Trong những năm gần đây, người tiêu dùng ngày càng có ý thức bảo vệ môi trường, cũng như dành nhiều sự quan tâm cho các hoạt động CSR (Corporate Social Responsibility). Nghiên cứu từ Viện nghiên cứu Giá trị doanh nghiệp Institute for Business Value (thuộc IBM) cho thấy, có đến 62% người dùng sẵn sàng thay đổi hành vi mua hàng để giảm thiểu tác động đến môi trường, 79% sẵn sàng trả thêm tiền để mua các sản phẩm không chứa các nguyên liệu mà họ không mong muốn. Có thể thấy thị trường của các sản phẩm thân thiện môi trường đang không ngừng mở rộng, tạo cơ hội cho các thương hiệu nắm bắt nhu cầu mua sắm của người dùng.

Các thương hiệu như UNIQLO, Vinamilk, BOO, Dòng Dòng Sài Gòn,… đã triển khai nhiều chiến dịch thể hiện tinh thần “sống xanh” nhằm đóng góp vào hành trình bảo vệ môi trường. Cùng khám phá chi tiết qua bài viết sau!

1. UNIQLO

Năm 2021, thương hiệu thời trang UNIQLO đã chính thức thông báo chú mèo Doraemon là Đại sứ Thương hiệu Bền vững Toàn cầu (Global Sustainability Ambassador) của hãng. Nhằm phù hợp với vai trò, hình ảnh nhân vật mèo máy cũng được tô một màu xanh lá bắt mắt tượng trưng cho giá trị bền vững.

Sau đó, UNIQLO đã cùng Doraemon triển khai chiến dịch “JOIN: The Power Of Clothing”. Hãng đã tung bộ sưu tập áo thun UT với hình ảnh chú mèo máy màu xanh lá cây. Bên cạnh đó, tập đoàn Fast Retailing (chủ sở hữu thương hiệu UNIQLO) cho biết đã đóng góp tổng cộng 2 triệu USD cho Quỹ Nippon nhằm hỗ trợ các chương trình làm sạch, giảm thiểu rác thải đại dương. 

Bên cạnh việc ra mắt các sản phẩm tái chế, UNIQLO cũng đồng loạt “phủ xanh” các cửa hàng. Thương hiệu đã thay đổi màu sắc logo biểu tượng sang tông xanh lá – trắng, đồng thời sắp xếp khu vực trưng bày “đội quân” Doraemon để góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. 

Từ năm 2021, UNIQLO cũng đã hợp tác cùng Quỹ Hy Vọng (HOPE) và các đối tác khác tổ chức chương trình RE.UNIQLO với mục tiêu thu thập, tái chế những sản phẩm UNIQLO không còn sử dụng. Qua đó, hãng sẽ trao gửi các món đồ này đến những trẻ em, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đến thời điểm hiện tại, chương trình vẫn đang được tiến hành tại các cửa hàng UNIQLO.

Hoa hậu H’Hen Niê tham gia chiến dịch RE.UNIQLO

2. Vinamilk

Là một trong những doanh nghiệp lớn của Việt Nam, Vinamilk đã không ngừng nỗ lực đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội. Sau khi thay đổi bộ nhận diện với thiết kế hoàn toàn mới, thương hiệu đã “thay áo mới” cho loạt sản phẩm của mình. 

Theo đó, Vinamilk đã tiến hành bỏ vòng nhựa bao quanh nắp chai nước, giảm số lượng muỗng sữa chua trong thùng sản phẩm, giảm sử dụng màng co, giảm lượng nhựa sử dụng cho bao bì sản phẩm,… Ngoài ra, 100% bao bì giấy của hãng cũng được sản xuất từ nguyên liệu gỗ có nguồn gốc bền vững, 99% thùng giấy sử dụng công nghệ in flexo dùng hệ màu nước thân thiện môi trường. Vinamilk cũng sử dụng 95% thùng giấy vàng thay cho thùng giấy trắng cần chất tẩy rửa và hoá chất phủ bề mặt. 

Vinamilk thực hiện nhiều hoạt động góp phần bảo vệ môi trường

Bên cạnh đó, Vinamilk tham gia trồng hơn 1 nghìn cây xanh, khoanh nuôi tái sinh 25 hecta rừng ngập mặn tại Vùng lõi Vườn quốc gia Mũi Cà Mau,… Hiện tại, thương hiệu đang hướng đến cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.   

3. Cô Gái Hà Lan

Bên cạnh việc cải tiến dinh dưỡng để nâng cao chất lượng sản phẩm, sản phẩm sữa Cô Gái Hà Lan 1 lít đã chuyển sang sử dụng bao bì giấy nâu Bio-PE từ tháng 10/2022. Cụ thể, Bio-PE là một loại nhựa có nguồn gốc sinh học như ngô, bã mía, lúa mì, vốn thân thiện với môi trường hơn các sản phẩm bao bì nhựa thông thường. Những nguyên liệu này sẽ được lên men tạo thành ethanol sinh học. Sau đó, ethenol tiếp tục tổng hợp để trở thành ethylene, cho ra những đặc tính giống nhựa truyền thống. 

Do được làm từ lớp vỏ thực vật, bao bì sữa Cô Gái Hà Lan mới có thể dễ dàng phân hủy, tái tạo và tái chế bảo vệ môi trường. Bằng cách sử dụng bao bì cải tiến này, FrieslandCampina Việt Nam có thể hạn chế 10,4% khí thải CO2 ra môi trường so với bao bì thông thường. Ngoài ra, bao bì mới dự kiến sẽ cắt giảm được 392 tấn nhựa hóa thạch, tương đương 71 triệu túi nilon tạp hóa. Trên bao bì nâu của sản phẩm sữa Cô gái Hà Lan cũng truyền tải thông điệp: “Bao bì nâu góp phần bảo vệ môi trường.”

