Nồng độ hạt vi nhựa được tìm thấy trong mô não người 45-50 tuổi là 4.800 microgram/gam, chiếm khoảng 0,5%, theo nghiên cứu mới đây trên tạp chí JAMA Network Open.

Số liệu thu thập được từ khám nghiệm tử thi vào đầu năm 2024 cho thấy vi nhựa xâm nhập vào mô não người ngày càng nhiều, với nồng độ cao hơn khoảng 50% so với số liệu thu thập được từ khám nghiệm tử thi vào năm 2016.

Ngoài ra, nồng độ hạt vi nhựa được tìm thấy trong mô não của người bình thường từ 45 – 50 tuổi là 4.800 microgram/gam, chiếm khoảng 0,5%.

Đây là dữ liệu từ một tài liệu nghiên cứu chưa qua bình duyệt và chưa được công bố trên bất kỳ tập san chuyên môn nào, song được đăng trực tuyến vào tháng 5. Theo giáo sư Matthew Campen thuộc tại Đại học New Mexico (Mỹ) đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu, con số trên có nghĩa là bộ não của con người hiện nay có 99,5% là não và phần còn lại chính là nhựa.

Tuy nhiên phó giáo sư Phoebe Stapleton chuyên nghiên cứu về dược lý và độc chất học tại Đại học Rutgers (Mỹ) cho rằng sự gia tăng nói trên chỉ cho thấy mức độ phơi nhiễm, chứ không cung cấp thông tin về tổn thương não. Bà nhấn mạnh cần nghiên cứu thêm để hiểu cách các hạt có thể xâm nhập tế bào não và liệu điều này có gây ra hậu quả về mặt độc tính hay không.

Cũng theo tài liệu nghiên cứu trên, các mẫu não chứa nhiều vi nhựa hơn, cao hơn từ 7-30 lần so với các mẫu từ thận và gan của tử thi.

Theo bà Kimberly Wise White – phó chủ tịch phụ trách các vấn đề khoa học và quản lý của Hội đồng Hóa học Mỹ, mặc dù dựa trên các phương pháp chưa được xác thực nhưng tài liệu nghiên cứu nói trên không chỉ giúp cung cấp dữ liệu về sự xâm nhập của vi nhựa vào mô não người mà còn là cơ sở để phát triển các công cụ cải tiến để đo lường mức độ độc hại của vi nhựa đối với con người, sau đó cung cấp những cách thức mà vi nhựa có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Trong công trình này, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra các mô não, thận và gan của 92 người đã trải qua khám nghiệm tử thi pháp y để xác minh nguyên nhân tử vong vào năm 2016 và 2024. Các mẫu mô não được lấy từ vỏ não trước trán, vùng não liên quan đến suy nghĩ và lý luận. Đây cũng là vùng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi chứng sa sút trí tuệ thùy trán – thái dương (FTD) và các giai đoạn sau của bệnh Alzheimer.

Vi nhựa là những hạt có kích thước dưới 5 milimét, trong khi các hạt nhựa nano có kích thước dưới 1 micromet, tức là nhỏ tới mức có thể xâm nhập qua hệ tiêu hóa và phổi, trực tiếp vào máu và từ đó xâm nhập các cơ quan nội tạng, bao gồm não và tim.

Giáo sư Campen giải thích bằng cách nào đó, những hạt nhựa nano xâm nhập cơ thể và đến não, vượt qua “hàng rào” là máu não.

Nhựa “thích” chất béo hoặc lipid, vì vậy một giả thuyết cho rằng nhựa đang xâm nhập vào chất béo mà chúng ta ăn, sau đó được đưa đến các cơ quan thực sự thích lipid, mà não là một trong số những cơ quan như vậy. Trong khi đó 60% trọng lượng của não là chất béo, cao hơn bất kỳ cơ quan nào khác.

Tuy nhiên có một số nghiên cứu khác cho rằng chế độ ăn uống là con đường chính dẫn đến việc vi nhựa xâm nhập vào các bộ phận cơ thể con người.

Vi nhựa như “con ngựa thành Troy” xâm nhập não người

Theo các chuyên gia, nhựa nano đáng lo ngại nhất đối với sức khỏe con người. Những hạt vi nhựa và nhựa nano được ví như những “con ngựa thành Troy”, mang theo hàng nghìn loại hóa chất gây hại đến sức khỏe con người khi xâm nhập vào từng tế bào và mô trong các cơ quan chính.

Bác sĩ nhi khoa đồng thời là giáo sư nghiên cứu sinh học Philip Landrigan từ Trường cao đẳng Boston giải thích bằng cách xâm nhập vào từng tế bào và mô trong các cơ quan chính, nhựa nano có thể làm gián đoạn các quá trình hoạt động của tế bào và làm lắng đọng các hóa chất gây rối loạn nội tiết.

Theo Hội Nội tiết của Mỹ, các chất gây rối loạn nội tiết can thiệp vào hệ thống sinh sản của con người, dẫn đến dị tật nhất định đối với cơ quan sinh dục và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của cả nam và nữ.

Trước những nguy cơ tiềm ẩn như vậy, giới khoa học và các nhà hoạt động bảo vệ môi trường khuyến nghị giảm thiểu việc sử dụng đồ dùng bằng nhựa để chứa đựng thực phẩm, nhất là màng nhựa hoặc túi nhựa để bọc và đựng thực phẩm hoặc cốc nhựa để uống nước.

Theo TTXVN

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version