Những chiếc mo cau được dùng làm xe kéo trong trò chơi của trẻ nhỏ, làm quạt mát, hoặc chỉ phơi khô để nhóm lửa… đã được doanh nhân Nguyễn Văn Tuyến biến thành bát, đĩa, đồ mỹ nghệ có giá trị, xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Từ vườn cau tuổi thơ, đến quyết tâm khởi nghiệp

Sản xuất bát, đĩa, đồ mỹ nghệ từ mo cau là ngành khá độc, lạ. Chia sẻ về cơ duyên đến với lĩnh vực này, ông Tuyến kể: “Ngày còn nhỏ, tôi thường trèo lên những cây cau trong vườn để hái trái cau cho bà ngoại ăn trầu. Tiếp xúc nhiều với vườn cau, nhưng tôi chỉ biết trái cau dùng để ăn trầu, còn mo cau thì hầu như mọi người đều bỏ đi, hoặc chỉ dùng làm củi nhóm lửa, làm chiếc quạt, hoặc cho bọn trẻ kéo chơi”.

Lớn lên, khi có cơ hội học tập và tiếp xúc với tin tức quốc tế, ông Tuyến biết được, trên thế giới đã chế tạo mo cau thành vật liệu mỹ nghệ có giá trị khá cao. Những sản phẩm này được người dùng ưa chuộng nhờ thuộc tính tự nhiên, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.

Quê gốc Quảng Nam, sinh ra ở Phú Yên, tốt nghiệp Trường đại học Giao thông Vận tải (TP.HCM), nhưng sau khi ra trường, vì nhiều nguyên nhân, ông Tuyến rẽ sang nghề thu mua, chế biến và xuất khẩu phế phẩm nông nghiệp.

“Công việc của tôi lúc đó là thu gom cùi bắp, bã mía, lá xoài khô xuất sang các nước để làm giá thể sản xuất nông nghiệp. Quá trình làm việc giúp tôi nhận ra rằng, không có gì là rác, không có gì là bỏ đi”, ông Tuyến chia sẻ.

Năm 2019, ông Tuyến tình cờ biết được thông tin Ấn Độ đã sản xuất chén (bát), đĩa… từ mo cau. Tự tin rằng mình cũng làm được, năm 2020, ông bỏ hơn 100 triệu đồng nhập máy ép mo cau từ Ấn Độ về để nghiên cứu và tiến hành sản xuất. Tuy nhiên, chưa kịp tung sản phẩm ra thị trường thì dịch bệnh Covid-19 ập đến, ông Tuyến hoạt động cầm chừng đến năm 2023 mới thành lập Công ty TNHH Mega Eco và bắt đầu có lượng khách hàng ổn định.

“Thách thức đầu tiên của chúng tôi là không bán được tại thị trường nội địa, vì giá sản phẩm của Mega Eco gấp đôi các loại chén, đĩa nhựa dùng một lần”, ông Tuyến nhớ lại giai đoạn khó khăn.

Cơ duyên thực sự hiện hữu khi thông tin về mô hình làm sản phẩm từ mo cau của ông Tuyến được địa phương biết đến và khuyến khích mở rộng, bởi hoạt động này cung cấp giải pháp thay thế bền vững cho đồ nhựa sử dụng một lần, đồng thời hỗ trợ cộng đồng địa phương, phát huy giá trị của nghề thủ công và giải quyết việc làm…

“Thông tin Mega Eco bán sản phẩm từ mo cau được truyền thông rộng rãi. Khá nhiều doanh nghiệp Việt kiều hiểu về tính năng sản phẩm cũng như muốn quảng bá sản phẩm Việt Nam, nên đã nhập khẩu về bán. Từ đó, chúng tôi có đơn hàng”, vị doanh nhân 8x chia sẻ.

Đến nay, Mega Eco sở hữu 10 chiếc máy ép mo cau, năng suất đạt khoảng 500.000 sản phẩm mỗi tháng. Giám đốc Mega Eco cho biết, Công ty chế tạo được 25 mặt hàng từ mo cau, tỷ lệ xuất khẩu chiếm 80% tổng sản lượng, với các thị trường chủ lực là Mỹ, Hà Lan, Canada… Số còn lại được bán cho một số doanh nghiệp trong nước hoạt động trong lĩnh vực du lịch – dịch vụ như nhà hàng, khách sạn đề cao tiêu chí sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.