Sản phẩm sữa Cô Gái Hà Lan 1 lít chuyển sang sử dụng bao bì giấy nâu Bio-PE

4. Cocoon

Cocoon đã xuất hiện trên thị trường với định vị là một thương hiệu mỹ phẩm thuần chay. Từ đó, các hoạt động marketing của thương hiệu luôn thể hiện tình yêu thiên nhiên, cũng như thực hiện sứ mệnh bảo vệ môi trường. Một trong những hoạt động nổi bật của Cocoon là “Thu hồi pin cũ – Bảo vệ Trái Đất xanh”. 

Hiểu được hiểm hoạ mà pin đã hết hạn sử dụng có thể gây ra cho môi trường và sức khỏe con người, thương hiệu đã kết hợp cùng trường Đại học Sư Phạm TP.HCM tiếp nhận tất cả loại pin cũ, bao gồm pin laptop, điện thoại, điện tử,… Cứ 10 viên pin cũ được thu hồi, người dùng sẽ nhận được một sản phẩm son dưỡng dầu dừa của Cocoon. Các điểm thu hồi pin cũ trải khắp TP.HCM, từ các quận trung tâm như quận 1, 3, 4,… đến cả huyện Bình Chánh, TP.Thủ Đức. 

Các điểm thu hồi pin cũ của Cocoon và Đại học Sư Phạm TP.HCM trải dài khắp thành phố

Ngoài ra, thương hiệu cũng nỗ lực giảm thiểu nhựa ra môi trường khi liên tục triển khai chương trình “Đổi vỏ chai cũ – Nhận sản phẩm mới”. Người dùng có thể đóng gói các vỏ chai/hũ rỗng còn nguyên vẹn, được vệ sinh sạch sẽ và gửi đến văn phòng của Cocoon để nhận về các sản phẩm mới. 

Từ đó, Cocoon đã tổ chức chương trình giveaway mừng ngày Trái đất 2022. Những chiếc hũ cũ được thu gom và bị trầy xướng trong quá trình sản xuất đã được tái chế thành hũ chứa đất. Người dùng có thể gieo trồng và chăm sóc hạt giống ngay trong những chiếc hũ này.

5. BOO

Khởi điểm là một cửa hàng bán quần áo và phụ kiện trượt ván, nay BOO đã trở thành một trong những thương hiệu thời trang trẻ phổ biến ở Việt Nam. Tin rằng kinh doanh không chỉ là tạo ra lợi nhuận mà còn đóng góp cho xã hội, BOO đã triển khai chương trình BOOVironment

Nhằm hướng đến việc bảo vệ môi trường, BOO có 3 hoạt động chính là:

  • Nếu sử dụng túi giấy, khách hàng sẽ trực tiếp đóng góp 2 nghìn đồng vào quỹ 2000 màu xanh. Còn nếu khách hàng không dùng đến những chiếc túi “dùng một lần” này, BOO sẽ thay khách hàng trích 2 nghìn đồng để gây quỹ như một lời cảm ơn.
  • BOO thu gom quần áo cũ, pin, rác thải điện tử và vỏ hộp sữa. Cứ 10 sản phẩm cũ được thu gom, BOO sẽ gửi tặng khách hàng voucher giảm 15% khi mua hàng.
  • Thương hiệu khuyến khích người dùng gửi lại tag mác sản phẩm sau khi thanh toán để có thể tiếp tục tái sử dụng chúng.

Đáng chú ý, cứ sau mỗi tháng, BOO sẽ đăng tải báo cáo cập nhật tình trạng thu gom, gây quỹ để người dùng nắm bắt thông tin. Trong tháng 12/2023, thương hiệu đã quyên góp được 24,2 triệu đồng cho Save Vietnam’s Wildlife tại Vườn quốc gia Pù Mát, đồng thời gửi các món đồ cũ thu gom được đến các cơ sở khác nhau để tái chế, tái sinh. 

6. Dòng Dòng Sài Gòn

Dòng Dòng Sài Gòn là thương hiệu sản xuất túi xách tái chế từ những tấm bạt cũ hoặc bạt vụn. Đội ngũ nhân viên tại đây đã liên hệ, tìm gặp các tiệm lắp đặt bạt che tại Sài Gòn để thu gom bạt cũ, sau đó mang về tẩy rửa sạch sẽ bằng các vật liệu an toàn với môi trường. Tiếp theo, công đoạn may sản phẩm sẽ được thực hiện thủ công tỉ mỉ nhằm hạn chế tối đa bạt vụn, cuối cùng là giao thành phẩm đến tay người dùng bằng bao bì tái chế.

Tháng 10/2022, thương hiệu Pizza 4P’s đã hợp tác cùng Dòng Dòng Sài Gòn thiết kế những cuốn menu, bìa đựng hóa đơn và giỏ đựng đồ bằng bạt tái chế cho cửa hàng mới. Cả hai thương hiệu đã sử dụng những tấm bạt cũ của một quán cafe tại Thủ Đức để in ấn, may và thiết kế sản phẩm. Trên những cuốn menu cũng được in thông điệp bằng tiếng Việt và Anh: “Bìa vải màu xanh này từng là mái bạt cho quán cafe tại Thủ Đức.”

Bằng cách này hay cách khác, các thương hiệu đang từng bước giảm thiểu rác thải ra môi trường. Dù có thể mất nhiều thời gian và kinh phí sản xuất hơn, song một số ví dụ kể trên đã cho thấy nỗ lực đóng góp vào hành trình sống xanh.

Theo advertisingvietnam.com

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version