Liên quan đến thời trang, có 3 sự thật chúng ta nên biết. Thứ nhất, để tạo ra 1 chiếc áo phải tốn 2.700 lít nước, quá trình này cũng gián tiếp tạo ra tới 6,75kg khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính, bằng với lượng CO2 của một chiếc ô tô thải ra sau 56km di chuyển. Thế nhưng, một chiếc áo này chỉ tầm 50-100 nghìn đồng và việc mua cũng chỉ cần một cái click chuột. Đó là thời trang nhanh.
Thứ hai, thời trang nhanh hay còn gọi là thời trang “ăn liền” đang ảnh hưởng môi trường sống của chúng ta. Thứ ba, dù nhiều người đã biết đến 2 sự thật trên nhưng thực tế thì thời trang nhanh vẫn có sức hút đến kỳ lạ.
01 Sức hút của thời trang nhanh
Nếu cần một ví dụ cho việc “nhanh không phải lúc nào cũng tốt” thì thời trang nhanh là một ví dụ hoàn hảo. Bởi quy trình sản xuất ra những những chất liệu quần áo hàng ngày như: cotton, polyester… đều để lại tác động xấu và lâu dài tới môi trường, cũng có nghĩa việc mua sắm quần áo theo kiểu thời trang nhanh đang dần dần, từng ngày giết chết Trái đất của chúng ta.
Thế nhưng, những thực tế như việc trái đất đang ngày càng nóng lên, việc Ghana, châu Phi đang trở thành “bãi rác quần áo khổng lồ của thế giới” hay việc những nhân công giá rẻ ở các nước nghèo nhất thế giới đang bị bóc lột để sản xuất quần áo… Tất cả đều dường như quá xa xôi và không đủ sức nặng để cản bước người tiêu dùng chúng ta thỏa mãn mong muốn tức thì của mình là: sở hữu vài bộ quần áo hợp xu hướng.
Phóng viên đã đi 1 vòng từ những khu chợ quần áo giá rẻ gần các trường đại học, cao đẳng tới cửa hàng của những thương hiệu thời trang nhanh để ghi nhận lý do cho sức hút này.
Ở cửa hàng của nhiều thương hiệu thời trang nhanh, các tiêu chí mẫu mã, giá cả lại càng hấp dẫn hơn khi đi kèm với những tấm biển như: “Thêm nhiều sản phẩm mới được giảm giá 50%”
02 Lãng phí vì chạy theo thời trang nhanh
Nhiều người chọn thời trang nhanh vì “tiện, rẻ và bắt kịp xu hướng”. Với thời đại công nghệ ngày nay cùng sự đa dạng của các sàn thương mại điện tử, 2 tiêu chí “tiện và rẻ” của thời trang nhanh lại càng tiện và rẻ hơn gấp nhiều lần khi những bộ trang phục chỉ vài chục nghìn có cơ hội xuất hiện cách người dùng chỉ vài cái click chuột.
Nhưng cái gì càng tiện, càng rẻ thì cũng có nghĩa việc vứt bỏ nó càng dễ dàng. Đây là lúc tiêu chí “bắt kịp xu hướng” của thời trang nhanh phát huy tác dụng, nó kích thích người tiêu dùng mua mới mà chẳng chút tiếc nuối gì.
Nói là chẳng chút tiếc nuối gì thì cũng không hẳn là đúng vì đến một thời điểm đủ lâu nào đó, vòng lặp “mua – vứt bỏ và mua mới” sẽ biến thành một tủ quần áo thậm chí là còn nguyên tem mác, kèm theo những phản ứng của người tiêu dùng như: “Ô, quần áo của mình à? Mình mua lúc nào ý nhỉ?”. Đó là cảm xúc thường thấy trong nhiều bài viết trên những hội nhóm thanh lý quần áo như “Góc pass đồ – thanh lý quần áo giá rẻ”. Nói là góc nhưng góc này có vẻ không hề nhỏ với hơn 381.000 thành viên.
Rất nhiều hội nhóm thanh lý quần áo.
Điều đáng nói, khi lướt qua nhóm này, không khó để bắt gặp những quần áo giao bán với hiện trạng “đồ mặc 1 -2 lần”, “còn nguyên tag”hay “mới 99%”… Không ít những bài giao bán kèm lời than vãn “đam mê mua đồ và cái kết” hay hay tệ hơn là “tủ đồ sắp sập” – “vì quá nghiện quần áo”,… kèm với đó là những bức ảnh quần áo cũ chất đống ngổn ngang được giao bán với giá chỉ từ vài chục nghìn.
Chị Nguyễn Ngọc Anh – Quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ: “Mình có thói quen giới trẻ trào lưu cái gì là mình cũng phải mua cái đấy. Hứng lên là mua thôi, vì nó rẻ, tầm 200 ngàn đồng đổ xuống vì là giá sinh viên nên mình mua rất nhiều, tầm 3 – 4 triệu/ tháng cho quần áo. Tủ lúc đấy là không có chỗ chứa nữa, có khi phải cho vào những bọc nilon”.
