TP.HCM vừa khởi công nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên, giai đoạn 1 công suất 2.000 tấn/ngày, dự kiến hoạt động vào cuối năm 2020. Nhưng công suất này còn quá nhỏ so với lượng rác sinh hoạt hiện nay và thời gian tới.

Ngày 28-8-2019, Công ty cổ phần Vietstar (Vietstar) khởi công dự án nhà máy đốt rác phát điện (ĐRPĐ) tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (Củ Chi, TP.HCM).

Vẫn phải phân loại rác

Theo chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư cho dự án này là 400 triệu USD, dây chuyền, máy móc tại nhà máy vận hành theo công nghệ Đức.

Theo ông Ngô Như Hùng Việt – giám đốc Vietstar, với công nghệ này “sẽ không để người dân than phiền về mùi hôi và ô nhiễm môi trường từ rác”.

Dù vậy, theo chủ đầu tư dự án, rác đưa về nhà máy vẫn phải thực hiện phân loại nhằm lựa rác hữu cơ làm phân (compost), nhựa để tái chế, rác còn lại sẽ được xử lý sơ bộ trước khi đưa vào lò đốt phát điện. Vì vậy, dù người dân không phân loại tại nguồn, rác đưa về nhà máy vẫn phải trải qua quy trình phân loại.

Trong khi đó, ông Nguyễn Toàn Thắng – giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường – cho rằng với các công nghệ ĐRPĐ hiện nay, người dân TP vẫn phải thực hiện phân loại rác tại nguồn. Hiện nay việc này đã được triển khai tại hầu hết các quận, huyện trên địa bàn TP.

Được trả tiền đốt rác, hưởng luôn tiền bán điện

UBND TP cũng đã phê duyệt đơn giá xử lý rác cho Vietstar là 546.166 đồng (gồm cả 10% thuế). Mức giá này được áp dụng cho cả công đoạn tích hợp gồm sản xuất compost, tái chế và ĐRPĐ khi nhà máy đi vào vận hành.

Ngoài việc ngân sách TP phải trả khoản tiền xử lý rác trên, Vietstar sẽ được hưởng trọn phần điện được bán lên lưới với giá 10,05 cent/kWh (khoảng 2.114 đồng/kWh, đây là mức giá chung cho các dự án ĐRPĐ trực tiếp khác). Với công suất phát điện lên đến 35MW, khoản tiền thu được từ việc bán điện là không nhỏ.

Đại diện Vietstar cho rằng sở dĩ công ty được hưởng hoàn toàn số tiền thu được từ việc bán điện là do chi phí xây dựng, quỹ đất để xây dựng nhà máy là do công ty tự đầu tư.

“Không chỉ điện mà tiền thu vào từ sản phẩm tái chế từ rác như nhựa, compost… chúng tôi cũng được hưởng” – đại diện này cho biết thêm.

Dù ở TP hiện nay chưa có nhà máy ĐRPĐ nào chứng minh tính hiệu quả từ thực tế nhưng công nghệ này được cho là có nhiều tính ưu việt hơn so với công nghệ chôn lấp truyền thống như ít chiếm diện tích, sản xuất điện, ít phát tán mùi hôi hơn, phù hợp với đô thị.

Thêm vào đó, giá cả của công nghệ ĐRPĐ được cho là không quá cao so với công nghệ chôn lấp. Hiện đơn giá được áp dụng cho chôn lấp rác ở Đa Phước khoảng 500.000 đồng (tương ứng gần 22 USD/tấn).

Thêm nhà máy đốt rác: quá chậm

Xem công nghệ ĐRPĐ là một “cứu cánh” trong quá trình xử lý rác tại đô thị, TP đặt ra mục tiêu giảm tỉ lệ chôn lấp rác còn 50% vào năm 2020 và 20% vào năm 2025 từ năm 2017.

Để cụ thể hóa mục tiêu này, TP đã chọn nhiều giải pháp như: 1- Chuyển đổi công nghệ của các đơn vị xử lý rác hiện hữu như Vietstar, Công ty cổ phần Tâm Sinh Nghĩa và Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn VN (VWS) – mỗi đơn vị xây dựng nhà máy ĐRPĐ 2.000 tấn/ngày. 2- Kêu gọi xã hội hóa trong lĩnh vực đầu tư các dự án ĐRPĐ.

