Ô nhiễm không khí do bụi mịn đã khiến gần 240.000 người ở Liên minh châu Âu tử vong vào năm 2022.
Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) ước tính có ít nhất 239.000 ca tử vong do tiếp xúc với chỉ số bụi mịn PM2.5 cao hơn mức khuyến nghị, phần lớn các ca xảy ra tại Italy, Ba Lan và Đức. Số liệu trên ghi nhận mức giảm 5%, từ 253.000 trường hợp tử vong vào năm 2021.
Bụi mịn là loại hạt vật chất nhỏ nhất, được coi là mối đe dọa đối với sức khỏe con người khi hít phải. Theo số liệu của Cơ quan Môi trường châu Âu, tác động đối với sức khỏe do tiếp xúc lâu dài với 3 chất gây ô nhiễm không khí chính gồm bụi mịn, nitrogen dioxide (NO2) và ozone đang có dấu hiệu cải thiện. Trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2022, số ca tử vong do bụi mịn PM2.5 đã giảm 45%, giúp châu lục này đạt được mục tiêu cắt giảm 55% số ca tử vong do ô nhiễm ozone vào năm 2030.
Báo cáo cho biết có 70.000 ca tử vong do tiếp xúc với ô nhiễm ozone, đặc biệt là từ giao thông đường bộ và hoạt động công nghiệp. Ngoài ra, có 48.000 ca tử vong sớm do NO2, chủ yếu từ phương tiện giao thông và nhà máy nhiệt điện.
Tuy nhiên, EEA cảnh báo ô nhiễm không khí vẫn là mối đe dọa môi trường lớn nhất đối với sức khỏe của người dân châu Âu.
Trước đó, vào ngày 25/6, Tổ chức Vận tải và Môi trường (T&E) cảnh báo khoảng 52 triệu người sống quanh các sân bay nhộn nhịp nhất châu Âu có nguy cơ bị tổn hại sức khỏe do nồng độ các hạt mịn thải ra trong quá trình đốt cháy nhiên liệu của máy bay phản lực.
Các hạt siêu mịn – nhỏ hơn khoảng 1.000 lần so với sợi tóc người – được giải phóng trong quá trình máy bay cất cánh và hạ cánh. Kích thước cực nhỏ khiến hạt siêu mịn dễ dàng xâm nhập các mô của con người. Và ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những hạt này có hại cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, hạt siêu mịn phần lớn vẫn chưa được kiểm soát.
Theo VTV