Dăm bảy năm trước, tôi sống trong một con ngõ sát bờ sông Sét thuộc phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Cán bộ phường lúc bấy giờ tới từng hộ gia đình vận động phân loại rác tại nhà. Phường coi đây là một “điểm sáng” về bảo vệ môi trường. Tôi đi mua ngay ba thùng rác to, hướng dẫn chi tiết mọi người trong nhà cách phân loại.

Nhưng khi chúng tôi mang ba túi rác đã phân loại ra lề đường, một chiếc xe thu gom chạy tới, đổ ụp cả ba túi vào chung một nơi. Công sức hì hục phân loại trở thành “công cốc”. Không lâu sau, phường không còn đả động gì tới câu chuyện phân loại rác tại nhà nữa.

Cho tới tận bây giờ, nơi duy nhất đang “phân loại rác” ở Việt Nam có lẽ là… các cơ sở đồng nát – tất nhiên, để nhặt nhạnh bán lấy tiền, chứ không phải vì bảo vệ môi trường.

Năm 2020, Luật Bảo vệ môi trường được ban hành, trong đó Khoản 1 Điều 60 quy định “Hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm giảm thiểu, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thu gom và chuyển rác thải sinh hoạt đã được phân loại đến đúng nơi quy định”. Thông tư 02/2022/TT-BTNMT có 5 điều về xử lý chất thải sinh hoạt, từ hướng dẫn chi tiết phương thức thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt đến mức phí người dân phải trả.

Những quy định pháp luật này là hoàn toàn hợp lý. Người tạo ra rác phải chi trả cho việc thu gom và xử lý rác. Phân loại rác tại nhà sẽ làm cho mức phí giảm đi. Nhưng sự đời vẫn hay “trớ trêu”. Nghe đến trả phí, nhiều người “khôn lỏi” tìm cách đổ trộm rác xuống sông. Môi trường lại càng ô nhiễm hơn.

Gần đây nhất, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt như một tài liệu giúp các địa phương thực hiện Luật Bảo vệ môi trường. Cấp tỉnh phải chủ động ban hành quy định cụ thể để triển khai thực hiện sao cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Việc phân loại rác còn phải phù hợp với nhà máy xử lý rác đã hoặc sẽ được địa phương lựa chọn. Bản hướng dẫn kỹ thuật nói trên chỉ như tài liệu tham khảo.

Các nước công nghiệp hay đang thực hiện công nghiệp hóa coi việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt cho các cụm khu dân cư là bắt buộc, từ đó có quy định để người dân phân loại rác tại nhà cho phù hợp. Tại các khu dân cư có điều kiện hạ tầng khác nhau thì mức phí chi trả cho cuộc sống cũng khác nhau. Từ đấy, cư dân tùy theo hoàn cảnh riêng của mình mà lựa chọn nơi sống. Tùy theo công việc làm mà mức lương phải trả đủ cho mức sinh hoạt phí tương ứng. Đây cũng chính là cách tạo nên năng lực cạnh tranh của từng địa phương để có điều kiện hạ tầng ngày càng tốt hơn, trong đó có hạ tầng bảo vệ môi trường.

Bản hướng dẫn kỹ thuật phân loại rác thải sinh hoạt vừa ban hành hướng tới phân ra ba loại rác: chất thải có khả năng tái sử dụng; chất thải thực phẩm tươi sống; và chất thải sinh hoạt khác còn lại. Chất thải có khả năng tái sử dụng được nhà máy phân loại tiếp để chuyển về các cơ sở tái chế. Chất thải thực phẩm tươi sống được chế biến thành phân hữu cơ. Chất thải còn lại cũng được nhà máy phân loại tiếp để có phần đốt làm điện rác hoặc làm các vật liệu khác, và có phần xử lý bằng cách chôn lấp.

Trên thế giới, nhiều nước còn phân rác tại nhà thành bốn loại như Nhật Bản, Hàn Quốc. Ngoài ba loại trên, họ tách riêng ra loại rác thải nguy hại như pin, ác quy, bóng đèn, các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật… để xử lý riêng. Một số quốc gia ở Bắc Âu, Tây Âu còn phân thành năm loại, thêm rác điện tử từ máy tính, điện thoại, tivi… không còn sử dụng và để xử lý theo phương thức riêng.

Tất nhiên, việc phân loại rác, dù ba hay bốn hay năm loại, luôn được họ đảm bảo đồng bộ, thống nhất từ nguồn cho tới tận nơi xử lý cuối cùng.

Để thực hiện triệt để chính sách phân loại rác tại nguồn, các quốc gia còn thực hiện một số giải pháp bổ sung như hoàn chỉnh khung pháp luật với những quy định cụ thể; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng bằng cách đưa vào chương trình giáo dục phổ thông và phổ biến trên báo chí; cung cấp các thùng rác để phân loại tới từng hộ gia đình; chia sẻ lợi ích từ quá trình tái chế rác; giảm phí xử lý rác sinh hoạt đối với các hộ đã phân loại…

Bảo vệ môi trường luôn là sự nghiệp của toàn dân. Giải pháp bảo vệ môi trường là sáng kiến của các nhà khoa học và được các doanh nghiệp, người dân thực hiện. Cơ chế vận hành là trách nhiệm của khu vực quản lý nhà nước; và tạo được thói quen của dân là nhiệm vụ của giáo dục và truyền thông. Sự phối hợp đồng bộ và nhuần nhuyễn giữa các khu vực này là nguồn gốc tạo ra thành công.

Phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình là một giải pháp được các nước tiến bộ áp dụng. Thói quen này cần hình thành càng sớm càng tốt ở các khu dân cư Việt Nam như một nét văn hóa.

Nhưng nếu “ông chẳng bà chuộc”, dân phân rác làm ba, nhân viên thu gom chập lại thành một, thì rác sẽ vẫn chỉ được phân loại trên văn bản.

Theo Báo VnExpress

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version