Không còn chỗ chứa nên có những thời điểm cứ 1 tháng Ngọc Anh phải thanh lý quần áo đến 2 lần. Những quần áo không thanh lý được thì đem cho. Thế nhưng, cô gái này vẫn vướng phải rắc rối mà rất nhiều người gặp phải đó là “không có gì để mặc”.
“Có quá nhiều đồ, lúc đi chơi là mình không biết mặc cái nào. Sau này nhìn mới thấy, ủa cái này mình mua từ bao giờ, còn nguyên tem mác.” – Ngọc Anh chia sẻ.
Hay với Phan Tường Linh, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội – một người đam mê thời trang, Linh cũng từng phải “trả giá” cho thói quen “vui cũng mua, buồn cũng mua” của mình.
Tường Linh chia sẻ: “Tình trạng đó xảy ra khi mình mua quần áo online. Mình thấy nó rẻ, không có sự lựa chọn kỹ càng và khi mang về thì mình thấy sao nó kỳ thế nhỉ và mình lại để đấy. Cho nên sau một thời gian, mình đã suy nghĩ là mình không nên phung phí tiền vào những món đồ còn nguyên tag như vậy”.
javascript:void(0)
Tuy thanh lý là cách tốt nhất để khắc phục việc mua sắm quần áo mất kiểm soát nhưng cũng không thể tránh khỏi sự lãng phí. Chính vì thế, cần thay đổi thói quen mua sắm với những tiêu chí rõ ràng là điều mà rất nhiều người sau đó đã nhận ra.
Chị Ngọc Anh bày tỏ: “Mình nghĩ mọi người như mình nên thay đổi thói quen mua sắm chi tiêu này. Bây giờ quần áo của mình, mình lựa chọn chất liệu, mẫu mã phù hợp để luôn muốn giữ gìn và mặc nó”.
Tường Linh đưa ra lời khuyên: “Bạn mua quần áo mà bạn có thể mặc lâu dài 2 – 3 năm thì công hiệu sử dụng đã rất lời so với việc bạn bỏ ra những số tiền nhỏ lẻ xong bạn mua rất nhiều và về bạn cũng không ưng ý. Mình thấy như vậy nó còn lãng phí hơn rất nhiều là mình lựa chọn những quần áo thực sự tử tế”.
03 Pháp hỗ trợ tiền sửa quần áo để tránh lãng phí
Ai khi nhìn vào tủ quần áo mà mình từng mua chẳng hốt hoảng tự nhắc bản thân rằng: “Phải ăn chắc mặc bền thôi, thế này thì phung phí quá rồi“. Hai cô gái nói trên – Ngọc Anh và Tường Linh – cũng thế. Việc bị cuốn vào mua sắm thời trang nhanh cũng giống như hình ảnh hòn tuyết lăn. Người ta có thể nhìn thấy trước việc trái bóng tuyết sẽ to lên thậm chí trở thành 1 thảm họa lở tuyết. Việc tốt nhất là dừng lại càng sớm càng tốt.
Với thời trang, nhiều quốc gia trên thế giới và chính những thương hiệu thời trang nhanh cũng nhận ra tương lai thảm họa đang chờ đợi nếu không tìm hướng đi mới.
Như tại Pháp, trong bối cảnh mỗi năm người dân nước này vứt bỏ khoảng 700.000 tấn quần áo, phần lớn sau đó sẽ được đem đi chôn lấp, Pháp đã thông báo: sẽ có một khoản tiền thưởng từ 7-25 Euro để khuyến khích người dân mang quần áo dày dép đi sửa chữa thay vì vứt bỏ.
Ở tầm vĩ mô hơn, lĩnh vực thời trang đang chuẩn bị thực hiện những thay đổi lớn sau khi Ủy ban châu Âu (EC) công bố một kế hoạch yêu cầu quần áo phải “có tuổi thọ cao, có thể tái chế và phần lớn phải được làm từ sợi tái chế” vào năm 2030.
T04 Các hãng thời trang nhanh cam kết xanh hóa
Năm 2019, Pablo Isla – Giám đốc điều hành hãng Zara, trực thuộc Công ty Inditex – đã tuyên bố về kế hoạch sản xuất xanh của hãng. Đây là hành động cụ thể nhất của “ông lớn” thời trang nhanh trong việc thực hiện cam kết hạn chế sản xuất gây tác hại đến môi trường.
Cụ thể, Zara cam kết đến năm 2025 chỉ sử dụng bông, vải lanh và polyester hữu cơ bền vững hoặc tái chế để làm quần áo. Mục tiêu “xanh” của Zara còn hướng tới việc các cửa hàng trưng bày sẽ sử dụng những thiết bị điện ít gây ô nhiễm môi trường nhất, đảm bảo nguồn năng lượng tái sử dụng đạt 80% ở các cửa hàng, lắp đặt những thùng tặng đồ cũ tại tất cả điểm bán hàng.
