Hiện nay, vỏ sầu riêng là nguồn phế phẩm có thể ủ phân hữu cơ rất tốt. Tuy nhiên, nông dân chưa biết cách tận dụng nguồn nguyên liệu quý giá này.
Dọc theo các tuyến đường tỉnh lộ 868, thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, dễ dàng nhận thấy nhiều giỏ đựng vỏ trái sầu riêng. Đây là phế phẩm còn lại sau khi các nhà vựa tách cơm sầu riêng xuất khẩu. Các chủ vựa cho hay, chưa có biện pháp xử lý hiệu quả những phế phẩm này.
Nhiều chủ vựa có vườn rộng, đất trống thì đổ bỏ tại chỗ, những vựa không có bãi đất trống phải thuê xe chở đem bỏ ở nơi khác. Việc này chẳng những tốn kém chi phí mà còn gây ô nhiễm môi trường. “Cái vỏ này chỉ đem bỏ làm rác, tốn 200.000 đồng một xe”, một chủ vựa sầu riêng than thở.
Được biết, những trái sầu riêng quá kích cỡ (từ 6kg trở lên) hoặc ngoại hình xấu, các chủ vựa sẽ tách cơm, đông lạnh để xuất khẩu. Khi vùng sầu riêng Cai Lậy vào mùa, lượng phế phẩm này phát sinh hàng chục tấn mỗi ngày.
Theo bà Nguyễn Thị Điệp, một chủ vựa ở xã Long Trung, huyện Cai Lậy, mỗi ngày cơ sở này tách từ 2 – 3 tấn trái sầu riêng, lượng vỏ phế phẩm hơn 1 tấn/ngày. “Từ đó giờ lấy cơm xong thì mướn người ta chở đổ vô vườn mình, chờ hoai mục, chứ biết sao bây giờ”, bà Điệp chia sẻ.
Nói về giải pháp xử lý vỏ sầu riêng phế phẩm, ông Nguyễn Văn Sang, Chủ tịch UBND xã Tam Bình, huyện Cai Lậy cho biết: Trước đây có đơn vị thu gom vỏ sầu riêng về làm phân hữu cơ nhưng đến nay đã tạm ngưng hoạt động. Địa phương đã vận động nhà vựa, doanh nghiệp kinh doanh sầu riêng hợp đồng thuê xe đổ rác thu gom về các bãi rác tập trung của tỉnh. Riêng giải pháp tập trung vỏ sầu riêng tại các bãi đất vườn, địa phương không khuyến khích vì có thể gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sự phát triển của cây sầu riêng.
“Đối với vỏ sầu riêng, UBND xã vận động các chủ vựa, hộ kinh doanh hợp đồng với doanh nghiệp Việt Toàn để đưa đi xử lý. Năm 2021, các doanh nghiệp làm phân bón hữu cơ đã thu gom hết. Xã sẽ tiếp tục vận động các đơn vị này thu gom để đảm bảo vấn đề môi trường của xã trong thời gian tới”, ông Sang cho biết.
Theo TS Nguyễn Thị Ngọc Trúc, Phó trưởng Bộ môn Nông học (Viện Cây ăn quả Miền Nam): Vỏ trái sầu riêng cũng như nhiều loại phế phẩm nông nghiệp khác như thân cây thanh long, lục bình, vỏ trái cây các loại, cỏ… cần được ủ thành phân bón hữu cơ để trả lại dinh dưỡng cho đất. Nếu như bỏ phế sẽ gây ô nhiễm môi trường và làm phát sinh mầm bệnh. Không chỉ vỏ sầu riêng mà nhiều loại phế phụ phẩm nông nghiệp khác ở Việt Nam đang bị bỏ phí. Người dân chưa có biết cách ủ phân hữu cơ, trong khi đây là chất dinh dưỡng trả lại cho đất tốt nhất.
Do đó, TS Trúc chia sẻ quy trình ủ vỏ sầu riêng thành phân hữu cơ với men vi sinh. Đầu tiên, bà con dùng máy băm nhỏ vỏ sầu riêng, càng nhỏ thì vỏ càng càng mau phân huỷ. Sau đó, trộn với vôi đậy kín bằng bạt (bạt nhựa), không để nước mưa vào.
Hai tuần kế tiếp, mỗi tuần bà con trộn 30 lít men vi sinh phân huỷ Cellulose (Trichoderma hay Bacillus subtilis) cho 1 tấn vỏ sầu riêng thành chất mùn. Sau đó, bà con dở bạt ra trộn đều lên và đậy kín lại trong 1 tuần tiếp theo. Cuối cùng, tiếp tục ủ bổ sung vi khuẩn cố định đạm, hòa tan lân Burkholderia Tropica cũng với liều lượng 30 lít/tấn trong vòng 1 tuần. Sau 4 tuần, bà con có 1 tấn phân bón từ 1 tấn vỏ sầu riêng.
Để có 30 lít chế phẩm vi sinh xử lý vỏ trái sầu riêng làm phân hữu cơ mà ít tốn tiền, bà con chỉ cần mua 1 kg Trichoderma hoặc Bacillus subtilis có bán trên thị trường về nhân sinh khối. Công thức là 100 lít nước và 3% đường ủ trong vòng 5 ngày sẽ có được 100 lít vi sinh. Với 100 lít vi sinh, bà con chỉ cần lấy 30 lít ủ cho 1 tấn vỏ sầu riêng sẽ phân hủy được Cellulose.
Theo Báo Nông Nghiệp