nên phần lớn cách DN tiết kiệm chi phíchỉ cải tiến một phần thiết bị công nghệ; Công tác tuyên truyền, quản bá về hoạt động đổi mới công nghệ chưa được đẩy mạnh…

   Một số giải pháp thúc đẩy đổi mới công nghệ hướng tới phát triển xanh ở Việt Nam

   Để khắc phục tình trạng trên,Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất một số giải pháp cơ bản về đổi mới công nghệ cho DN , hướng tới phát triển xanh như:

   Thứ nhất, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng xanh hóa các ngành sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng theo chiều sâu thông qua việc hạn chế phát triển các ngành sản xuất phát sinh nhiều chất thải, công nghệ sản xuất lạc hậu thay vào đó là phát triển các ngành kinh tế xanh, mũi nhọn như: Năng lượng mới, năng lượng tái tạo, hàng hóa và dịch vụ môi trường…

   Thứ hai, tăng cường nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về đổi mới công nghệ bởi doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm của quá trình đổi mới công nghệ, do vậy đổi mới công nghệ trước hết phải xuất phát từ doanh nghiệp, do doanh nghiệp chủ động thực hiện và phải được coi là một nội dung tất yếu trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp.

   Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách về đổi mới công nghệ theo hướng phát triển xanh như: Xây dựng lộ trình cho việc sử dụng công nghệ sạch, công nghệ xanh, thân thiện với môi trường; Rà soát, xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách quy định cụ thể, trực tiếp, thống nhất và đồng bộ đối với hoạt động đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; Hình thành các gói hỗ trợ, đầu tư, đổi mới công nghệ, sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường.

   Thứ tư, nghiên cứu, thành lập Trung tâm đổi mới công nghệ quốc gia , nhằm hỗ trợ thiết lập chương trình, theo dõi và đánh giá nhu cầu đổi mới công nghệ của DN, nắm bắt xu thế đổi mới công nghệ trên thế giới, từ đó, tư vấn, hỗ trợ các DN trong nước.

Nguồn: Tapchimoitruong

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version