Ngành phân bón phấn đấu đưa Việt Nam trở quốc gia có tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ cao trong khu vực, diện tích trồng trọt có sử dụng phân bón hữu cơ chiếm 50%. Cùng với đó, 100% nguồn nguyên liệu sẵn có từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, rác thải sinh hoạt… được sử dụng làm phân bón hữu cơ trong cả quy mô nông hộ và sản xuất công nghiệp….
Ngày 2/8/2024 tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV) tổ chức Đại hội lần VI và bầu ra Ban Chấp hành, ban thường vụ nhiệm kỳ mới 2024-2029. Đại hội thống nhất bầu ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam giữ chức Chủ tịch Trung ương Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhiệm kỳ VI (2024 – 2029).
PHÂN BÓN CHIẾM 30-60 CHI PHÍ ĐẦU VÀO TRONG TRỒNG TRỌT
Phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung cho biết trong nhiều năm qua vừa sản xuất, vừa nhập khẩu ngành phân bón đã cung cấp cho nông nghiệp nước nhà từ 10-10,5 triệu tấn phân bón các loại và đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc tự chủ sản xuất phân urea, phân bón chứa lân, phân đa lượng NPK… và tiến tới xuất khẩu nhiều chủng loại phân bón.
Tuy nhiên, Việt Nam đang sử dụng với mức bón cao hơn nhiều quốc gia và gấp 3 lần trung bình của thế giới. Từ trước đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn khuyến cáo bà con nông dân thực hiện 5 đúng khi sử dụng phân bón, bao gồm: bón đúng chủng loại phân; bón đúng nhu cầu sinh lý của cây; bón đúng nhu cầu sinh thái; bón đúng vụ và thời tiết; bón đúng phương pháp.
“Gần đây nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh”, Dự án dự kiến giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70kg/ha, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống”, Thứ trưởng Hoàng Trung nói.
“Hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ triển khai Dự án 4 đúng trong quản lý dinh dưỡng cho cây lúa, bao gồm: yêu cầu sử dụng đúng loại; đúng tỉ lệ; đúng thời điểm và đúng địa điểm”.
Ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
Ngoài phân bón sản xuất trong nước, Việt Nam cũng nhập khẩu nhiều phân bón từ nước ngoài. Lượng phân bón được nhập khẩu về Việt Nam trong 6 tháng năm 2024 đạt trên 2,58 triệu tấn, kim ngạch 838,34 triệu USD. Trong đó, nhiều nhất từ thị trường Trung Quốc: Trên 1,03 triệu tấn, trị giá gần 295,98 triệu USD, chiếm 40% trong tổng lượng và chiếm 35,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.
Tiếp theo đó là nhập khẩu từ Nga với tổng lượng phân bón đạt 362.326 tấn, trị giá 164,11 triệu USD. Xếp thứ 3 là thị trường Đông Nam Á đạt 309.775 tấn, trị giá 95,12 triệu USD.
Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết phân bón đóng vai trò quan trọng vì góp từ 30-60% giá trị đầu vào của vật tư nông nghiệp và làm tăng năng suất cây trồng ở mức 40-50%. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định coi sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ là giải pháp lâu dài dựa trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại kết hợp với kinh nghiệm truyền thống, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về nguồn nguyên liệu hữu cơ sẵn có trong nước để thay thế một phần phân bón vô cơ, giảm sự phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu, phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững.
Nhằm xây dựng nền nông nghiệp bền vững, có trách nhiệm, theo hướng tuần hoàn và tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 với mục tiêu nâng tỉ lệ sử dụng phân bón hữu cơ lên ít nhất 30% vào năm 2030.
ĐƯA TỶ LỆ SỬ DỤNG PHÂN BÓN HỮU CƠ LÊN 50%
Đề cập tầm nhìn đến 2050, Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia có tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ cao trong khu vực, diện tích trồng trọt có sử dụng phân bón hữu cơ chiếm 50%; 80% số tỉnh, thành phố xây dựng được mô hình sử dụng phân bón hữu cơ gắn với chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản có lợi thế của địa phương; 100% nguồn nguyên liệu sẵn có từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, rác thải sinh hoạt… được sử dụng làm phân bón hữu cơ trong cả quy mô nông hộ và sản xuất công nghiệp.
Thay mặt Hiệp hội Phân bón Việt Nam, tân Chủ tịch Phùng Hà cho biết nhiệm vụ của Hiệp hội trong nhiệm kỳ 2024 – 2029 là đẩy mạnh hoạt động tham gia các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học, phổ biến, đào tạo, tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các cơ chế chính sách, pháp luật có liên quan tới lĩnh vực phân bón nói riêng và lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói chung.
Đồng thời tiếp tục mở rộng hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế với các tổ chức đa phương, song phương và phi chính phủ trong và ngoài nước với phương châm cùng hợp tác, cùng phát triển để phối hợp xây dựng chương trình, dự án và đề tài tạo nguồn thu tài chính cho Hiệp hội, các thành viên và các chuyên gia, nhà khoa học cùng tham gia đóng góp công sức trí tuệ vào sự phát triển của ngành.
Tiếp tục duy trì đẩy mạnh nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền và truyền thông, kịp thời đưa các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước tới nhân dân nói chung và nông dân cả nước nói riêng…
Hiệp hội Phân bón Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp, phi Chính phủ, phi lợi nhuận của những người, doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, xuất nhập khẩu, sử dụng phân bón và các mặt hàng liên quan tới phân bón tại Việt Nam. Đại hội đã thống nhất bầu ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam giữ chức Chủ tịch Trung ương Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhiệm kỳ VI (2024 – 2029).
Đại hội cũng tiến hành bầu ủy viên Ban chấp hành và 28 thành viên thương vụ Ban chấp hành Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhiệm kỳ VI. Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội được bầu giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhiệm kỳ VI.
Cũng tại Đại hội, Trung ương Hiệp hội Phân bón Việt Nam tiến hành trao Kỷ niệm chương cho các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân có thành tích, đóng góp xuất sắc cho Hiệp hội trong những năm vừa qua.
Theo: VNEconomy