Kiên trì thực hiện mục tiêu

Thời gian gần đây, giá cước tàu biển quốc tế rất cao, ảnh hưởng trực diện tới hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp và Mega Eco cũng không ngoại lệ. Ông Tuyến đang hướng về thị trường nội địa nhiều hơn, chú trọng đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, TikTok và website của Công ty.

Tuy nhiên, cạnh tranh về giá đang là “bài toán” khá hóc búa với vị doanh nhân 8x. Theo ông Tuyến, dù sản phẩm của Mega Eco chỉ có giá khoảng 1.000 – 3.000 đồng/chiếc, nhưng vẫn đắt hơn so với sản phẩm nhựa, nên chưa được nhiều người tiêu dùng nội địa lựa chọn.

“Chén, đĩa từ mo cau được xử lý theo phương thức hoàn toàn tự nhiên, có tính năng dai, dẻo, nên có thể tái sử dụng vài lần, vừa kinh tế, vừa an toàn hơn đồ nhựa. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn, yếu tố giá vẫn quyết định. Chúng tôi vẫn đang ở giai đoạn tiếp cận để có được sự chấp nhận từ thị trường nội địa”, ông Tuyến tâm tư.

Trên thực tế, Mega Eco không phải doanh nghiệp đầu tiên sản xuất sản phẩm từ mo cau. Đã có một số doanh nghiệp đi trước, nhưng hầu hết đều phải bỏ cuộc vì sản xuất, kinh doanh không hiệu quả. Dù đạt doanh thu tiền tỷ, song ông Tuyến cho biết, lợi nhuận của doanh nghiệp chưa đáng kể, bởi để làm ra sản phẩm, phải trải qua quá trình khá dài và gian nan, từ thu mua nguyên liệu, đến chế biến, sấy ép, khử tia UV, tạo hình… Tất cả các khâu đều phải đảm bảo đạt chuẩn an toàn theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Khó khăn như vậy, nhưng doanh nhân Nguyễn Văn Tuyến vẫn kiên định với nghề. Một trong những động lực thôi thúc ông là tạo ra nhiều việc làm cho người dân lao động nơi Mega Eco đặt nhà máy – huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là vùng trồng cau lớn nhất cả nước với tổng diện tích lên tới chục ngàn héc-ta, nhưng chỉ để lấy trái bán sang Trung Quốc.

“Từ khi nhà máy mở ra, các bà, các bác ở Nghĩa Hành có thể nhặt và cắt gọt mo cau để bán cho chúng tôi. Việc làm nhẹ nhàng, nhưng có thêm thu nhập ở tuổi xế chiều khiến nhiều người rất hào hứng. Hiện nhà máy đã được mở rộng, từ 5 nhân công ban đầu, nay đã tăng lên 15 và nếu đơn hàng tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, thì lượng lao động sẽ tăng theo”, ông Tuyến kỳ vọng.

Khẳng định sản phẩm thân thiện với môi trường là xu thế tương lai và nhận thức của người tiêu dùng trong nước về bảo vệ môi trường sẽ ngày càng nâng cao hơn nữa, ông Tuyến quyết tâm theo đuổi con đường đã chọn, dù bản thân phải kinh doanh nhiều mảng để có thêm vốn duy trì vận hành Mega Eco.

“Mo cau là vật liệu quen thuộc, mang tính biểu tượng của miền quê nước ta. Xây dựng và phát triển Mega Eco, tôi muốn khẳng định rằng, Việt Nam có thể làm được những điều mà các nước tiên tiến đã làm. Cao hơn nữa, thông qua sản phẩm, tôi mong muốn góp phần tạo nên một hành tinh sạch hơn, xanh hơn bằng cách giảm thiểu rác thải nhựa và khuyến khích sử dụng các nguyên liệu tự nhiên”, ông Tuyến bày tỏ.

Theo Báo Đầu Tư

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version