Nhưng đến thời điểm hiện tại, chỉ một nhà máy ĐRPĐ của Vietstar được khởi công. Dù chủ đầu tư hứa hẹn sẽ hoàn thành dự án vào cuối năm 2020 nhưng theo các chuyên gia, một dự án nhà máy ĐRPĐ từ thời điểm khởi công đến lúc hoàn thành vận hành cần tối thiểu 24 – 28 tháng.

Vì vậy, để đạt được con số ĐRPĐ 5.000 tấn đến năm 2020 là khó đạt được nếu không có những giải pháp đột phá về tiến độ.

Ngoài Vietstar, sắp tới Công ty cổ phần Tâm Sinh Nghĩa sẽ khởi công dự án.

Riêng thời điểm VWS chuyển đổi mô hình ĐRPĐ vẫn chưa xác định được thời gian cụ thể, trong khi lượng rác chôn lấp trên địa bàn TP hiện nay gần như do đơn vị này thực hiện, trung bình hơn 6.000 tấn rác/ngày.

Mặt khác, Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị, đơn vị đang quản lý khu chôn lấp rác tại Khu xử lý rác Tây Bắc (huyện Củ Chi), cho biết cũng đã có đề án xin chuyển đổi công nghệ sang ĐRPĐ với công suất 1.000 tấn rác/ngày.

Rác được tập trung trên đường Trần Hưng Đạo, Q.1 trước khi mang đi chôn lấp ở bãi rác Đa Phước (Bình Chánh, TP.HCM)

Trao đổi với Tuổi Trẻ về tiến độ chuyển đổi mô hình ĐRPĐ của VWS, ông Nguyễn Toàn Thắng không đề cập thời gian cụ thể mà cho biết VWS đã trình đề án và sở đang trong quá trình góp ý về mặt điều chỉnh công nghệ cho phù hợp.

TS PHẠM VIẾT THUẬN (Viện Kinh tế tài nguyên – môi trường):

Phải làm ngay ở Đa Phước

Do đặc điểm địa lý, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước nằm ở đầu ngọn gió tây, tây nam. Vì vậy vào mùa mưa, mùi hôi phát sinh từ quá trình xử lý chất thải theo gió đưa về khu vực Nam Sài Gòn.

Vì vậy, việc chuyển đổi công nghệ đốt rác sang phát điện tại đây phải được đặt thứ tự ưu tiên hàng đầu. Nếu không thể làm nhanh, trước mắt có thể giảm lượng rác chôn lấp ở đây (hiện hơn 6.000 tấn/ngày – PV).

Trong tương lai dù chuyển đổi sang mô hình đốt rác phát điện, Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc vẫn là nơi phù hợp đặt các nhà máy xử lý rác hơn là khu phía nam TP.

Theo số liệu của Sở Tài nguyên và môi trường, diện tích đã sử dụng tại khu vực này mới khoảng 120ha phân chia cho ba đơn vị: Vietstar, Công ty cổ phần đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa và Công ty Môi trường đô thị TP.

Diện tích tổng của Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc là 687ha, như vậy đất còn trống rất lớn, do đó không cần phải phát triển thêm bãi rác ở các khu vực khác. Khu vực này cũng tiện bề đấu nối với hệ thống lưới điện quốc gia.

Sẵn sàng đầu tư kết nối lưới điện

Theo quy định, đối với những dự án ĐRPĐ hay điện mặt trời trên 50 MW phải xin ý kiến Bộ Công thương và nằm trong quy hoạch phát triển điện để ngành điện có kế hoạch phát triển hệ thống lưới điện, trạm đấu nối đồng bộ khi các dự án phát điện vận hành.

Về vấn đề này, đại diện Vietstar cho biết đã liên hệ với Bộ Công thương để được hướng dẫn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thanh – phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM – cho biết chuẩn bị đi khảo sát nhằm phục vụ việc thi công đấu nối lưới điện khi các dự án ĐRPĐ tại Khu xử lý rác Tây Bắc vận hành. Ngành điện sẽ hỗ trợ tối đa để việc đấu nối lưới điện được đồng bộ.

Theo TTO

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version