Zara cũng đã cho ra mắt dòng sản phẩm Join Life sử dụng các chất liệu thân thiện với môi trường. Hãng có tham vọng đạt được chỉ số 0% lượng chất thải ra môi trường vào năm 2040.
Trong khi đó hãng thời nhanh khác là H&M thì cam kết sử dụng 100% chất liệu tái chế hoặc bền vững cho toàn bộ thương hiệu vào năm 2030. Hiện H&M triển khai dòng sản phẩm có tên “Ý thức – Conscious”, trong đó sử dụng tới 50% vật liệu tái chế như bông hữu cơ hoặc polyester tái chế trong sản xuất.
Để minh chứng, hàng năm hãng đều ra mắt các bộ sưu tập để không ngừng giới thiệu các chất liệu vải bền vững, thúc đẩy sử dụng vải lanh hữu cơ, cotton hữu cơ, lụa hữu cơ, và polyester tái chế.
Ngoài ra, hàng loạt thương hiệu cao cấp như Versace, Giorgio Armani, Gucci, Tom Ford và Tuần lễ thời trang London cũng đã tuyên bố ngưng sử dụng lông thú. Thương hiệu jeans Levi’s cũng đã tìm ra công nghệ sản xuất tốn ít nước hơn và loại bỏ chất độc với nguồn nước hay Adidas tái chế rác thải biển để làm giày.
05 Người trẻ đam mê phát triển thời tranh xanh
Trong các tài liệu của mình, Liên Hợp Quốc định nghĩa, tính bền vững là “khả năng đáp ứng các nhu cầu của hiện tại mà không ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên của các thế hệ tương lai”. Cuối cùng, mọi thứ cũng cần phải thân thiện, phải xanh hoá. Tất nhiên sẽ còn mất nhiều thời gian để thực sự thiết lập một thói quen tiêu dùng mới – xanh hơn. Nhưng thời điểm này, tín hiệu vui là ta đã thấy sự thay đổi trong suy nghĩ của nhiều người dùng và của cả những thương hiệu thời trang lớn. Góp phần vào sự thay đổi đó còn có cả những hướng đi mới, đầy sáng tạo của những người trẻ yêu lối sống xanh bền vững.
Sử dụng chất liệu là những tấm vải được dệt thủ công bằng sợi gai dầu của đồng bào Mông tại tỉnh Hà Giang để thiết kế thành những sản phẩm thời trang phù hợp với cuộc sống của người thành thị – đó là cách cô gái trẻ Phương Thảo sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh theo đuổi trên hành trình phát triển thời trang xanh của mình.
Phương Thảo chia sẻ: “Cây gai dầu sẽ có khả năng hút carbonic, thải ra oxy gấp 4 lần cây thông thường. Nó không cần 1 loại phân bón hóa học nào hết, cứ tự động lớn lên. Và lượng nước nó sử dụng chỉ nhỏ bằng 1/10, 1/14 khi bạn sử dụng để trồng cotton. Gai dầu đã tốt cho trái đất, lại đem lại bản sắc văn hoá, truyền thống văn hoá. Tại sao mình không phát triển nó thêm?”.
Chất liệu từ bản địa, thân thiện với môi trường, thế nhưng lựa chọn hướng đi làm thời trang xanh, thời trang bền vững chưa bao giờ là con đường trải đầy hoa hồng.
Chị Trương Thị Ngọc Diệu – Thợ may chia sẻ: “Trước giờ tôi chưa bao giờ gặp 1 chất liệu khó như thế. Khi làm gặp rất nhiều khó khăn, khi tôi cắt vải bị tưa hết. Khi may cũng khó khăn khi bo góc”.
Chị Phương Thảo cho biết thêm: “Chạm vào thì nó thô cứng nhưng giặt nhiều lần vải càng mềm và bền theo thời gian và rất chắc chắn. Nó bền vững từ chất liệu đến đặc tính”.
Dù là chất liệu khó với thợ may nhưng nhưng giặt nhiều lần vải càng mềm và bền theo thời gian.
Xu hướng tạo ra các sản phẩm thời trang bền vững, hạn chế rác thải ngày càng được nhiều người trẻ quan tâm. Trong đó, sử dụng nguyên liệu tái chế cũng là một cách làm hay, sáng tạo. Từ những món đồ cũ, tưởng chừng như bỏ đi, chỉ cần 1 chút khéo léo và sự sáng tạo đã có thể hô biến thành những chiếc túi độc lạ phiên bản giới hạn.
Chị Lily Hoàng – Người sáng lập dự án Tôi tái sinh cho biết: “Chất liệu của nó rất thân thiện với môi trường. Thân là từ gỗ thừa của các xưởng nội thất. Phần quai từ những loại vải cũ dư thừa do mọi người gửi đến”.